(KTSG) - Tuần qua, một nhóm hơn 30 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép không gỉ (inox) đã gửi đơn khiếu nại vì họ cho rằng, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Chính phủ chưa phản ánh đúng các vấn đề được nêu ra trong cuộc làm việc. Khoan nói tới việc đúng-sai, bài viết chỉ nêu ý kiến về chuyện cơ quan quản lý nhà nước phải cải tiến cách làm việc với doanh nghiệp. Ví dụ, nếu Bộ này áp dụng quy trình gửi meeting minutes kèm theo thời hạn trả lời các vấn đề còn treo sau cuộc họp thì đã không xảy ra lùm xùm như vậy.
- Doanh nghiệp Nhật Bản tái cấu trúc, hoạt động M&A tăng 80%
- Làm sao để sự đoàn kết nội bộ trở thành sức mạnh của doanh nghiệp?
Meeting minutes là biên bản tường thuật, lưu giữ các nội dung diễn ra trong cuộc họp nội bộ doanh nghiệp hoặc với các đơn vị bên ngoài, được coi là bản ghi nhớ. Mục đích chính của meeting minutes là để ghi lại tất cả những gì diễn ra trong buổi họp, là bản ghi nhớ cho những người tham gia, cũng như để chia sẻ thông tin với những người không có mặt và các bên khác tham gia cuộc họp.
Trong các cuộc họp với đối tác hay khách hàng, meeting minutes được xem là tài liệu ghi nhận ý kiến các bên, đặc biệt là các giải pháp, thông tin được các bên thống nhất. Với các vấn đề chưa giải quyết được cần thảo luận thêm sau đó, các bên tham gia thường cũng sẽ liệt kê và ấn định thời hạn họp tiếp theo để giải quyết.
Một mục đích quan trọng khác là sau khi meeting minutes được gửi đến các bên liên quan sau cuộc họp, những ý kiến của các thành viên tham gia họp sẽ được điều chỉnh nếu thông tin chưa chính xác hay bổ sung nếu bị bỏ sót.
Số là hồi giữa tháng 7 năm nay, Bộ KH&CN đã tổ chức cuộc đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ những kiến nghị liên quan những bất cập của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019 (Quy chuẩn 20).
Phần quan trọng nhất là các câu hỏi và ý kiến được nhóm doanh nghiệp nêu ra ở cuộc họp nhưng phía Bộ KH&CN chưa trả lời, đặc biệt là việc doanh nghiệp hỏi tại sao Bộ này không thông báo cũng như lấy ý kiến các doanh nghiệp khi ban hành Quy chuẩn 20, trong khi các doanh nghiệp là đối tượng có liên quan mật thiết đến quy định này.
Theo các doanh nghiệp tham gia họp, do áp dụng quy chuẩn mới từ đầu năm 2023 họ bị sụt giảm sản lượng, kinh doanh khó khăn này vì các quy định mà theo họ là bất hợp lý. Tại cuộc họp này, các đại diện phía Bộ KH&CN đã không thể trả lời các câu hỏi một cách thỏa đáng(1).
Sau cuộc đối thoại, doanh nghiệp cho rằng báo cáo của Bộ KH&CN gửi Chính phủ chưa phản ánh đúng các vấn đề được nêu ra trong cuộc làm việc. Kèm theo đơn kiến nghị này, doanh nghiệp còn gửi băng ghi âm để làm bằng chứng.
Trong khi nhiều câu hỏi của doanh nghiệp nêu ra tại cuộc họp chưa được trả lời thì báo cáo của Bộ KH&CN gửi Chính phủ đã không thể hiện điều này. Trong báo cáo này, ý kiến của đại diện 33 doanh nghiệp được Bộ này nêu vỏn vẹn với hai nội dung ngắn gọn không thể hiện được các khó khăn và bất hợp lý mà doanh nghiệp đang gặp phải vì Quy chuẩn 20(2).
Trong giới doanh nghiệp, meeting minutes được dùng rất phổ biến, nếu nói chính xác là nó không thể thiếu trong các cuộc họp quan trọng. Trong bối cảnh như cuộc họp của Bộ KH&CN với các doanh nghiệp, việc ghi và phát hành meeting minutes sau cuộc họp là điều nên làm để có sự thống nhất giữa các bên liên quan.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp vẫn còn nguyên bức xúc vì các ý kiến và câu hỏi không được trả lời đầy đủ tại cuộc họp thì đúng ra phía Bộ KH&CN phải ghi nhận trong meeting minutes và đưa ra thời hạn trả lời bằng cách tổ chức họp tiếp hoặc bằng văn bản.
Mọi việc lẽ ra đã không lùm xùm như vậy nếu việc gửi báo cáo chỉ được thực hiện sau khi Bộ KH&CN trả lời đầy đủ các câu hỏi của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần cải tiến cách làm việc để phù hợp với thông lệ chung, đặc biệt là khi đối thoại với doanh nghiệp.
(1) https://tuoitre.vn/ky-la-mot-cuoc-doi-thoai-dung-de-doanh-nghiep-chet-dung-2023081008462715.htm
Luôn luôn hội họp. Luôn luôn lắng nghe – Luôn luôn thấu hiểu. Vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Vẫn chưa tìm ra được công thức hiệu quả nhất. Nếu không thực sự có hành động mạnh mẽ. Có câu nói rất hay “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Cơ cấu tổ chức thì có rất nhiều ban bệ khác nhau. Ai cũng có thể, có quyền nói, góp ý, đánh giá, bình phẩm… Nhưng rốt cuộc, để tìm ra được “Người chủ công” mới là điều khó khăn nhất.