Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM): Cần quan tâm đến vấn đề tỷ giá và lạm phát

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tăng trưởng GDP quí 2-2024 ước đạt 6,93%, cao hơn các kịch bản dự báo trước đó. Điều này chứng tỏ các chính sách tài khóa, tiền tệ được duy trì suốt hai năm vừa qua đã phát huy tác dụng. Xu hướng phục hồi của nền kinh tế đã rõ, mức tăng trưởng GDP cả năm 2024 chắc chắn sẽ đạt trên 6% như mục tiêu đề ra.

Về tăng trưởng tín dụng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 24-6-2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, chưa bằng một phần ba mục tiêu 15% được Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Thật ra, mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế không hẳn là một mối quan hệ tuyến tính. Bên cạnh nguồn vốn từ tăng trưởng tín dụng, còn có những nguồn vốn khác trong xã hội và đầu tư cũng chỉ tác động một phần tới tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố tác động tới tăng trưởng khác như năng suất lao động, công nghệ… Nghĩa là không phải cứ đổ vốn nhiều vào nền kinh tế thì sẽ đạt được mức tăng trưởng tương ứng.

Chúng ta đã thấy, những năm tăng trưởng tín dụng cao chủ yếu là những năm thị trường bất động sản nóng, nền kinh tế có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng tài sản. Vậy nên, tăng trưởng tín dụng nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải vào số lượng.

Trong sáu tháng vừa qua, tăng trưởng tín dụng dù thấp nhưng dòng tiền chủ yếu chảy vào các kênh sản xuất kinh doanh, vốn không cần hấp thụ nhiều vốn để đạt được mức tăng trưởng cao. Đây là sự tăng trưởng thực chất và hiệu quả.

Nhìn về những tháng sắp tới, vấn đề cần quan tâm vẫn là tỷ giá và lạm phát. Về tỷ giá, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,64%. Trong tháng 5-2024, cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa thâm hụt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ nhưng đa số là nhập nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất.

Điều này không ảnh hưởng tới cán cân thanh toán nói chung vì sau khi thâm hụt, hàng hóa được xuất khẩu đi sẽ mang thặng dư trở lại. Dù vậy, nhu cầu nhập khẩu mạnh tại một thời điểm sẽ tạo nên áp lực lớn cho tỷ giá tại thời điểm đó. Thực trạng này sẽ trực tiếp tác động lên lạm phát.

Ngoài ra, khi hàng hóa nguyên phụ liệu được nhập khẩu với tỷ giá cao thì chắc chắn lạm phát sẽ gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Việc thực hiện tăng lương (lương cơ sở của khu vực công và lương tối thiểu vùng của khu vực tư) từ ngày 1-7-2024 cũng sẽ có tác động nhất định đến lạm phát, vì vậy, sẽ cần nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu lạm phát năm 2024 là 4-4,5%.

Để kiềm chế lạm phát đồng thời hóa giải một phần áp lực tỷ giá, chúng ta sẽ phải tăng lãi suất. Trên thực tế, trong tháng 4 và tháng 5-2024, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất cho vay trên thị trường mở. Tuy nhiên, điều chỉnh lãi suất nên tiến hành thận trọng, tăng trong biên độ nhẹ và tăng dần để nền kinh tế hấp thụ và thích nghi, tránh hiện tượng tăng đột ngột gây sốc như trong năm 2022.

Bên cạnh đó, dù tăng lãi suất, nhà quản lý vẫn nên duy trì các gói hỗ trợ về lãi suất cho các ngành ưu tiên, các ngành trọng điểm như xuất khẩu, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phục hồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới