Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

OpenAI – từ phi lợi nhuận đến ChatGPT

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – OpenAI, nơi giới thiệu ChatGPT cho công chúng từ ngày 30-11-2022, vẫn đang lỗ nặng. Duy trì một hệ thống máy chủ đủ sức đáp ứng hàng triệu lượt người truy cập hỏi đáp với ChatGPT là rất tốn kém.

Sam Altman.

Trong một tweet gần đây, CEO của OpenAI là Sam Altman cho biết chi phí cho mỗi lần ChatGPT hồi đáp người hỏi là vào khoảng dưới 10 xu; nghe thì không đáng kể nhưng nhân với hàng trăm triệu lượt hỏi đáp như thế thì chi phí mỗi tháng là một gánh nặng ít công ty khởi nghiệp nào kham nổi.

Nhưng OpenAI, dù mới được thành lập vào năm 2015, có những nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào. Từ nguồn vốn ban đầu của nhiều tay chơi công nghệ lừng lẫy như người sáng lập Tesla Elon Musk, cha đẻ PayPal Peter Thiel hay đồng sáng lập mạng LinkedIn Reid Hoffman, OpenAI còn nhận tổng cộng 13 tỉ đô la vốn rót từ Microsoft. Vì thế hỏi ai đứng sau ChatGPT, trả lời OpenAI cũng đúng mà nói đó là Microsoft cũng không sai.

Theo dàn xếp ở lần bơm thêm 10 tỉ đô la vốn dài hạn, OpenAI và Microsoft thỏa thuận sau khi các nhà đầu tư nguyên thủy của OpenAI thu hồi vốn, Microsoft sẽ được hưởng 75% tổng lợi nhuận của OpenAI cho đến khi Microsoft thu hồi đủ 13 tỉ đô la vốn đầu tư.

Sau đó cổ phần của Microsoft sẽ giảm xuống còn 49% cho đến khi thu được 92 tỉ đô la lợi nhuận. Nói cách khác OpenAI đang đem công ty cho Microsoft thuê và thời gian thuê bao lâu là tùy thuộc vào tốc độ làm ra tiền của OpenAI.

Theo các tài liệu do tờ Fortune tiết lộ, cho đến nay OpenAI có doanh thu rất khiêm tốn nên mức lỗ là rất cao. Năm ngoái, doanh thu của công ty này hầu như không đáng kể trong khi chi phí lớn hơn nhiều lần, gồm 416 triệu đô la tiền trang bị máy chủ và quản lý dữ liệu, 89 triệu đô la lương nhân viên và 38 triệu đô la các khoản chi khác

Tổng cộng năm 2022 công ty này lỗ đến 544 triệu đô la. Năm 2023 số lỗ sẽ tăng mạnh vì chi phí cho ChatGPT hoạt động hàng tháng lên nhiều triệu đô la và có thể cao hơn nữa khi số người dùng tăng vọt.

Người ta biết đến Altman nhiều hơn trong vai trò nâng giá trị thị trường của OpenAI, phổ biến ChatGPT cho công chúng.

Chính vì thế tuần trước OpenAI công bố kế hoạch giới thiệu dịch vụ ChatGPT Plus, với mức phí 20 đô la/tháng. ChatGPT thường hiện nay bị quá tải, rất khó hỏi đáp thông suốt.

ChatGPT Plus hứa hẹn người dùng sẽ tiếp cận được 24/24, không bị nghẽn mạng, được chú robot thông minh này trả lời nhanh hơn, được sử dụng các chức năng mới dù OpenAI không nói rõ các chức năng này là gì. Ban đầu dịch vụ ChatGPT Plus chỉ có ở nước Mỹ sau này mới mở rộng dần sang các nước khác.

Trước đó, OpenAI đưa ra dự báo doanh thu năm 2023 sẽ đạt 200 triệu đô la và sẽ lên đến 1 tỉ đô la vào năm 2024. Ngoài kế hoạch giới thiệu ChatGPT Plus có thu phí hàng tháng, OpenAI cũng đang thu tiền các nơi muốn tích hợp ChatGPT vào các ứng dụng của riêng họ.

Chưa gì Microsoft đã có nhiều dự án khai thác ChatGPT cho các sản phẩm của họ, như tích hợp ChatGPT vào dịch vụ đám mây Azure Cloud cho khách hàng Azure được sử dụng trí tuệ nhân tạo này.

Microsoft cũng dự định đưa ChatGPT vào dịch vụ tìm kiếm thông tin Bing, giúp Bing cạnh tranh với Google Search. Hiện nay Google thống trị thị trường tìm kiếm với trên 90% thị phần, Bing xếp thứ nhì nhưng thua xa, chỉ vào khoảng 3%. Chín tháng đầu năm 2022, dịch vụ tìm kiếm đem về cho Google 120 tỉ đô la, chiếm đến 60% tổng doanh thu của tập đoàn đa dạng này. ChatGPT hứa hẹn cơ hội duy nhất giúp Microsoft hất chân Google khỏi bộ máy kiếm tiền này.

Đây là những toan tính khá xa với hình ảnh ban đầu của OpenAI, thoạt tiên được thành lập như một phòng thí nghiệm nhỏ phi lợi nhuận chỉ có mục tiêu nghiên cứu học thuật.

Lúc đó OpenAI đề ra những nguyên tắc cao cả như bảo vệ loài người trước hiểm họa AI không kiểm soát được. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng OpenAI quyết định tung ra cho công chúng dùng thử ChatGPT là một hành vi nguy hiểm, đi ngược lại với nguyên tắc họ từng đề ra. Nay với động lực kiếm tiền của Microsoft, e rằng OpenAI khó lòng giữ mình “thanh cao” theo kiểu không màn lợi nhuận.

***

Nhân vật đứng sau OpenAI, Sam Altman, cũng đại diện cho sự loay hoay tìm chỗ đứng như thế. Năm nay mới 37 tuổi, Altman từng tuyên bố mục tiêu khi thành lập OpenAI là tạo ra trí tuệ nhân tạo phổ quát, tức các AI thông minh đủ mọi lĩnh vực, có thể giải các bài toán khó cho loài người. Anh viết: “AIG (tức trí tuệ nhân tạo phổ quát) là cần thiết để loài người tồn tại. Các vấn đề của chúng ta ngày càng phức tạp không thể giải quyết nếu không có công cụ tốt hơn”. Tuy nhiên người ta biết đến Altman nhiều hơn trong vai trò nâng giá trị thị trường của OpenAI, phổ biến ChatGPT cho công chúng.

Altman còn có vai trò “dìm hàng” ChatGPT để dập tắt các kỳ vọng quá mức cho trí tuệ nhân tạo non trẻ này và cũng nhờ thế mà giảm đi trách nhiệm khi ChatGPT nói bậy, cung cấp thông tin sai hay chế biến tin giả. Anh từng nói tại một cuộc họp báo: “Một trong những điều kỳ lạ với các công nghệ này là chúng gây ấn tượng nhưng không hoàn hảo. Dùng nó trong lần demo đầu tiên, ta có thể bị choáng ngợp, không tin được. Nhưng dùng nó cả trăm lần sẽ thấy các điểm yếu”.

Sam Altman cũng giống nhiều nhân vật công nghệ khác, đang học tại Đại học Stanford ngành máy tính thì bỏ học ra thành lập Loopt, một ứng dụng mạng xã hội di động năm 2005 khi anh chỉ mới 19 tuổi. Sau khi thu hút được 30 triệu đô la vốn đầu tư, Altman bán lại Loopt với giá 43,4 triệu đô la.

Sau đó anh điều hành Y Combinator, một dạng vườn ươm khởi nghiệp cho các công ty công nghệ, từng đầu tư cho cả 1.000 công ty mỗi năm. Năm 2015 tờ Forbes vinh danh Altman là nhà đầu tư hàng đầu dưới 30 tuổi; trước đó BusinessWeek bình chọn anh là doanh nhân trẻ nổi bật nhất trong công nghệ vào năm 2008.

Vào một tối tháng 7-2015 Altman tổ chức ăn tối với một số nhân vật nổi tiếng trong làng công nghệ như Elon Musk và nhiều chuyên gia AI. Lúc đó Google vừa mua lại DeepMind, một công ty khởi nghiệp chuyên về AI; mọi người lo ngại nếu DeepMind thành công, Google sẽ độc quyền trong một lĩnh vực công nghệ đáng sợ và mục đích của buổi ăn tối là làm sao hình thành một phòng thí nghiệm đối thủ để ngăn chặn Google. OpenAI ra đời như thế – phi lợi nhuận, với sứ mệnh dân chủ hóa các lợi ích từ AI cho cộng đồng với chừng 1 tỉ đô la vốn mồi từ các tay chơi công nghệ đầy lý tưởng.

Thế nhưng huấn luyện các chú AI hóa ra không rẻ. Ví dụ để tuyển dụng Ilya Sutskever, một người gốc Nga từ Google về dẫn đầu nhóm nghiên cứu AI họ phải trả lương hàng năm cho ông này lên đến 1,9 triệu đô la.

Sau vài năm Altman cho rằng duy trì tư cách phi lợi nhuận thì không thể thu hút vốn cho OpenAI, họ chuyển công ty thành vì lợi nhuận nhưng vẫn quy định lợi nhuận của nhà đầu tư không được vượt quá một tỷ lệ nào đó. Cuối cùng Altman, sau nhiều lần bay sang Seatle đã thuyết phục được Microsoft rót vốn, ban đầu là 1 tỉ đô la, sau đó thêm 2 tỉ đô la và gần đây nhất, tăng thêm 10 tỉ đô la nữa.

Từ giấc mơ làm AI phổ quát ban đầu, nay Altman lèo lái OpenAI tập trung vào các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT, Altman cũng đã biến công ty non trẻ này thành một doanh nghiệp được định giá đến 29 tỉ đô la.

Lời hứa hẹn phi lợi nhuận vẫn còn đó – theo Fortune, trong thỏa thuận với Microsoft, hai bên đồng ý sau khi cổ phần Microsoft giảm còn 49%, các nhà đầu tư khác và nhân viên OpenAI sẽ hưởng 49% lợi nhuận cho đến khi đạt mốc 150 tỉ đô la. Sau đó cổ phần của Microsoft và của các nhà đầu tư khác được chuyển giao cho quỹ phi lợi nhuận OpenAI.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới