(KTSG Online) - Sau khi liên minh OPEC +, gồm các thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh thông báo cắt giảm tự nguyện hơn 1,1 triệu thùng dầu/ngày, vào hôm nay (3-4), giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã tăng đến 8%. Giới phân tích nhận định, giá dầu có thể quay trở lại ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng do nguồn cung thắt chặt.
- OPEC+ duy trì hạn chế sản lượng dù dầu Nga bị áp giá trần
- OPEC+ giảm sản lượng, Mỹ tuyên bố bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược
Hôm 2-4, Saudi Arabia, nước lãnh đạo trên thực tế của OPEC, tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày. Cùng ngày, các nước thành viên khác của OPEC+ gồm Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman cũng thông báo cắt giảm sản lượng tổng cộng 649.000 thùng/ ngày.
Thêm vào đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, cho biết Điện Kremlin sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023, theo hãng thông tấn nhà nước TASS. Trước đó, Nga thông báo chỉ giảm mức sản lượng trong tháng 3 vừa qua.
Biện pháp cắt giảm tự nguyện trên sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 5 tới cho đến cuối năm 2023. Saudi Arabia giải thích động thái này là bước đi chủ động nhằm bình ổn thị trường dầu. Hồi tháng 10 năm ngoái, OPEC+ cũng đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ thất vọng trước "quyết định giảm sản lượng dầu thiển cận” của OPEC+” giữa lúc thế giới vẫn chật vật ứng phó tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Phản ứng trước thông tin trên, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng vọt đến 8% trong phiên giao dịch sáng nay. Lúc 3 giờ chiều nay (3-4), theo giờ Việt Nam, giá dầu đã thu hẹp đà tăng với dầu Tây Texas ở New York tăng 4,38%, lên mức 80 đô la/thùng và dầu Brent ở London tăng 4,6%, lên mức 84,5 đô la/thùng.
“Sự tham gia cắt giảm sản lượng có chọn lọc lần này từ các thành viên lớn nhất của OPEC+ cho thấy việc tuân thủ cắt giảm sản lượng có thể mạnh mẽ hơn so với trước đây”, Vivek Dhar, nhà phân tích của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, nói.
Trong khi đó, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nói với CNBC là kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên mốc 100 đô la/thùng một lần nữa giữa lúc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế là việc cắt giảm sản lượng của Nga được xem là động thái trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông cảnh báo, giá dầu tăng thêm có thể đảo ngược đà suy giảm của lạm phát, làm phức tạp thêm quyết định về lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, có trụ sở ở Singapore, cho rằng giá dầu cao hơn có thể làm giảm một số nhu cầu cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát dai dẳng mà các ngân hàng trung ương đang xoay sở kiểm soát, làm tăng thêm rủi ro suy thoái.
Theo bà, động thái của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường dầu vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quí 2 so với kỳ vọng thặng dư trước đó.
Trong tháng 3, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2021 do giới đầu tư lo ngại các vấn đề của ngành ngân hàng có thể làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bob McNally, Chủ tịch của Rapidan Energy Group, cho rằng OPEC+ dường như không muốn thị trường vào nửa cuối năm nay lặp lại thảm cảnh của năm 2008 khi giá dầu lao dốc từ 140 đô la xuống còn 35 đô la/thùng chỉ trong vòng 6 tháng.
McNally dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 đô la nếu nhu cầu của Trung Quốc quay trở lại mức 16 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay và nguồn cung của Nga bắt đầu giảm do lệnh trừng phạt. Nếu những đợt cắt giảm sản lượng như vậy tiếp tục diễn ra thì sẽ khiến cho thị trường sẽ trở nên thắt chặt quá mức.
Theo hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Wood Mackenzie, Trung Quốc có thể chiếm 40% nhu cầu dầu phục hồi của thế giới vào năm 2023.
“Biện pháp cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+ gửi một tín hiệu khá mạnh mẽ tới thị trường rằng họ sẽ hỗ trợ giá dầu”, Daniel Hynes, nhà chiến lược hàng hóa cấp cao của ngân hàng ANZ bình luận.
Amrita Sen, người sáng lập hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, cũng kỳ vọng giá dầu tăng lên 100 đô la. Tuy nhiên, ông giữ quan điểm cho rằng, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có khả năng bị đảo ngược tùy thuộc vào diễn biến củ thị trường.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs lưu ý, không giống như lần cắt giảm vào tháng 10, quyết định giảm sản lượng lần này của OPEC+ diễn ra khi mà động lực nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng chứ không giảm nhờ đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Những nhà phân tích này dự báo, giá Brent chuẩn quốc tế sẽ tăng lện mức 95 đô la/thùng vào cuối năm nay. Theo đó, quyết định cắt giảm sản lượng dầu dù bất ngờ nhưng phù hợp với học thuyết hành động phủ đầu của OPEC+.
Động thái sản lượng dầu bất ngờ dự kiến gây thêm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia sau khi Tổng thống Joe Biden thất bại trong nỗ lực vận động nước này không tăng sản lượng hồi tháng 10 năm ngoái.
“Rủi ro địa chính trị đang dâng cao do Saudi Arabia không chỉ vô tình đứng về với Nga mà còn được cho là đang thân thiện hơn với Trung Quốc”, Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) nhận định.
Theo CNBC, Bloomberg