Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

OPEC+ giảm sản lượng dầu là ‘món quà’ cho Nga

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quyết định cắt giảm sản lượng dầu của liên minh OPEC+ dưới sự phát động của Saudi Arabia, làm tăng rủi ro suy thoái toàn cầu nhưng lại vô tình mang lại ‘món quà’ cho Nga. Giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng khi nguồn cung thắt chặt sẽ kéo giá dầu của Nga đi lên và có thể vượt qua ngưỡng giá trần 60 đô la/thùng mà phương Tây áp đặt.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu của liên minh OPEC+, nơi Saudi Arabia là nước có tiếng nói ảnh hưởng nhất, làm tăng rủi ro suy thoái toàn cầu nhưng giúp Nga được hưởng lợi nếu giá dầu tăng. Ảnh: Reuters

Kinh tế toàn cầu bị đe dọa

Ba năm trước, khi giá dầu thô sụt giảm lịch sử, gây ra bất ổn nền kinh tế toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu nỗ lực của phương Tây nhằm thuyết phục Saudi Arbia và Nga cắt giảm sản lượng. Sau đó, các đợt cắt giảm của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài do Nga đứng đầu, giúp ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ không bị sụp đổ. Ông Trump đã ca ngợi Riyadh và Moscow vì sự giúp đỡ của họ.

Ba năm sau, sự hợp tác như vậy không còn nữa. Cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine khiến châu Âu loại bỏ năng lượng của Nga khỏi nền kinh tế, trong khi đó, nhóm cường quốc G7 áp đặt mức giá trần 60 đô la/thùng đối với dầu Nga.

Giá dầu thô tăng vọt hồi năm ngoái khoét sâu thêm rạn nứt giữa Riyadh và chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng chỉ trích OPEC+ đứng về phía Nga sau khi liên minh quyết định cắt giảm nguồn cung dầu 2 triệu thùng/ngày.

Cuối tuần trước, Riyadh và OPEC+ gây sốc cho thị trường dầu mỏ bằng quyết định cắt giảm nguồn cung dầu thô thêm hơn 1,1 triệu thùng/ngày. Greg Priddy, chuyên gia tư vấn của Spout Run Advisory (Mỹ), cho biết động thái giảm sản lượng của OPEC+  sẽ gây ra tác động kinh tế và chính trị vượt ra ngoài thị trường dầu mỏ.

Các nhà phân tích cho rằng áp lực giá dầu tăng cao, ngay cả khi chi phí năng lượng bắt đầu giảm ở các nền kinh tế phương Tây, sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của các ngân hàng trung ương.

“Saudi Arabia hiện sẵn sàng chịu đựng những căng thẳng với Washington để theo đuổi lợi ích kinh tế của chính họ”, Helima Croft, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của ngân hàng RBC Capital Markets, nhận định.

Nhưng rủi ro đối kinh tế toàn cầu là rất lớn nếu giá dầu lên quá cao.

Adi Imsirovic, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), cho biết: “Chúng ta có lạm phát cao, các nền kinh tế có khả năng rơi vào suy thoái. Đây là tình huống mà bạn cần giá dầu thấp hơn để nền kinh tế phục hồi. Nếu các ngân hàng trung ương không còn khả năng cắt giảm lãi, OPEC+ có thể phải chịu trách nhiệm nếu toàn bộ nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái”.

Quyết cắt giảm của OPEC+ diễn ra sau cuộc đàm phán dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, người anh em cùng cha khác mẹ của Thái tử và Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Câu đặt ra là liệu việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ có làm tăng giá dầu quá nhanh và đe dọa sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu vẫn đang mong manh hay không.

Theo Amy Myers Jaffe, giáo sư tại Đại học New York, nếu giá dầu tăng mạnh vào lúc này, khi các nước nghèo đang vật lộn với nợ nần và đồng đô la mạnh, thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hơn

Một số nhà phân tích cho rằng Saudi Arbaia đang đặt cược nền kinh tế thế giới có thể chịu đứng giá dầu đắt đỏ hơn, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Công ty tư vấn thị trường dầu Energy Aspects, cho biết Saudi Ararbia nhận thức nhu cầu đang giảm sút, nhưng tin rằng mức giá dầu lên tới 120 đô la/thùngg là có thể chấp nhận được. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, giá dầu Brent 85,12 đô la/thùng hôm 6-4 sẽ tương đương với khoảng 73 đô la 5 năm trước.

 ‘Món quà’ lớn cho Nga

Saudi Arabia giải thích quyết định giảm 500.000 thùng/ngày “nhằm mục đích hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”. Nhưng nước này cũng cần nhiều tiền hơn để phục vụ các siêu dự án trong Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman, bao gồm dự án thành phố tương lai Neom với tòa nhà cao 500 mét, chạy dài 120 km bên bờ Biển Đỏ.

Và nếu OPEC+ thành công trong việc giữ giá dầu cao hơn trong thời gian dài, điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của các nước phương Tây nhằm hạn chế dòng chảy đô la dầu mỏ vào ngân sách chiến tranh của Điện Kremlin.

Roger Diwan, nhà phân tích của S&P Global Commodity Insights, cho biết, khi Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác cắt giảm xuất khẩu dầu thô từ tháng 5 tới đến cuối năm nay, nhu cầu dầu của Nga sẽ tăng lên.

Một số nhà phân tích dự báo điều này có thể đẩy giá dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga vượt lên trên mức trần 60 đô la/thùng mà G7 áp đặt. Imsirovic của OIES nhận định: “Đây sẽ một món quà lớn dành cho Tổng thống Putin nếu giá dầu xuất khẩu của Nga tăng thêm 10 đô la mỗi thùng. Nhưng đó một món quà mà phần còn lại của thế giới sẽ phải trả tiền”.

Phản ứng của Nhà Trắng với lần cắt giảm mới nhất của OPEC+ cho đến nay khá im ắng. Nhưng căng thẳng sẽ xuất hiện, nếu giá dầu tăng trở lại mức 100 đô la/thùng hoặc nền kinh tế rơi vào suy thoái. Chính quyền Biden nhận thức sâu sắc rằng giá xăng tăng cao hơn sẽ tác động xấu đến nỗ lực tái tranh cử của ông.

“Ở Ả Rập Saudi, người ta tin rằng Mỹ sẽ không gây sự khi giá dầu cao hơn, trừ khi vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng khi bạn dồn ép một siêu cường toàn cầu, bạn có thể bị đáp trả”, Raad  Alkadiri, giám đốc bộ phận tài nguyên, khí hậu và năng lượng của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, nhận định.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới