(KTSG Online) – Nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của chính quyền và các sở, ban ngành của tỉnh An Giang được đánh giá quyết liệt. Thế nhưng, kết quả khảo sát từ doanh nghiệp qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không cao. Vậy làm gì để khắc phục được vấn đề này?
Công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh An Giang cho thấy, tổng số điểm năm ngoái địa phương đạt được là 62,37, xếp vị trí thứ 54 trên tổng số 63 địa phương trong cả nước và đứng thứ 10 trên 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Với kết quả nêu trên, điểm số PCI của tỉnh An Giang trong năm 2022 giảm 4,11 điểm so với năm trước đó và giảm đến 37 bậc về xếp hạng. Kết quả này đã chấm dứt chuỗi thăng hạng liên tục mà An Giang đã đạt được từ năm 2015 đến 2021 (năm 2015 PCI tỉnh An Giang xếp hạng 39 cả nước; năm 2016 xếp 38; năm 2017 xếp 32; năm 2018 xếp 28; năm 2019 xếp 21; năm 2020 xếp 19 và năm 2021 xếp hạng 17 cả nước- PV).
Tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ và giải pháp nâng cao PCI và hỗ trợ doanh nghiệp những tháng cuối năm 2023” của tỉnh An Giang diễn ra hôm 9-11 ở địa phương này, ông Phan Phạm Cảnh Toàn, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh An Giang đánh giá, bộ phận một cửa (Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang - PV) ở cấp tỉnh hoạt động khá hiệu quả, giải quyết tốt hồ sơ, thủ tục cho cá nhân và doanh nghiệp. “Tuy nhiên, đó là ở cấp tỉnh, còn 11 huyện, thị, thành trực thuộc, bộ phận 1 cửa chúng ta có làm tốt hay không?”, ông Toàn đặt câu hỏi và gợi, đây là vấn đề cần phải lưu ý.
Theo ông Toàn, các hồ sơ, thủ tục cần giải quyết có liên quan “từ hai cơ quan trở lên”, thì phải hết sức quan tâm. “Ví dụ, chúng ta bị vướng nhiều nhất là về dự án đầu tư”, ông dẫn chứng và giải thích, việc thay đổi thành phần lãnh đạo tham dự các cuộc họp để giải quyết đầu tư cho doanh nghiệp đã dẫn đến sự chậm trễ. “Đây là vấn đề đang diễn ra mà tôi nghĩ đó cũng là nguyên nhân làm cho nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến PCI của tỉnh”, ông Toàn cho biết.
Từ thực trạng nêu trên, ông Toàn gợi ý, cần thiết phải có đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp. “Đây sẽ là kênh tiếp nhận thông tin và có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh về dự án doanh nghiệp đăng ký, lý do vì sao chậm trễ…”, ông Toàn cho biết và nói rằng, tổ này phải có trách nhiệm theo dõi và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
“Các cơ quan, tổ chức của địa phương nỗ lực nghiêm túc, quyết liệt cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng tại sao kết quả không tốt (PCI năm 2022 của An Giang xếp hạng 54 trên 63 địa phương cả nước- PV)”, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ đặt vấn đề và cho rằng, phải chăng có sự “không hiểu nhau” giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Theo ông, cuộc đua PCI nói riêng và xây dựng môi trường kinh doanh nói chung là trách nhiệm của chính quyền các địa phương và sự đồng hành của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lam nêu một thực trạng buồn, đó là ĐBSCL là khu vực trù phú, chiếm 20% dân số cả nước, nhưng số doanh nghiệp chiếm chưa đến 7,5% cả nước . “Một nền kinh tế, một trung tâm muốn phát triển phải có hai yếu tố là số lượng và chất lượng”, ông nhấn mạnh và cho rằng, số lượng (doanh nghiệp) không có, thì không thể có được chất lượng, mà chất lượng yếu, thì không thể có nền kinh tế mạnh.
Theo dẫn chứng của ông Lam, chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh, thu ngân sách địa phương này đã lên đến 56.000 tỉ đồng, trong khi 5-7 địa phương ĐBSCL cộng lại mới được con số đó, là một sự tụt hậu rất lớn. “Đây là kết quả của môi trường kinh doanh. Chúng ta làm (cải cách môi trường kinh doanh- PV) để phát triển doanh nghiệp và thực sự môi trường chúng ta không tồi. Thế nhưng, quan trọng hơn là phải làm sao để doanh nghiệp thấy được điều đó”, ông nhấn mạnh.
“Vậy làm sao để dỡ bỏ vách ngăn còn mù mờ?”, ông Lam đặt câu hỏi và gợi ý, đầu tiên phải làm cho doanh nghiệp cảm nhận được những cải cách mà chính quyền đang triển khai. “Muốn vậy, phải làm tốt hơn nữa vấn đề truyền thông, phải truyền đi thông điệp chính quyền đang làm tốt để doanh nghiệp biết”, ông gợi ý.
Thứ hai, là phải đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, ít nhất 2 lần/năm (có nhiều địa phương thực hiện đến 6 lần/năm- PV), nhưng phải được chuẩn bị kỹ, có ghi nhận, đánh giá, phân tích nhóm ngành như thế nào, khả năng giải quyết ra sao, cái nào cần phải kiến nghị Trung ương…
Thứ ba, đối với tổ công tác đặc biệt của tỉnh An Giang, ông Lam gợi ý, phải có sự giám sát, có kế hoạch sơ kết, tổng kết một năm làm bao nhiêu nhằm mục tiêu đánh giá các cơ quan huyện, thị cái gì làm được, không được…
Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, trong bối cảnh các địa phương “chạy đua” cải cách, thì việc thực hiện đúng thời gian quy định cũng là tụt hậu. “Ví dụ, một thủ tục quy định trần thời gian cấp phép trong 3 ngày, thì cán bộ giải quyết trong 3 ngày là không sai quy định. Tuy nhiên, địa phương khác giải quyết trong 1 ngày là anh đã tụt hậu rồi”, ông dẫn chứng.
Về phía hiệp hội doanh nghiệp, ông Lam khuyến nghị, từ việc nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cần chuyển ý kiến đó thành hệ thống báo cáo động thái doanh nghiệp một cách đầy đủ cho lãnh đạo địa phương. “Trong tháng này xảy ra chuyện gì? Đầu tư ai vào ai ra? Doanh nghiệp muốn gì, gặp trục trặc gì... Trong một quí và 6 tháng cần phân tích rõ hơn để thành báo cáo cập nhật cho tỉnh nhằm có hướng giải quyết vấn đề”, ông gợi ý.
Còn liên quan đến góc nhìn, cảm xúc của doanh nghiệp vì PCI là chỉ số đo lường cảm nhận chính quyền dưới góc nhìn của doanh nghiệp, cho nên, hiệp hội cần chuyển tải thông điệp cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu được những nỗ lực chính quyền đang làm tốt.
Qua những nỗ lực cải cách, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh An Giang kỳ vọng PCI của địa phương trong năm 2023 sẽ được cải thiện, tạo tiền đề cho việc bứt phá những năm tiếp theo.