Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phác thảo lộ trình xây dựng 1,8 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp

Y.Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này vừa trình Thủ tướng phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Việc phát triển nhà ở xã hội giúp giải quyết bài toán chỗ ở cho hàng chục ngàn công nhân, người lao động an cư lập nghiệp. Trong ảnh là một khu nhà ở xã hội đã đi vào hoạt động. Ảnh: TL

Ý tưởng về 1 triệu căn nhà xã hội này từng được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề cập tại một hội nghị vào đầu tháng 8 và Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan này nghiên cứu. Hiện tại, đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện.

Theo đó, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.

Lộ trình thực hiện cũng được chia ra theo 2 giai đoạn. Năm 2021-2025, thống kê nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu được các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu.

Tương tự, giai đoạn 2025-2030, nhu cầu là 1,3 triệu căn nhưng mục tiêu hoàn thành tăng lên thành 1,1 triệu căn hộ, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.

Như vậy, đến năm 2030, có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội được hoàn thành, tập trung nhiều ở Long An, Bắc Giang, Hà Nội, TPHCM… Theo Bộ Xây dựng, trên thực tế có một số dự án địa phương đề xuất nhưng chưa có đất, chủ trương đầu tư... Bộ Xây dựng phải tính toán dựa trên mức độ khả thi. Đề án đang được tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và con số chính thức sẽ được gút lại.

Các địa phương có trung tâm công nghiệp sẽ xây nhiều căn nhà ở xã hội hơn. Trong đó, dẫn đầu là Long An (310.000 căn), Bắc Giang (285.143 căn), Bắc Ninh (96.247 căn), (Bình Dương 84.000 căn)... Nhà ở xã hội cũng sẽ được ưu tiên xây tại các đô thị lớn như Hà Nội (xây thêm 136.000 căn), TPHCM (130.000 căn hộ), Hải Phòng (45.355 căn), Đà Nẵng (19.360 căn)...

Trong thời gian vừa qua, việc phát triển nhà ở xã hội, như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ tại cuộc hội nghị cùng chủ đề vào đầu tháng 8, gặp nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán kéo dài, phức tạp hơn nhà ở thương mại. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Việc xác định giá trước khi bán, cho thuê, thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định khiến "kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp".

Tại Đề án được Bộ Xây dựng trình nêu rõ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát triển nhà ở; trong đó có nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp tổ chức đầu tháng 8 vừa qua.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp. Điều này nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Cùng với đó, việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương; tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Theo đề án, mục tiêu đặt ra là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Với lộ trình cụ thể do các địa phương đăng ký, để đạt mục tiêu 1,8 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Cho dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP nhưng vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan và còn hạn chế trong quá trình thực hiện.

Do vậy, theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế…; trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp như quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng...

Bên cạnh đó, để mục tiêu này sớm đạt được, Bộ Xây dựng đánh giá, người đứng đầu địa phương cũng phải xác định xây dựng nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị của cá nhân.

Hiện cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn. Ngoài ra, 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn đang được triển khai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới