(KTSG) - Hẳn Paris là duy nhất, là khác biệt đối với nhiều người. Bất kỳ ai từng sinh sống, làm việc hay ghé Paris vài lần, khi nhớ về thủ đô nước Pháp, không chỉ đọng lại vỏn vẹn hình ảnh tháp Eiffel kỳ vĩ, đại lộ Thiên thai-Champs-Élysées về đêm lắm ánh đèn hay dòng sông Seine lững lờ trôi.
Từng sống Paris trong những ngày thanh niên, sau đó, cứ vài năm, quay lại một lần, thủ đô nước Pháp dường như mãi in dấu trong trái tim tôi, thật gần gũi nhưng cũng khó nắm bắt và cảm nhận. Trong thời giãn cách vừa qua vì Covid và nay, vẫn mơ về một chuyến quay lại Paris.
Đó không chỉ là “cô đầm thép”, hay đại lộ thênh thang, hoặc những chiếc cầu cũ cầu mới, mà còn là bánh sừng bò thơm phức cùng cà phê espresso với kem chantilly phủ lên trên nức mũi của những quán kê bàn ghế tràn ra lề đường; vừa nhâm nhi vừa ngắm nhìn cuộc sống. Thật thú vị.
Thủ đô bánh mì
Ngay từ thời trung học trong ngôi trường trung tâm Đà Nẵng, mỗi lần ra chơi, đã ăn bánh sừng bò. Thường phải chạy vội ra cái quán nhỏ đầu cổng trường, mua một chiếc; chủ quán ủ cách gì không biết, mà bánh luôn nóng hổi. Hương vị đó lại quay về trong những ngày lui tới Paris, và ngay cả lúc này, khi hồi tưởng.
Có thể nói thủ đô nước Pháp cũng là thủ đô bánh mì, bánh ngọt. Những tiệm bánh nằm đều khắp chốn, y như cửa hàng tiện lợi tại nhiều đô thị châu Á như Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore vậy, và mở rộng cửa cả ngày lẫn đêm.
Trên một con phố thường bắt gặp một hai cửa tiệm đang bỏ lò một mẻ bánh mới; người làm bánh chẳng mấy ngơi tay. Mùi thơm của bột mì và bơ béo ngậy cứ thế mà len vào mũi khách bộ hành, níu chân họ, có thể khiến họ phải dừng lại, bước nhanh vào tiệm.
Vẫn nhớ những tách cà phê espresso kiểu thành Vienne ngậm kem chantilly còn gọi là “cà phê thành Liège”. Quán cà phê yêu thích nhất, mỗi lần đến Paris, chính là cái quán nhỏ nhìn qua nhà hát kịch Bastille, một khu phố nhộn nhịp. Quán thì luôn yên tĩnh, lý tưởng để nhâm nhi cà phê, ăn một cái bánh sừng bò hay bánh mì nho, đọc tiếp một cuốn sách dang dở; lắm lúc cả suy nghĩ chuyện đời.
Thói quen uống cà phê và ngồi quán vốn là nét văn hóa đặc trưng của người Pháp đã lan qua Việt Nam trong thời kỳ họ xâm chiếm nước mình. Hết giãn cách, lại thấy các quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ của TPHCM mở cửa; không ít bạn trẻ đã vào những quán đó mà ngồi hàng giờ, tán dóc với bạn bè hoặc ngắm nhìn đường phố.
Đối với một người đắm mình trong văn chương Pháp, thủ đô nước Pháp quả là chốn dường như quen thuộc với tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà và dòng sông Seine. Thuở nhỏ, từng đọc về những nơi đó, và phải viết bài bình luận nộp cô, thầy.
Quá khứ nối liền hiện tại và có thể cả tương lai với việc mơ bay về những nơi chốn từng qua, không chỉ một lần, ở thành phố mộng mơ.
Người ta thường nói Paris là một quãng trời lãng mạn, nơi chốn hoàn hảo cho những người yêu thích hội họa, thơ ca, mỹ thuật. Quả đúng vậy thật. Ở mọi ngóc ngách của thành phố, mỗi viên gạch, đều có thể tạo ra nguồn cảm hứng nghệ thuật. Có thể bỏ ra hàng giờ len lỏi qua từng con phố mà không thấy chán, bởi sẽ khám phá ra những góc nghệ thuật nho nhỏ thi vị.
Ngay trên đường Prague chỉ 250 mét thuộc quận 12, nơi tôi trú ngụ dài ngày, đã thấy nhiều nhà chung cư thuộc loại cổ xây dựng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với cầu thang bằng gỗ. Đáng chú ý nhất là chung cư được mệnh danh là “bảo tàng Louvre của chốn ngụ cư bình thường” có thể vô xem tự nhiên, với điều kiện được một người dân trong đó bấm số, mở cửa!
Từ đường Prague, sau chừng năm phút đi bộ, đã tới nhà ga Lyon cổ kính; từ đó đi đâu cũng tiện. Nếu tiếp tục không dừng bước, ra phía sau của nhà ga, sẽ đụng phải trụ sở của Bộ Kinh tế và Tài chính nước Pháp, một dinh thự cổ, đồ sộ.
Nơi chốn cách mạng
Không thể quên, gần đó, nhưng theo hướng ngược lại, là nhà hát kịch Bastille được xây dựng trên nền ngục Bastille cũ. Hẳn những ai từng học hoặc đọc sử Pháp đều biết tới nhà ngục nổi tiếng này bởi nó gắn liền với vận mệnh nước Pháp. Người Paris đã tấn công nhà ngục vào ngày 14-7-1789, mở đầu cho cuộc cách mạng đánh đổ chế độ phong kiến. Rồi cái ngày đặc biệt đó đã trở thành ngày Quốc khánh của nước Pháp.
Văn hào Victor Hugo từng dùng nơi đây làm một trong những bối cảnh cho tác phẩm Những người khốn khổ - Les Misérables lừng danh của mình.
Khu vực này, đương nhiên mang tên Bastille, cũng là nơi, mỗi thứ Năm và Chủ nhật, người ta họp chợ ngoài trời. Thỉnh thoảng lại ra đây để mua nho, lê, táo và cả bơ và phó mát vì... rẻ hơn trong siêu thị nhiều, mà lại tươi mới nữa; và cũng để nhìn ngắm tìm một chút khung cảnh quen thuộc quê nhà…
Gần đây, những người bạn ở Paris cho biết thành phố đã nhộn nhịp trở lại bởi Pháp chủ trương sống chung với Covid, không đóng các cánh cửa, mà trong những ngày tháng đại dịch Covid hoành hành đã phải khép kín.
Còn nhớ tháp Eiffel, khi mở cửa vào đầu năm 1889, đã được một số người ví như “con quái vật kiến trúc”, nhưng giờ thì ai cũng công nhận đó là biểu tượng không chỉ dành cho Paris mà còn cả nước Pháp nữa.
Cũng nhớ những lần nện gót trên đại lộ Thiên thai-Champs-Élysées, nơi sở hữu Khải Hoàn Môn. Nghe nói, một sự đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp đang xuất hiện ở đây. Theo trang mạng du lịch Condé Nast Traveler, hồi đầu năm 2021, bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố, đã phê duyệt một dự án trị giá 305 triệu đô la để cải tạo đoạn đường, biến nó thành một nơi chốn xanh thân thiện với người đi bộ.
Theo kế hoạch cải tạo do một văn phòng kiến trúc phối hợp với ủy ban Champs-Élysées (một kiểu “tổ dân phố”), lưu lượng xe hơi sẽ phải giảm một nửa, vỉa hè sẽ được mở rộng, thêm cây xanh được trồng. Nhằm tạo ra những tiểu đảo có thể gọi là chốn nghỉ chân xanh thư giãn.
Những quán cà phê ngoài trời sẽ chiếm nhiều không gian hơn cũng như các khu vui chơi trẻ em và hoạt động thể thao. Ngay cả những viên đá lát đường lịch sử thời vua Mặt trời- Louis XIV cũng có thể sẽ bị gỡ bỏ để giảm ô nhiễm tiếng ồn. Theo dự kiến, dự án trên sẽ hoàn thành vào năm 2030, nhưng giai đoạn đầu sẽ được khai trương vào lúc diễn ra Thế vận hội Mùa hè 2024 tại Paris.
Thành phố tình yêu
Hẳn nhiều cặp tình nhân, khi tới thủ đô nước Pháp, đều muốn tản bộ trên cầu Nghệ thuật với thành cầu đầy ổ khóa tình yêu (trước đây), hay ngồi Bateaux-Mouches dạo sông Seine để ngắm nhìn. Trên thực tế, cây cầu của những cặp tình nhân đã trở nên nặng trĩu, đến nỗi chính quyền Paris, hồi năm 2018, đã phải huy động nhân viên cắt bỏ bớt những lời ước nguyện khóa chặt trĩu nặng hai thành cầu!
Tuy nhiên, những người yêu nhau vẫn có thể trao lời hẹn ước, không chỉ trên cầu Nghệ thuật, như lời của Phó thị trưởng Paris, Bruno Julliard. Paris vẫn mãi là một thành phố của tình yêu. Cầu Nghệ thuật hiển nhiên vẫn là nơi đáng nhớ. Đứng trên cầu, có thể nhìn thẳng tới bảo tàng Louvre cùng các ngọn tháp nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng...
Thôi gắn khóa, vẫn còn chuyện ngồi tàu, ngoạn cảnh - cũng rất thú vị. Chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ là đã hết dòng sông thơ mộng, đoạn chảy qua Paris, gần 13 cây số. Người ngồi thuyền, người tản bộ trên những cây cầu hay dọc hai bờ thường vẫy tay chào nhau, thậm chí nở những nụ cười thân thiện cho nhau…
Paris gắn bó với dòng sông như con gắn bó với mẹ. Tên của sông cũng chính là tên của một nữ thần huyền thoại La Mã cổ đại. Theo truyền thuyết, nữ thần Séquana - Seine trong tiếng Pháp - nắm giữ mọi quyền lực của những dòng sông, có thể chữa lành mọi bệnh tật cho con người. Phải chăng vì nước là cội nguồn của sự sống?
Nếu có ai hỏi, muốn giữ lại hình ảnh gì của Paris. Thật khó để trả lời. Nếu có thể, sẽ ôm trọn thành phố này trong tâm tưởng. Mọi thứ ở kinh thành ánh sáng đều đẹp đẽ, hài hòa, gần như hoàn hảo! Nghe nói, chính vì vậy mà viên tướng phát xít Đức đã không nỡ cho nổ banh thành phố chiếm đóng này trước khi phát xít Đức thất trận, đầu hàng quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai…