Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

OPEC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dẫn các lý do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc , Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2022 sau khi đã hai lần hạ dự báo kể từ tháng 4. Dù vậy, mức giảm dự báo không quá lớn và thực tế, nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay, theo ước tính của OPEC, vẫn tăng 3,2%, tương đương 3,1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Bể chứa dầu ở một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco tại thành phố Ras Tanura,  Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo thị trường hàng tháng công bố hôm 11-8, OPEC hạ cắt giảm dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay 260.000 thùng/ngày, xuống 100,03 triệu thùng/ngày. Tổ chức này cũng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong năm 2023 ở mức tương tự,  xuống 102,72 triệu thùng/ngày. Đây là lần thứ 3 OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu kể từ tháng 4.

Tiêu thụ dầu đã phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 và dự kiến vượt mức tiêu thụ của năm 2019. Tuy nhiên, giá dầu cao cùng với và các đợt dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc đã tác động đến các dự báo mới nhất của OPEC.

Các điều chỉnh dự báo của OPEC được đưa ra khi giá dầu đã giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục được thiết lập sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine vào cuối tháng 2. Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và các dấu hiệu dịu lại của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã khiến giá dầu thô trên thị trường quốc tế trong tháng này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

OPEC cũng hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới, nhưng cho biết nhu cầu về dầu, dù không tăng trưởng như kỳ vọng vào hồi đầu năm, vẫn sẽ rất mạnh.

OPEC nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, giảm so với mức 3,5% mà tổ chức này dự báo vào tháng trước, do lạm phát gây sức ép lên lên các doanh nghiệp và người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương lớn đang tăng mạnh lãi suất để hạ nhiệt giá tăng.

Đối với nền kinh tế Mỹ, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng từ 3% xuống còn 1,8% trong năm nay. OPEC dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong năm nay, thấp hơn 0,6% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7.

OPEC cho rằng sự kết hợp của nhu cầu yếu hơn và sản lượng dầu tăng ổn định từ cả các nhà sản xuất dầu của OPEC và ngoài OPEC có nghĩa là thị trường dầu gần như cân bằng trong quí 2 vừa qua, với nhu cầu chỉ vượt quá cung 50.000 thùng/ngày. Con số này giảm mạnh so với mức thiếu hụt nguồn cung 300.000 thùng/ngày trong quí 1 và mức thiếu hụt 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Tuy nhiên, triển vọng thị trường năng lượng vẫn còn nhiều biến động.

Trong một báo cáo công bố cùng ngày, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris, Pháp nói rằng, các đợt nắng nóng ở châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu dầu khi các nhà máy điện tìm kiếm các nhiên liệu thay thế cho khí đốt tự nhiên.

Nguồn cung khí đốt tự nhiên bị hạn chế sau khi Nga cắt giảm dòng chảy nhiên liệu này sang châu Âu khiến các nhà máy điện và các ngành công nghiệp nặng trong khu vực chuyển sang sử dụng dầu thô, IEA cho biết.

Nhiệt độ cao trên khắp châu Âu đã gây ra căng thẳng bất ngờ cho lưới điện trong khu vực, làm tăng nhu cầu điện để cung cấp năng lượng cho quạt và các thiết bị điều hòa không khí trong thời kỳ nhu cầu năng lượng thường trầm lắng.

Dự báo của OPEC về một thị trường dầu hướng đến điểm cân bằng cho thấy các thành viên OPEC có khả năng giữ mức sản lượng hiện tại, bất chấp Mỹ và các nước khác yêu cầu tổ chức này sản xuất nhiều hơn để giúp hạ nhiệt giá năng lượng.

Hồi đầu tháng này, liên minh OPEC+ , bao gồm các thành viên OPEC do Saudi Arabia đứng đầu và các đồng minh do Nga dẫn đầu, đã nhất trí tăng nguồn cung dầu thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Mức tăng sản lượng khiêm tốn của OPEC + được các nhà phân tích xem là một động thái mang tính biểu tượng để đối phó với áp lực của Mỹ. Mức tăng này quá nhỏ để có bất kỳ tác động có ý nghĩa nào đối với giá dầu.

OPEC+ không đồng ý tăng sản lượng với mức lớn hơn với lý do công suất dự phòng hạn chế của nhóm này cần phải được giữ lại như một vùng đệm để sử dụng trong những tình huống nguồn cung ở những nơi khác bị gián đoạn bất ngờ.

Giá dầu Brent đã tăng lên mức 127 đô la/thùng vào tháng 3 trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã đe dọa hạn chế đáng kể sản lượng dầu xuất khẩu dồi dào của Nga. Dù OPEC hạ dự báo triển vọng nhu cầu, các nhà phân tích không mong đợi giá dầu giảm đáng kể so với mức hiện nay.

Hakan Kaya, giám đốc của một quỹ đầu tư hàng hóa của Ngân hàng Neuberger Berman, nhận định nhu cầu của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác có thể sẽ vẫn mạnh mẽ, trong khi nguồn cung tăng nhỏ giọt gần đây của OPEC cho thấy tổ chức này thiếu hụt nguồn cung dầu dự phòng cần thiết.

Theo Bloomberg, Wall Street Journal

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới