(KTSG Online) – Theo thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến cung cấp khoảng 1,35 tỉ m3 khí/năm cho nhà máy này để sản xuất bình quân 6.300 GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.
Theo TTXVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên danh Marubeni Corporation - Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) đã thống nhất các nguyên tắc và các điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA) đầy đủ và làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các dự án trong chuỗi Dự án khí-điện Lô B. Tiến độ nhận khí của Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sẽ đồng bộ với tiến độ phát triển mỏ của Dự án khí Lô B thượng nguồn.
Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây nam Việt Nam thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay-Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn 400km, độ sâu nước biển khoảng 77m.
Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn thành phố Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV với tổng công suất khoảng 3.810 MW.
Trong giai đoạn bình ổn nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỉ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Dự kiến khi Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050 MW đi vào vận hành thương mại năm 2026-2027 sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỉ m3 khí/năm; sản xuất bình quân khoảng 6.300 GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.