Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phân loại rác – hóa ra còn nhiều chuyện đáng nói

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhật Bản, Úc và các nước phương Tây mất vài chục năm để xây dựng hệ thống thu gom rác thải hiệu quả, từ gia đình đến bãi rác. Ý thức của người dân, quy định của luật và mạng lưới thu gom rác hiệu quả đã bảo đảm môi trường sạch sẽ, tái tạo các nguồn tài nguyên. Các quy định giảm lượng rác thải, tái sử dụng hay tái tạo các nguồn tài nguyên đã được Nhật Bản và Úc luật hóa cách đây khoảng 30 năm. Tương tự, chuyện phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam sẽ khó thành hiện thực nếu không hội đủ các yếu tố trên.

TPHCM thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 1999. Nhưng đến nay, băng rôn căng khắp mọi khu phố, nhưng mọi việc hầu như dậm chân tại chỗ. Ảnh: Ricky Hồ

P. đến sinh sống và làm việc ở Kyoto từ dịp Tết, đầu tháng 2 vừa rồi. Buổi học đầu tiên của P. tại Kyoto về cách phân loại rác và đổ rác là “không thể chi tiết hơn” - cô gái đến từ TPHCM viết trên trang cá nhân.

“Có quá nhiều thứ cần nhớ, nên mình phải lấy giấy bút ra ghi chép lại và bật cười giữa chừng vì nào giờ ít khi ghi lại những thứ ‘nhỏ nhặt’ như thế này. Nhưng mình nhận ra nếu mỗi người không thuần thục những thứ nhỏ nhặt thì làm gì có được những kết quả to lớn”, P. viết.

P. chia sẻ đã phải học cách phân rác thành hai loại: loại cháy được và không cháy được. Ở loại cháy được thì ngay như dầu ăn đã qua sử dụng cũng phải sử dụng giấy thấm hoặc làm đông thành thể rắn. Các loại bao bì, lon, chai… dùng đựng sữa, nước giải khát hay gia vị được rửa sạch trước khi phân loại và bỏ vào thùng rác. Các loại rác thải rắn như thủy tinh thì dán nhãn cẩn thận, đề phòng mảnh vỡ làm tổn thương người thu gom rác.

Chặng đường dài với... rác

Câu chuyện của P. gợi nhớ đến chặng đường dài trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên từ rác của người Nhật. Sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc, trở thành nền công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới. Nhưng người Nhật cũng phải trả giá đắt vì những vấn nạn môi trường. Bởi dân số ngày một tăng, nhu cầu tiêu dùng ngày một lớn, rác thải càng nhiều và thiếu đất chôn rác. Chính phủ nước này nhận ra rằng nếu không giải quyết triệt để thì sớm muộn gì nước Nhật cũng sẽ chìm trong biển rác.

Thập niên 1990-2000, Chính phủ Nhật đã ban hành luật quản lý rác thải theo nguyên tắc 3R là giảm lượng rác thải (reduce), tái sử dụng (reuse) và tái chế (recycle). Hiện nguyên tắc này đã trở thành 5R hay 7R khi thêm các yếu tố như refuse là từ chối mua hoặc sử dụng các sản phẩm gây tổn hại môi trường, repurpose thì gần gũi giống như tái sử dụng hay revenue là tạo ra giá trị, doanh thu mới. Rác thải trở thành nguồn tài nguyên có giá trị như nguyên liệu cho nhà máy điện, sản xuất phân… Nhật Bản hiện đi đầu trong “khai thác mỏ ngay tại đô thị” (urban mining), tức khai thác vàng và các kim loại quý này từ rác thải điện tử, gồm các bảng mạch trong điện thoại, máy tính…

Xe thu gom phế liệu bán được như thùng carton, bao bì giấy, kim loại… trong một hẻm ở quận 12, TPHCM. Ảnh: Ricky Hồ

Một trong những yếu tố quan trọng trong phân loại rác là read, buộc người dùng phải đọc kỹ các hướng dẫn trên bao bì, đọc và tìm hiểu quy định của chính quyền sở tại trong việc phân loại rác và đổ rác. Mỗi gia đình, ba mẹ cùng với con trẻ, đều có ý thức phân loại và thu gom rác đúng, tiết kiệm thời gian cho trung tâm thu gom và xử lý rác thải. Mỗi loại rác có ngày thu gom khác nhau. Nếu không tuân thủ sẽ bị hàng xóm nhắc nhở bằng việc đặt túi rác có tên hộ gia đình ngay trước cửa nhà hoặc nặng hơn có thể bị phạt tiền và phạt tù.

Ý thức tuân thủ và cam kết thực hiện từ mỗi gia đình, người dân bảo đảm sự sạch sẽ cho đất nước, góp phần tái tạo nguồn tài nguyên. Công tác tuyên truyền bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ từ các cơ sở xử lý rác. Bãi rác luôn mở cửa đón chào khách ghé thăm, thường là học sinh, cư dân thành phố. Việc tham quan các cơ sở xử lý rác là môn học bắt buộc trong nhà trường. Các em học sinh sau khi tham quan sẽ viết bài thu hoạch, viết báo tường, vẽ tranh ảnh, làm những sản phẩm thủ công từ các vật phế thải… Các tác phẩm sau khi hoàn thành sẽ được trưng bày tại khu tiếp tân của các nhà máy xử lý rác.

Hiếm thấy thùng rác công cộng ở Nhật Bản. Các loại thùng chứa này đã bị gỡ khỏi các nơi công cộng kể từ cuộc tấn công bằng khí sarin ở ga điện ngầm Tokyo năm 1995. Rác cá nhân được mang về nhà và phân loại cùng rác thải sinh hoạt. Thùng rác được phân thành ba mươi loại khác nhau tùy theo quy định ở địa phương.

Ai gây ô nhiễm thì phải trả tiền?

Ở Úc và nhiều nước phương Tây khác, rác thuộc phạm vi xử lý của chính quyền địa phương (city council) và địa phương thu tiền council rate - tiền xử lý rác và môi trường hàng năm - từ chủ nhà không phải từ người ở trọ. Có ba loại thùng rác khác nhau: xanh đậm dùng cho rác thải sinh hoạt, xanh lá cây dùng cho rác có thể tái chế và nâu dành cho rác là lá cây, nhánh cành trong vườn nhà. Rác sinh hoạt được xe tải có thùng kín thu vào mỗi tuần. Rác tái chế được thu gom mỗi hai tuần. Rác từ vườn thì mỗi tháng.

Ghi chú về buổi học phân loại rác đầu tiên khi mới đến Kyoto của P. Ảnh: V.P

Chính quyền địa phương cũng quy định mỗi năm mỗi ngôi nhà sẽ được thu gom rác thải rắn một lần miễn phí. Người ở trọ hay chủ nhà phải gọi điện lên chính quyền địa phương để đăng ký lịch thu gom rác thải rắn như máy giặt hư, đồ điện hư cũ, bàn ghế cũ, rác thải xây dựng… Như vậy, khái niệm “rắn” này khác với “rắn” ở Việt Nam.

Tiền council rate này cũng bao gồm tiền xử lý nước thải từ nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh. Tức là, người dân khi dùng nước cho nấu nướng, tắm giặt và tưới vườn cũng cần nghĩ đến việc mình phải trả loại thuế này, bên cạnh tiền trả cho lượng nước sử dụng.

Nói cách khác, có lẽ đây là những ví dụ cụ thể cho các trường hợp “người làm ô nhiễm phải trả tiền”. Nhưng chủ căn nhà phải chịu trách nhiệm này. Người ở trọ làm sai thì chủ nhà chịu phạt, nhưng chủ nhà có thể hủy hợp đồng thuê và người trọ có thể bị mất tiền cọc.

Tạo thay đổi ở Việt Nam thế nào?

Việt Nam hiện đứng thứ 17 thế giới về lượng rác thải nhựa, đứng thứ năm thế giới về lượng rác thải nhựa ra đại dương… Mọi chuyện được dự báo là sẽ trầm trọng hơn trong giai đoạn 2030-2050. Nhưng hiện tại, rác ở các điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Phan Thiết, Nha Trang hay Phú Quốc… đã trở thành chuyện không thể ngó lơ. Ngay cả những nơi được cho là mới cũng không thoát khỏi bị phủ rác: hệ thống đường cao tốc. Các bãi rác ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng đã ngày càng quá tải, gây ô nhiễm không khí, nước ngầm và môi trường sống xung quanh…

Chuyện phân loại rác dường như là không thể ngay tại các thành phố lớn, chẳng hạn như TPHCM đã làm từ năm 1999 đến nay. Bởi các thùng đựng rác sinh hoạt và rác tái chế luôn bị mất cắp, trừ khi ở những chung cư được bảo vệ nghiêm ngặt. Lý do quan trọng nhất vẫn là ở người dân, các thói quen tốt trong phân loại rác chưa được hình thành.

Kế đến là xây dựng các công ty thu gom rác sao cho hữu hiệu. Hàng tháng, người dân đều phải trả các loại tiền, phí xử lý rác thải và nước thải. Hệ thống gom rác dân sinh thường là những chiếc xe ba gác được che chắn mái tôn để thành xe rác, kèm theo nhiều túi nylon lớn để đựng ve chai. Ngay với các bao rác đã được phân loại tại nguồn (nhà dân), người thu rác gom chung một xe. Họ lập tức xé các bao rác ngay tại xe, phân thành loại có thể bán lấy tiền và loại không thể bán, cần đưa đến bãi rác. Dù rác được lấy mỗi tuần 2-3 lần, và nếu phân loại đúng, nhưng hiệu quả sạch sẽ môi trường và tái tạo tài nguyên vẫn khó đạt.

Khoảng 10.000 tấn chất thải rắn được thải ra môi trường hàng ngày tại TPHCM, với tỷ lệ tăng trưởng đạt 7-15% trong vài năm tới. Nếu không phân loại tốt, gia tăng tỷ lệ tái chế, thành phố sẽ gặp áp lực lớn về môi trường. Chẳng hạn, rác đem chôn lấp thì không còn bãi tiếp nhận, trong khi đó nhà máy xử lý rác hiện đại thì thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo Sở Tài nguyên môi trường, nếu phân loại rác tại nhà dân thực hiện tốt, sẽ có 90-95% chất thải rắn được tái sử dụng, trong đó khoảng 70% dùng cho tái tạo năng lượng và sản xuất phân compost, phân vi sinh. Ô nhiễm không khí và môi trường sống theo đó mà giảm đáng kể.

Bài học phân loại rác ở xứ mình, với những chiếc thùng màu sắc chắc chắn phải song hành cùng với những công ty vệ sinh môi trường hiệu quả, với những chiếc xe tải kín đến đúng ngày và cả sự hiện diện của chính quyền địa phương cùng các biện pháp chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc phân loại rác nguồn nơi khu dân cư, công cộng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Jica đã có 1 dự án phân loại rác ở Hà nội cách đây gần 10 năm. Người dân rất vui và nhiệt tình hưởng ứng nhưng sau mới phát hiện ra chính các nhân viên thu gom rác lại trộn tất cả rác vào 1 xe. Thật buồn cho cách làm việc vô lối của chính các cơ quan thu gom rác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới