(KTSG Online) - Liên minh OPEC+, bao gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài, vừa quyết định cắt giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày trong tháng 10. Động thái này nhằm chặn đà giảm giá dầu kéo dài trong những tháng qua.
Dù không nêu công khai về mức giá dầu mong muốn, nhưng các hành động hiện nay và trước đây của OPEC+ cho thấy liên minh này muốn giữ giá dầu trên mức 90 đô la/thùng. Song đây là mục tiêu khó đạt được khi các điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng xấu chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới cơn suy thoái, làm sụp đổ nhu cầu năng lượng và có thể khiến giá dầu giảm sâu đến mức chỉ còn 50 đô la/thùng, theo nhận định của Clyde Russell, cây bút bình luận thị trường hàng hóa và năng lượng châu Á của Reuters.
Sau cuộc họp hôm 5-9, nhóm OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng tới. Mức giảm sản lượng dầu khiêm tốn này sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn đối với cán cân cung cầu toàn cầu, với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu hiện nay khoảng 100 triệu thùng/ngày. Nhưng động thái đó báo hiệu quyết tâm bảo vệ giá dầu thô của OPEC+ ở mức trên 90 đô la/thùng. Kết thúc phiên giao dịch hôm 5-9, giá dầu Brent giao tháng 11 ở thị trường London tăng gần 3% lên mức 95,74 đô la/thùng.
Matthew Holland, nhà phân tích địa chính trị tại Công ty tư vấn Energy Aspects, cho biết việc OPEC+ cắt giảm sản lượng một phần là để “cho thị trường thấy rằng nhóm sẵn sàng hành động để hỗ trợ nếu giá dầu có vẻ như đang sụp đổ”.
“OPEC+ muốn gửi thông điệp tới Mỹ và cộng đồng quốc tế: ‘Đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ ngồi yên nếu những nước tiêu thụ dầu tiếp tục cố gắng can thiệp vào thị trường bằng cách áp trần với giá dầu Nga, trích xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược hoặc cố gắng đưa Iran trở lại thị trường dầu'”, nhà phân tích Raad Alkadiri tại Công ty tư vấn địa chính trị Eurasia, nói.
Clyde Russell cho rằng vấn đề đối với OPEC+ là khi nền kinh tế thế giới có khả năng rơi vào cơn suy thoái do tác động của giá năng lượng, nhóm này có thể buộc phải hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ mức giá dầu 50 đô la/thùng trong thời gian sáu tháng tới do nhu cầu sụp đổ.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu ở mức nhỏ trong tháng 10 của OPEC+ có thể dựa trên quan điểm của ủy ban kỹ thuật của nhóm này cho rằng thị trường có khả năng trải qua tình trạng dư thừa nguồn cung khoảng 400.000 thùng/ngày trong năm nay, trước khi chuyển sang mức thâm hụt nhỏ, khoảng 300.000 thùng/ngày vào năm 2023.
Một số nhà lãnh đạo OPEC+, bao gồm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman al-Saud, cho biết thị trường dầu thô tương lai đang biến động mạnh vì thanh khoản yếu và đang được định giá dựa vào các dự báo nhu cầu giảm chưa thể hiện không rõ ràng trên thị trường dầu vật chất.
Đây cũng có thể là một lập luận hợp lệ trong hoàn cảnh hiện tại nhưng vào thời điểm giữa mùa đông ở Bắc bán cầu, tình hình sẽ hoàn toàn khác.
Châu Âu có khả năng đang tiến tới một cơn suy thoái do chi phí năng lượng tăng cao sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực này qua đường ống Nord Stream 1.
Giá khí đốt và khí đốt hóa lỏng (LNG) tăng cao đã gây ra tác động lan tỏa, khiến giá than nhiệt lượng cao (được sử dụng để sản xuất điện), tăng lên mức cao kỷ lục. Giá dầu diesel cũng tăng cao do nhiên liệu này, vốn thường sử dụng chủ yếu cho xe cộ, trở nên cạnh tranh về giá để sản xuất điện.
Chi phí khí đốt đắt đỏ buộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu, chẳng hạn như các nhà máy luyện kim, phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng. Tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới do chi phí tăng thêm của khí đốt sẽ được chuyển sang cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng trong khu vực.
Tác động đầy đủ của lạm phát cao và lãi suất tăng thường cần một thời gian mới thấy rõ. Rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu là tất cả các yếu tố tiêu cực bắt đầu ập đến vào cùng một thời điểm, cụ thể là khi nhu cầu năng lượng lên cao điểm vào mùa đông sắp tới.
Giá dầu thô đã lao dốc mạnh trong các đợt suy thoái kinh tế toàn cầu trước đó và có khả năng điều tương tự sẽ xảy ra vào khoảng thời gian này. Theo Clyde Russell, viễn cảnh đó sẽ gây khó khăn cho OPEC+ trong nỗ lực bảo vệ giá dầu thô đang ngày càng trở nên không phù hợp với hiện thực mới của nền kinh tế.
Một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng giữa Tehran và Washington cũng có thể giúp Iran bổ sung thêm hàng triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường dầu toàn cầu. Điều này sẽ làm phức tạp thêm các tính toán của OPEC+.
Không chỉ châu Âu, nơi nhu cầu dầu đang bị hoài nghi nếu nền kinh tế của khu vực này chìm vào cơn suy thoái. Giá năng lượng cao cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á, làm u ám thêm bức tranh kinh tế vốn đã ảm đạm ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đang nỗ lực kích thích nền kinh tế sau khi áp đặt các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở một số thành phố lớn vào đầu năm nay. Nhưng quyết định đóng cửa hai đô thị lớn Thâm Quyến và Thành Đô vào tuần trước đã củng cố quan điểm cho rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc vẫn yếu.
Nhìn chung, ngày càng khó để duy trì quan điểm giá dầu thô phải trên 90 đô la/thùng vào cuối năm nay. Clyde Russell nhấn mạnh rủi ro đối với OPEC+ là nếu liên minh cố gắng ép giá duy trì ở mức đó bằng cách hạn chế nguồn cung, điều này sẽ chỉ khiến suy thoái toàn cầu sâu hơn và kéo dài hơn.
Theo Reuters, Financial Times