(KTSG Online) - Saudi Arabia và bảy thành viên khác của Liên minh OPEC+ thông báo không bơm thêm dầu vào đầu tháng 10 tới như kế hoạch trước đó. OPEC+ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận tự nguyện giảm sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 11.
Thông báo trên đưa ra hôm 5-9 trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu nhưng sản lượng dầu của một số nước bên ngoài OPEC+ gồm Mỹ dự kiến tiếp tục tăng.
Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ giá dầu. Cuối năm ngoái, Saudi Arabia cùng bảy thành viên khác của Liên minh OPEC+, trong đó có Nga thỏa thuận cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày theo một thỏa thuận tự nguyện kéo dài đến hết quí 1-2024.
Sau đó, nhóm này tiếp tục gia hạn thỏa thuận đến hết quí 2. Hồi tháng 6, nhóm kéo dài thỏa thuận đến hết tháng 9 và đặt kế hoạch dần đưa các thùng dầu bị cắt giảm trở lại thị trường kể từ tháng 10.
Giờ đây, một lần nữa nhóm lại trì hoãn việc khôi phục sản lượng thêm hai tháng trong bối cảnh nhu cầu và giá dầu suy yếu. Trong thông báo mới nhất,OPEC+ cho biết sẽ dần loại bỏ mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày qua mỗi tháng kể từ tháng 12.
Giới phân tích cảnh báo, bất kỳ sự nới lỏng cắt giảm sản lượng nào của OPEC+ cũng có nguy cơ khiến giá dầu giảm sâu hơn.
Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects cho rằng, đây là một tình huống khó chịu đối với các nhà sản xuất dầu như Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những thành viên của OPEC đang muốn bơm thêm dầu để củng cố nguồn thu ngân sách.
Giá dầu thô Brent ở thị trường London đã giảm 15% kể từ tháng 7, xuống sát mức 72 đô la Mỹ/thùng. Giới phân tích lý giải, giá giảm là do nhu cầu yếu, đặc biệt là nhu cầu của Trung Quốc. Dự đoán, nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất dầu lớn bên ngoài OPEC+ gồm Brazil, Canada, Guyana và Mỹ tiếp tục tăng.
Tổng cộng, các nhà sản xuất dầu của OPEC+ đang găm giữ công suất khoảng 5 triệu thùng/ngày thông qua các thỏa thuận tự nguyện và bắt buộc. Con số này tương đương khoảng 5% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày. Nếu lượng dầu này được bơm trở lại và đưa ra thị trường, tình trạng dư thừa sẽ xảy ra. Việc các thành viên chủ chốt của OPEC + trì hoãn tăng sản lượng dường như nhằm ngăn chặn tâm lý tiêu cực của thị trường.
Giacomo Romeo, nhà phân tích ở ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết quyết định đó sẽ giúp ngăn chặn sự gia tăng đáng kể lượng dầu tồn kho trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC và là nước dẫn dắt thỏa thuận giảm sản lượng dầu, đang chịu áp lực lớn. Một số thành viên của OPEC+ như UAE và Iraq muốn tăng sản lượng, trong đó có việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài để phát triển mỏ dầu trong nước.
Theo Jim Burkhard, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của S&P Global Insights, tăng sản lượng dầu trở lại là điều cần thiết để duy trì sự đoàn kết của OPEC+. Quyết định trì hoãn khôi phục sản lượng giúp giảm bớt lo lắng về tình trạng dư thừa dầu, nhưng không giải quyết được những thách thức lớn hơn xung quanh triển vọng nhu cầu.
Trao đổi với trang tin Market Watch, Kieran Tompkins, nhà kinh tế hàng hóa và khí hậu của Công ty tư vấn Capital Economic cho biết, OPEC+ vẫn cực kỳ nhạy cảm trước các đợt suy giảm của giá dầu có liên quan đến các quyết định về sản lượng. Do vậy, tổ chức này chưa khôi phục sản xuất như kế hoạch dù quyết định này đi ngược lại mong muốn của một số thành viên.
Trong báo cáo hồi tháng 6, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định nguồn cung dầu dồi dào trên toàn cầu có thể làm suy yếu quyền định giá dầu của OPEC+. IEA dự báo, tổng công suất nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng lên gần 114 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Con số này cao hơn 8 triệu thùng cho với nhu cầu dầu toàn cầu ước tính mỗi ngày vào năm đó.
Theo New York Times, CNN