(KTSG Online) – Tôi khá bất ngờ khi nhận được tin nhắn của cậu giám đốc công ty từng lắp pin điện mặt trời áp mái cho gia đình tôi. Cậu nhắn: “Em còn 16 tấm pin điện mặt trời, anh coi có lắp thêm hay ai có nhu cầu để giúp em bán rẻ, chứ khó khăn quá!”. Càng buồn hơn khi biết công ty cậu ấy đã phá sản, cá nhân cậu thì lang bạt làm đủ nghề kiếm sống hơn 2 năm nay.
Tôi quen cậu ấy qua bạn bè và biết rằng cậu ấy là Việt kiều châu Âu, sống ở nước ngoài từ nhỏ, tiếng Việt chưa sõi lắm. Sau khi Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, cậu quay về quê hương. Với khả năng của một kỹ sư điện được đào tạo ở nước ngoài, am hiểu điện mặt trời ở các nước tiên tiến, cậu ấy mở công ty nhập pin điện mặt trời về Việt Nam bán và cung cấp các giải pháp kỹ thuật, lắp đặt pin điện mặt trời áp mái nối lưới điện quốc gia cho nhà xưởng các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Ba năm trước, gia đình tôi đã ký hợp đồng với công ty của cậu ấy lắp 17 tấm pin điện mặt trời áp mái, vừa sử dụng cho gia đình, vừa ký hợp đồng nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Nhưng xui xẻo cho cậu, hết năm 2020, ngành điện không còn ký hợp đồng mới mua điện mặt trời áp mái của hộ gia đình, vậy là công ty cậu ấy phải phá sản; nhiều công nhân và cả chuyên gia nước ngoài phải rời khỏi công ty. Cậu ấy phải bán đổ bán tháo những tấm pin tồn kho cuối cùng và đó là lý do cậu ấy nhắn cho tôi.
Những ngày cuối cùng của năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra thông báo kể từ 0:00 ngày 1-1-2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với điện măt trời mái nhà sẽ phải chờ cho đến khi có quyết định mới. Trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các tổng công ty điện lực/công ty điện lực thuộc EVN sẽ thực hiện chốt danh sách các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống vào vận hành thương mại đến thời điểm 24:00 ngày 31-12-2020.
Lúc ấy, EVN cho biết tính cả nước đã có 83.000 công trình điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ loại hình này lũy kế đến cuối năm 2020 đã đạt hơn 1,13 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia từ chính sách khuyến khích của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 (gọi tắt là quyết định 13) của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, làm bùng nổ đầu tư điện mặt trời áp mái trong năm 2020.
Rõ ràng, cách thông báo của EVN không hề nói sẽ không ký hợp đồng nối lưới với điện mặt trời áp mái, mà chỉ là chờ hướng dẫn mới. Còn trong quyết định 13 ở điều 8, khoản 1 quy định “Các hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc Bên mua là tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Khoản 2 của điều 8 đề cập đến biểu giá mua có phụ lục đính kèm theo quyết định 13 và khoản 4 ghi rõ “Giá mua điện tại khoản 2 Điều này được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện”.
Đây chính là lý do EVN thông báo ngưng ký hợp đồng mới sau ngày 31-12-2020 và chờ hướng dẫn chứ không hẳn bãi bỏ chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời áp mái. Và quyết định 13 cũng không có bất kỳ quy định nào về thời hạn chấm dứt khuyến khích đầu tư điện mặt trời áp mái. Nhưng thực tế với các công ty kinh doanh pin điện mặt trời cho hộ gia đình như cậu Việt kiều đề cập ở phần đầu thì ngày 31-12-2020 là ngày chấm dứt sự nghiệp kinh doanh của họ.
Ngay cả gia đình tôi khi lắp điện mặt trời áp mái cũng được các công ty lắp ráp và cả ngành điện giải thích là nếu phát điện và ký hợp đồng trước 31-12-2020 thì được giá tốt hơn so với để sau năm 2020.
Nhưng kể từ khi EVN thông báo cho đến nay đã hơn 2 năm, các công ty buôn bán, lắp ráp pin điện mặt trời cho nhà xưởng, hộ gia đình ngắc ngoải chờ trông hướng dẫn mới, và... phá sản, giải thể như công ty của cậu Việt kiều nói trên.
Mãi tới tháng 8 năm ngoái, Bộ Công Thương có Đề án Quy hoạch điện VIII tại Tờ trình 4778/TTr-BCT gửi Chính phủ. Đến lúc ấy bộ này mới đề nghị Thủ tướng có quyết định bãi bỏ Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, và sẽ dự thảo cho Thủ tướng ban hành quyết định mới về điện mặt trời, điện gió.
Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tới giờ vẫn căn cứ vào quyết định 13 nhưng không hiểu vì sao mà biểu giá mới cho mua bán điện giữa hộ gia đình có đầu tư điện áp mái và EVN vẫn chưa có, đồng thời khiến doanh nghiệp lắp ráp pin điện mặt trời áp mái phải phá sản?
Cậu Việt kiều ấy cũng không thể hiểu chính sách sẽ khuyến khích phát triển điện mặt trời như thế nào. Nếu dư điện thì nên nói rõ cho người dân và doanh nghiệp biết, rằng không cần đầu tư điện áp mái? Hoặc là, nếu giá mua bán mang tính khuyến khích đầu tư sẽ làm EVN lỗ thì cũng nên nói rõ, chứ hơn 2 năm rồi mà vẫn cứ chờ!
Đúng là, qua cầu rút ván. Ở nước ngoài, chắc dân kiện cho sạt nghiệp. Tiền là mồ hôi nước mắt, ai cũng quý. Chẳng lẽ không có giải pháp nào hài hòa chăng?
Chính xác là thế! Như vầy thì DN tư nhân làm gì còn tin tưởng mà tham gia.
Sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng!
Chập chờn hơn cả điện
Tình hình chung các ngành bạn ơi. Bệnh cực kỳ sợ trách nhiệm nó lan nặng lắm rồi, đùn đây giữa cac bộ ngành, toàn là đang nghiên cứu thôi. Không ông nào ra được quyết sách, hướng dẫn cụ thể.
Nguyên nhân sâu xa lắm, ai trong ngành điện có chức sắc cao mới hiểu, thà mua điện nhiệt giá lỗ chứ không dám lấy điện sạch vào lưới điện quốc gia.
Gần như 02 năm qua, hàng loạt các công ty thi công lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho hộ dân đi đến con đường phá sản và mất toàn bộ chi phí hoạt động công ty. Bản thân công ty của tôi cũng đang mong chờ một quyết định có sự thay đổi để công ty ngày càng đi lên và không phải lâm vào cảnh giải thể. Thật lòng nghe qua câu chuyện của tác giả trên, và với hàng trăm công ty tương tự (vừa và nhỏ có hoạt động như trên) có thể là quá chua xót, vô cùng thất vọng. Mỏi mòn chờ cơ chế để phục hồi. Và cũng mong Chính phủ, bộ ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh lắp đặt năng lượng mặt trời cho hộ dân được “sống dậy” và đó cũng là đóng góp ngân sách cho Nhà nước rất nhiều.
Đằng sau câu chuyện này có rất nhiều uẩn khúc. Đề nghị cơ quan chức năng thanh kiểm tra làm rõ, sớm trả lời dư luận. Không đơn giản chỉ là chuyện giá điện, mà còn là lòng tin vào chủ trương chính sách chung của nhà nước.