(KTSG Online) - Thủ tướng đã ra quyết định ban hành danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê hồi tháng 8 năm nay và có 2.166 cơ sở phải thực hiện việc kiểm kê phát thải, tăng 254 cơ sở so với danh mục được ban hành năm 2022. Các cơ sở này hiện chiếm 30% tổng phát thải carbon cả nước.
- Gần 1.200 doanh nghiệp cần kiểm kê khí nhà kính trước 31-3
- Bình luận: Rộn ràng đi học kiểm kê phát thải khí nhà kính
- Điện gió ở Bạc Liêu bán gần 1 triệu tín chỉ carbon, thu gần 1,8 triệu euro
Với nhiều doanh nghiệp, việc kiểm kê phát thải carbon trong năm nay chỉ là tập dượt cho biết, cho quen cách lập biểu mẫu, danh sách các hạng mục trong sản xuất kinh doanh gây phát thải carbon, chưa ràng buộc pháp lý. Thế nhưng, tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone thì các doanh nghiệp trong danh mục sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải cho giai đoạn 2026-2030.
Điều này có nghĩa chính quyền tỉnh, thành phố, cao hơn là Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có số liệu phát thải chuẩn xác bằng những số liệu cụ thể, khoa học ở các doanh nghiệp, làm cơ sở để giữa năm tới (2025) đề xuất Chính phủ phân bổ hạn ngạch cho giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải này. Cơ quan này cho rằng, theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, trong giai đoạn đầu Chính phủ chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn.
Ngoài ra, EU đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và áp dụng mức thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU gồm sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón. Mỹ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế CBAM đối với 8 mặt hàng có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện quy định kiểm kê phát thải carbon của Việt Nam là cơ sở trong danh mục có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê định kỳ hai năm một lần. Kết quả kiểm kê là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tất nhiên, nếu các con số kiểm kê là khoa học, xác thực.
Dường như việc kiểm kê phát thải khí nhà kính cho 2.166 cơ sở có vẻ phức tạp, khó có được con số chuẩn xác làm cơ sở phân bổ hạn ngạch mang tính pháp lý nên đã có nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình phân bổ hạn ngạch. Thay vì phải xác minh con số kiểm kê của 2.166 nhà máy, việc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể không đủ sức thực hiện toàn thì nên chọn một số nơi làm thí điểm. Vì vậy, có đề xuất là trong giai đoạn đầu chỉ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc ba lĩnh vực, gồm nhiệt điện, sắt thép, xi măng.
Nếu theo phương án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến có khoảng 200 nhà máy được phân bổ hạn ngạch giai đoạn 2026-2030, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của 2.166 cơ sở buộc phải kiểm kê.
Tuy nhiên, một vấn đề nữa đặt ra là, việc phân bổ hạn ngạch phát thải cho 200 “ông lớn” sắt thép, xi măng, nhiệt điện sẽ được thực hiện theo phương thứ nào? Nếu ban hành định mức phát thải carbon trên đơn vị sản phẩm thì việc xác định hạn ngạch rất khó khăn, dữ liệu phát thải phải có ít nhất ba năm gần nhất.
Ở các quốc gia phát triển, trong giai đoạn đầu, việc phân bổ hạn ngạch dựa trên lịch sử phát thải carbon của các cơ sở và tiến tới áp dụng định mức phát thải khi có đầy đủ thông tin, dữ liệu liên quan đến xác định định mức. Ở Việt Nam hiện nay, việc kiểm kê phát thải carbon tại nhiều doanh nghiệp chỉ làm cho có lệ, mang tính đối phó. Vì vậy, nếu tính toán phát thải carbon trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ rất khó khăn, có khi khiếu nại, tranh chấp, kiện tụng…
Hiện nay, trên thực tế đã có hàng chục giao dịch bán tín chỉ carbon thông qua hình thức hợp đồng hoặc bán lại trên sàn giao dịch quốc tế, nhất là các doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo. Thế nhưng, làm sao Chính phủ nắm bắt được những con số này bởi sàn giao dịch mang tầm quốc gia thì may ra năm tới mới làm thí điểm. Bộ Tài nguyên và Môi trường muốn các doanh nghiệp tự mua bán như hiện nay phải đăng ký và phải có thư chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền nhưng hệ thống đăng ký hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon quốc gia lại chưa có.
Năm 2026 đã gần kề nhưng kiểm kê phát thải carbon, rồi quản lý, tính toán, phân giao hạn ngạch, sàn giao dịch, hệ thống đăng ký quốc gia có liên quan đến làm ăn, uy tín, thương hiệu của hàng ngàn doanh nghiệp… dường như vẫn còn rối bời.
Kiểm kê khí nhà kính là một bước quan trọng trong quá trình phát triển ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Đây là giai đoạn đầu tiên giúp các tổ chức đánh giá và đo lường lượng khí thải CO2 và các khí nhà kính khác mà họ phát ra.
Bước đầu tiên trong kiểm kê khí nhà kính là xác định các nguồn phát thải trong toàn bộ hoạt động của tổ chức, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp. Sau đó, tổ chức cần thu thập dữ liệu về mức độ phát thải từ các nguồn này và áp dụng các phương pháp chuẩn để tính toán tổng lượng khí thải.
Khi đã có số liệu cụ thể, tổ chức có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hoạt động của mình đến môi trường và từ đó xác định các biện pháp giảm thiểu phù hợp. Quá trình này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn đáp ứng các yêu cầu của các bên liên quan, nâng cao uy tín và giá trị của tổ chức trong bối cảnh ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững.
Hôm qua trong phần giao lưu người mua, người bán tín chỉ carbon, tôi nhớ nhà báo có nói doanh nghiệp vẫn còn thụ động, mông lung chuyện phát thải, tín chỉ carbon, nhưng qua bài viết này, tôi thấy đâu chỉ có doanh nghiệp mông lung, mà các cơ quan nhà nước cũng rối như tơ vò, mọi không biết bắt đầu từ đâu, trong khi cam kết thì rất nhiều.