Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Parkson rời Việt Nam và đường đua khốc liệt giữ chân ‘thượng đế’

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sự kiện Parkson gần đây mở thủ tục phá sản ở Việt Nam không gây bất ngờ với một số nhà kinh doanh nhưng lại là hồi chuông cảnh báo cho các nhà bán lẻ, thúc giục họ chuyển mình, cải tiến nhiều hơn nữa để thích ứng trước sự thay đổi nhanh của người tiêu dùng cũng như sức ép cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

“Nàng công chúa đẹp”… đã già nua

Thương hiệu TTTM Parkson của Malaysia sẽ sớm rời khỏi Việt Nam sau hơn 18 năm xuất hiện. Ảnh: L.H

Cũng giống như những lần đóng cửa các điểm kinh doanh trước đó gây sự hoang mang cho nhiều khách thuê, lần nộp đơn phá sản ở Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua của Parkson khiến các đơn vị kinh doanh tại trung tâm thương mại (TTTM) Parkson SaigonTourist Plaza (TPHCM) bất ngờ.

Sau khi báo chí truyền thông đưa tin, các khách thuê tại Parkson SaigonTourist Plaza, điểm kinh doanh còn lại ở Việt Nam của Parkson, mới biết sự việc nhà bán lẻ đến từ Malaysia này lâm vào con đường phá sản sau hơn 18 năm hiện diện. Trong cuộc trao đổi với KTSG Online, đại diện của hai nhãn hàng đang kinh doanh tại đây nói rằng họ không biết gì về việc Parkson làm đơn phá sản và họ vẫn đang kinh doanh bình thường.

Tuy nhiên, với giới quan sát và những người am hiểu trong ngành bán lẻ, đặc biệt là loại hình TTTM thì việc Parkson đi đến làm thủ tục phá sản hoặc phải đóng cửa rời Việt Nam là chuyện không sớm thì muộn. Bởi thực tế nhiều năm nay, Parkson đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và lần lượt cho đóng cửa các điểm kinh doanh trong những năm qua. Đây là kết quả của một quá trình kinh doanh thăng trầm, đầy biến động, cạnh tranh, chậm thích ứng chuyển đổi trong tình hình mới.

Trên thực tế ở giai đoạn đầu đặt chân vào Việt Nam năm 2005 xuất hiện tại ngay khu trung tâm TPHCM - SaigonTourist Plaza, Parkson đã tạo điểm nhấn và gặt hái nhiều thành công. Từ đó nhà bán lẻ này đã nhanh chóng chinh phục thị trường bằng những TTTM được vận hành hiện đại, quy củ ở phân khúc trung và cận cao cấp tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng…

Nhờ tiếp cận thị trường sớm, Parkson đã có cơ hội phát triển nhanh đạt mười điểm bán ở các thành phố lớn, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của một số nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm nước ngoài lúc bấy giờ bắt đầu hướng vào thị trường Việt Nam.

Thời huy hoàng của Parkson Việt Nam có lẽ nằm ở giai đoạn 2010. Bên cạnh kén chọn các thương hiệu thời trang và hàng tiêu dùng ưa thích, các TTTM của Parkson còn triển khai nhiều chương trình giảm giá mạnh (sale off) tương tự như các TTTM ở một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan… với tỷ lệ giảm lên đến 50-70% nên đã thu hút nhiều khách đến tham quan mua sắm.

Khi đó, các nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm xem Parkson như là “nàng công chúa đẹp”, phải xếp hàng chờ lượt được chọn vào kinh doanh với không ít điều kiện ràng buộc. Đại diện một số nhãn hàng khi đó còn chia sẻ họ phải bấm bụng chấp nhận ở “kèo dưới” mới đưa được hàng hóa vào Parkson bán.

Có thể nói, Parkson là một trong những đơn vị tiên phong trong vận hành TTTM hiện đại, tuy nhiên sau khoảng 10 năm hoạt động, đơn vị này bắt đầu phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là việc xuất hiện của những đối thủ nặng ký cả trong lẫn ngoài nước. Các đơn vị này đều vượt trội Parkson kể cả về danh tiếng, truyền thông, quy mô, vị thế. Đơn cử, với các tập đoàn đa ngành, sở hữu bất động sản, cao ốc ở vị trí đắc địa thì việc dấn thân thêm vào mảng bán lẻ hoặc thuê đơn vị chuyên nghiệp điều hành, quản lý điểm kinh doanh là không khó.

Đáng chú ý, những trung tâm mới ra đời với quy mô lớn hơn nhanh chóng thu nạp cả những thương hiệu mà trước đó Parkson “làm ngơ” hoặc làm khó. Do đó, khi có nhiều sự lựa chọn điểm kinh doanh, thậm chí là tốt hơn thì việc các nhãn hàng quay lưng lại với nhà bán lẻ đến từ Malayisa, đồng thời khẳng định vị thế của mình là song hành, ngang hàng với chủ cho thuê mặt bằng.

Cái chết đã được báo trước

Từ năm 2014, với sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ mới như hệ thống Vincom, Aeon Mall, Crescent Mall, Takashimaya, Vạn Hạnh Mall… với quy mô lớn, hiện đại hơn ra đời thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước cũng như xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Kết quả kinh doanh của Parkson liên tục đi xuống, buộc nhà đầu tư Parkson phải tái cấu trúc lại.

Parkson SaigonTourist Plaza trông nhỏ bé khi đứng bên cạnh của TTTM Vincom. Ảnh: L.H

Ngay những năm sau đó, tại Hà Nội và Hải Phòng, Parkson đã nhanh chóng đóng toàn bộ các trung tâm. Tại TPHCM, chuỗi này cũng liên tục đóng các TTTM ở Lê Đại Hành (quận 11), Parkson Paragon (quận 7), Parkson Cantavil (quận 2), Parkson CT Plaza (quận Tân Bình) …

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hàng loạt các trung tâm thương mại lớn, hiện đại, quy mô ra đời với nhiều cải tiến, Parkson trở nên lạc hậu khi không chịu thay đổi, cải tiến. Sự ra đi hoặc thu hẹp điểm bán của ông lớn đến từ Malaysia này đã được đoán trước.

Dù SaigonTourist Plaza, điểm kinh doanh duy nhất còn lại ở nền kinh tế 100 triệu dân của Parkson, có vị trí khá đắc địa và cũng thu hút được vài nhãn hàng tầm cỡ thế giới vào đầu tư bài bản mở kinh doanh, nhưng các thương hiệu này cũng không đủ sức lôi kéo khách, tìm lại thời hoàng kim đã qua.

Tình hình kinh doanh vốn dĩ đã bị suy kiệt cộng với "cơn bão" dịch Covid càn quét 2 năm qua khiến nhà bán lẻ này khó có thể tiếp tục trụ lại được, nhất là các vị trí kinh doanh của doanh nghiệp này hoàn toàn thuê lại.

Trong khi đó, việc thiếu hỗ trợ từ chủ mặt bằng, đơn cử như theo nhà bán lẻ này là không giảm tiền thuê hoặc giảm không đáng kể, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của Parkson Việt Nam. Điều này cũng được các chuyên gia cho là một điểm bất lợi của Parkson kinh doanh so với các đối thủ khác khi nhà bán lẻ này chỉ đem mô hình vận hành của mình và đi thuê mặt bằng nên phần nào rơi vào thế bị động.

Dễ thấy là các TTTM hiện nay đều chỉ là một mảng, tức là công ty con, công ty thành viên của một tập đoàn lớn. Kết cấu này cho phép các tập đoàn mẹ có thể đổ tiền mạnh mẽ cho mảng bán lẻ, thậm chí giai đoạn đầu chưa cần quan tâm đến yếu tố lợi nhuận. Parkson không có lợi thế này nên việc đuối sức là điều dễ hiểu.

Trong thông báo gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Singapore, Công ty TNHH Parkson Việt Nam, một công ty con của Parkson Retail Asia (PRA), công ty được niêm yết tại Singapore, sở hữu 100% vốn) cho biết Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ. Các khoản lỗ thậm chí tiếp tục phình to những năm gần đây do sự ảnh hưởng từ Covid-19 tới môi trường kinh doanh.

Theo Chủ tịch điều hành PRA Tan Sri William Cheng, tập đoàn đánh giá và xác định việc duy trì hoạt động tại Việt Nam không khả thi về mặt thương mại. Do đó, HĐQT Parkson Việt Nam thống nhất việc nộp đơn phá sản mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty.

Và cuộc đua tăng trải nghiệm cho khách

Theo giới quan sát, việc Parkson tuyên bố phá sản là "cái chết được báo trước" bởi thương hiệu bán lẻ đến từ Malaysia này đã gặp khó khăn triền miên trong gần 10 năm nay. Ngoài Parkson, theo các chuyên gia bán lẻ, tình trạng ế ẩm, thậm chí là thua lỗ của một số TTTM có tuổi đời trên 10 năm tại TPHCM một mặt do ảnh hưởng bởi khó khăn chung của thị trường, mặt khác là biểu hiện của quá trình đào thải tự nhiên.

Bởi lẽ mô hình TTTM cũ không còn phù hợp với nhu cầu nên dần khó tồn tại, nhất là các điểm kinh doanh thiếu sức hút vì mô hình đã cũ, diện tích nhỏ, không xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu rõ ràng.

Các chủ kinh doanh trung tâm thương mại đang chạy đua gia tăng sự trải nghiệm cho khách đến tham quan - mua sắm. Ảnh minh họa: L.H

Parkson hiện chỉ vận hành một trung tâm mua sắm, tập trung các thương hiệu thời trang, làm đẹp, ngoài ra không có thêm tiện ích nào khác cho khách mua sắm, trong khi xác bên cạnh Parkson lại có Vincom với quy mô hoành tráng hơn kèm nhiều tiện ích cho khách hàng mua sắm.

Cũng những thương hiệu tại Parkson, khách hàng dễ dàng tìm thấy ở các TTTM kiểu mới, ở đó có cả dịch vụ ăn uống, giải trí (khu trò chơi điện tử, rạp chiếu phim), siêu thị tổng hợp để khách có thể vừa mua sắm vừa trải nghiệm vui chơi - giải trí, ăn uống ngoài gia đình.

Giám đốc Tiếp thị một hệ thống bán lẻ lớn phân tích người tiêu dùng có xu hướng chọn những nơi có sự đa dạng hơn cả về sản phẩm và dịch vụ theo mô hình "one stop shopping" - tất cả trong một - tức là khách hàng có thể trải nghiệm đa tiện ích chỉ tại một TTTM.

"Trong TTTM kiểu mới này, nhà bán lẻ phải vận hành một siêu thị của riêng mình để phục vụ nhu cầu khách hàng, cân đối nguồn thu. Đặc biệt, phải có chiến lược kéo khách trên cơ sở tiếp nhận khách hàng đúng, khách thuê đa dạng, bán hàng đa kênh,...", vị giám đốc này chia sẻ.

Ông dẫn chứng các TTTM thường phải cho rạp phim, phòng tập gym, khu vui chơi trẻ, dạy ngoại ngữ,... thuê mặt bằng với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá cho các thương hiệu thuộc ngành hàng khác thuê nhằm kéo khách.

Hay như một chuỗi siêu thị tổng hợp gần đây đã tích cực cho các thương hiệu thức ăn nhanh, nước uống… thuê mặt bằng với giá rẻ nhằm gia tăng dịch vụ, tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, TTTM còn đẩy mạnh tích hợp kênh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.

"Các TTTM có sự kết hợp linh hoạt giữa mua sắm với giải trí, ẩm thực đã chứng tỏ sức hút khách hàng. Bên cạnh mua sắm, vào các trung tâm này khách hàng cũng có thể thư giãn, tập gym, nhiều lựa chọn về ăn uống, con em có thể học tập, giải trí,... nên vẫn sống tốt", theo một chuyên gia ngành bán lẻ đánh giá, và ông này đề nghị doanh nghiệp xem xét thái độ phục vụ của nhân viên. Nếu không niềm nở, hướng dẫn khách nhiệt tình thì khách sẽ không quay lại.

Có thể nói, sự chia tay của Parkson với thị trường bán lẻ Việt Nam là điều tất yếu vì mô hình như vậy đã tỏ ra đuối sức. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự khốc liệt trên thị trường này, bởi lẽ các đơn vị sẽ luôn phải thích ứng theo chiều hướng ngày càng quy mô và mạnh hơn, đa dạng hơn, nắm bắt được thị hiếu của khách tốt hơn để tồn tại và phát triển.

Để cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng, các nhà bán lẻ còn phải liên tục cải tiến và tăng trải nghiệm cho khách hàng. Theo người dẫn dắt hệ thống chuỗi bán lẻ AEON Việt Nam, những thay đổi thói quen hành vi tiêu dùng của khách hàng là thách thức rất lớn cho tất cả nhà bán lẻ nói chung và AEON nói riêng. Do đó nếu không chuyển đổi phù hợp và có biện pháp để đáp ứng thì chắc chắn sẽ chậm trễ trong kinh doanh.

Theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi rất nhiều sau đợt giãn cách xã hội kéo dài buộc ngành bán lẻ phải có những thay đổi để đáp ứng và phát triển.

Về sự thay đổi của AEON Việt Nam, ông cho biết các AEON Mall sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ tốt hơn và đa dạng phương thức bán hàng. Điều đáng chú ý hơn nữa là làm sao mỗi lần khách đến tham quan, mua sắm đều có cảm giác mới lạ, thư giãn,... cùng với sự phục vụ ân cần chu đáo của các nhân viên.

Theo báo cáo của International Business Machines (IBM) và liên đoàn Bán lẻ quốc gia (NRF), hơn 70% Gen Z, những người sinh sau năm 1996, thường xuyên hoạt động trực tuyến sẽ ảnh hưởng mạnh đến chi tiêu của gia đình.

Lực lượng những người trẻ gắn bó trên môi trường số làm hình thành tập khách hàng với những thói quen tiêu dùng mới: đề cao sự tiện dụng và trải nghiệm cá nhân trong mua sắm, ưa thích mua sắm online, sẵn sàng trả giá cao cho các dịch vụ tạo được sự hài lòng cho bản thân (như việc ngồi trong quán cà phê sang chảnh, chụp hình check-in đăng trên mạng xã hội sau đó nhận cơn mưa tương tác).

Do đó, có các ý kiến lý giải sự trỗi dậy của thế hệ Z và trước đó là thế hệ Y (millennials) là nhân tố “khai tử” các mô hình thương mại kiểu cũ, những doanh nghiệp chậm đổi mới khi không cung cấp trải nghiệm khách hàng đủ tốt. Nói cách khác, các nhà bán lẻ chậm đổi mới bị thất bại vì không “bán” được cho khách hàng sự hài lòng trong trải nghiệm mua sắm gắn với không gian số.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới