Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phải tổng rà soát thiết kế của những cao tốc sắp xây dựng

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đầu tuần này, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng rà soát 17 tuyến cao tốc để khắc phục "bất cập về tổ chức giao thông", mà nếu gọi thẳng tên thì đó là tình trạng thiếu an toàn, thường xảy ra tai nạn. Việc rà soát này là đúng nhưng chưa đủ vì mô hình các cao tốc mất an toàn vẫn đang hiện diện trong bản thiết kế phân kỳ nhiều cao tốc đang và sắp được xây dựng.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Giao thông Vận tải khảo sát 11 tuyến cao tốc trên cả nước, phát hiện nhiều bất hợp lý ngay từ khi xây dựng cao tốc.

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 7/11 tuyến cao tốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đủ bề rộng, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế...

Theo Bộ Công an, 7 tuyến cao tốc thiếu an toàn này trải dài từ Bắc chí Nam gồm Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45,  Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Trung Lương - Mỹ Thuận(1).

Sau khi Bộ Công an nêu ý kiến về việc khắc phục những bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đã giao các đơn vị trực thuộc tổng rà soát 17 tuyến cao tốc để khắc phục bất cập về tổ chức giao thông gồm cao tốc TPHCM - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm(2).

Việc Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rà soát chỉ diễn ra sau khi Cục Cảnh sát giao thông khảo sát và có ý kiến. Trong cả hai giai đoạn 1 và 2 của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, thiết kế của nhiều tuyến cao tốc vẫn bám sát tiêu chí "đầu tư phân kỳ", có nghĩa là cao tốc chỉ có hai làn xe chạy và không có làn dừng khẩn cấp.

Dù báo chí nhiều lần lên tiếng góp ý, thiết kế cao tốc mất an toàn vẫn tiếp tục được triển khai không thay đổi. Điều đáng nói hơn, thiết kế "cao tốc hai làn" này đã có từ rất lâu và đã trở nên lạc hậu. Ví dụ cụ thể nhất là đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào hoạt động hồi giữa năm 2022 nhưng dự án này được xây dựng theo thiết kế và tính toán lưu lượng xe có từ năm 2009, tức 13 năm trước đó(3).

Từ năm 2022 đến nay, sau khi các tuyến "cao tốc hai làn" được đưa vào sử dụng, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai (50 vụ tai nạn, 18 người chết); Hà Nội - Thái Nguyên (15 vụ tai nạn, 1 người chết); Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45 (40 vụ tai nạn, 3 người chết), Trung Lương - Mỹ Thuận (21 vụ tai nạn, 3 người chết).

Chỉ mới thông xe từ 19-5 năm nay, trên hai cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm cũng đã xảy ra đến 6 vụ tai nạn làm 5 người chết và 10 người bị thương.

Trước đó, sau chuyến khảo sát thực tế xây dựng cao tốc hồi đầu năm nay, ngày 2-3-2023, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính "dứt khoát không đầu tư cao tốc hai làn xe, gây lãng phí vốn, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp". Thủ tướng yêu cầu tất cả cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu bốn làn ô tô, có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100 km/h(4).

Chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến của Cục Cảnh sát giao thông và con số thống kê tai nạn cho thấy mô hình "thiết kế phân kỳ" cao tốc phải chấm dứt ngay từ bây giờ.

Ngoài việc kiểm tra các cao tốc đã xây dựng, ngành giao thông còn phải tổng rà soát các dự án cao tốc sắp triển khai như Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Sóc Trăng… và cập nhật thiết kế để không xảy ra tình trạng cao tốc xây dựng không đạt tiêu chuẩn an toàn như vừa qua.

Ngoài ra, với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau xây trên nền đất lún, Bộ Giao thông Vận tải ngoài thay đổi thiết kế đủ bốn làn xe còn phải cân nhắc khả năng làm cầu cạn ở một số đoạn như các chuyên gia khuyến cáo thay cho thiết kế hiện nay là xây dựng hoàn toàn bằng cách đắp nền.

Dù chậm nhưng việc rà soát và cập nhật thiết kế ở thời điểm hiện nay vẫn còn kịp và sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho nền kinh tế về lâu dài so với số chi phí phát sinh.

Đó là chưa kể, thay đổi thiết kế sẽ giúp nhiều người tránh khỏi cái chết oan uổng do cao tốc mất an toàn như các vụ tai nạn đã xảy ra trên các "cao tốc hai làn". Đây là lợi ích vô giá mà không có tiền bạc nào có thể tính ra được.

----------------------

(1) https://tuoitre.vn/cao-toc-khong-dat-chuan-cao-toc-kiem-tra-lai-moi-thay-het-hon-20231024225240438.htm

(2) https://baochinhphu.vn/khac-phuc-bat-cap-ve-to-chuc-giao-thong-tren-17-tuyen-cao-toc-102231030160839824.htm

(3) https://thesaigontimes.vn/khong-the-de-thiet-ke-cau-rach-mieu-nhan-ban-khap-noi/

(4) https://vnexpress.net/bo-tri-von-nang-cao-toc-len-bon-lan-xe-4576791.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới