Thứ Hai, 14/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phải thực tế chứ đừng nói suông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải thực tế chứ đừng nói suông

(TBKTSG Online) - Những ngày đầu năm dương lịch, một loạt các hội nghị được bộ này, ngành nọ tổ chức để đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy bất an, bởi phần nhiều các hội nghị chỉ là những phát biểu chung chung mà không đi sâu vào nghiên cứu bản chất để tìm ra những giải pháp, những bước đi khôn ngoan hơn, chủ động hơn.  

Tại một hội thảo của Bộ Công Thương mới đây, trong phần nói về cà phê, ông chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) cũng đã có một tham luận với tiêu đề: “Nâng cao vai trò, năng lực hiệp hội trong giai đoạn mới, những vấn đề đặt ra sau 2 năm gia nhập WTO” được in trong tập tài liệu của hội nghị. Sau lời giới thiệu của ban tổ chức, ông chủ tịch bước lên bục và chỉ nói… về công lao trong thời gian làm thứ trưởng Bộ Thương mại – Trưởng đoàn đàm phán WTO, còn câu chuyện cà phê thì cứ chung chung và chờ kế hoạch B-WTO.  

Trong khi người ta cứ chê rằng cà phê Việt Nam chất lượng quá kém, nhưng thực tế có ai bảo vệ an ninh cho nông dân khi đến mùa thu hoạch mà lại yêu cầu nông dân chỉ được hái trái chín mà không được áp dụng kinh nghiệm thực tế là “xanh nhà hơn già đồng”?  

Nông dân một nắng hai sương lo cho cái ăn cái mặc còn chưa đủ thì lấy đâu tiền để làm sân phơi, xây lò sấy, mua máy chế biến để có cà phê chất lượng tốt hơn? Rồi ông còn kêu gọi giá cà phê thế giới xuống quá thấp bà con nông dân phải hạn chế bán ra?  

Trong khi cả một năm dài nông dân phải ăn đong, phải mua dầu tưới, mua phân bón nợ đại lý, phải vay ngân hàng, áp lực vào vụ là phải thuê nhân công hái, rồi nào là cưới xin, năm hết tết đến… lấy tiền đâu ra mà giữ cà phê để chờ giá?  

Ông chủ tịch còn thông báo rằng sẽ thực hiện biện pháp mua tạm trữ cà phê để giữ giá, xin các doanh nghiệp đừng vội phải lo chạy hạn ngạch để được tạm trữ vì quá nhiều doanh nghiệp đã từng bị thương hoặc đã chết vì tạm trữ cà phê rồi! Theo lộ trình WTO thì kể từ ngày 1-1-2009 người nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, họ chỉ cần bỏ ra dăm chục triệu đô la Mỹ, không cần cơ cấu lãi suất ngân hàng trong giá mua cà phê với nông dân thì các doanh nghiệp kinh doanh cà phê của Việt Nam cũng đã nghẹt thở vì giá mua cà phê còn phải tính cả lãi vay ngân hàng.  

Thôi thì xin bà con hãy chờ chương trình hành động B-WTO như đã từng chờ các chương trình khác đã đăng đàn lâu nay.  

VĨNH LÊ NGUYÊN (Buôn Ma Thuột)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới