Chủ Nhật, 17/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phân phối lẻ trái phiếu doanh nghiệp, lợi thì có lợi…

Hoàng Xuân Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc 9 lô trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy phát hành do doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích đã phát đi tín hiệu cảnh báo đáng lo ngại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vốn phát triển rất nhanh chóng trong năm năm qua. Mặc dù vậy, nếu nhìn một cách sâu rộng thì sự kiện này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đầy rủi ro của thị trường TPDN Việt Nam.

Cách đây hơn năm năm, thị trường trái phiếu nói chung và TPDN nói riêng là sân chơi riêng của các công ty, tập đoàn tài chính, ngân hàng, các quỹ đầu tư,… Bởi lẽ, chỉ có các tổ chức này mới đủ vốn, kiến thức tài chính và quản trị rủi ro để tham gia các sân chơi trị giá ngàn tỉ này.

Tuy nhiên, sự sáng tạo của hệ thống tài chính Việt Nam mà dẫn đầu là hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã tạo ra sản phẩm TPDN được xem là rất thông minh, trong đó các lô lớn TPDN được phân nhỏ đến hàng triệu đồng (từ lô ngàn tỉ đồng) và bán lẻ đến khách hàng cá nhân mà trước hết là khách hàng của các NHTM.

Việc phân lẻ lô lớn TPDN này trước hết đã giúp các khách hàng cá nhân của các NHTM dễ dàng mua TPDN với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Việc bán lẻ TPDN này đã mang lại nhiều giá trị cho khách hàng cá nhân.

Lợi thì có lợi…

Giá trị đầu tiên có thể kể đến là việc này đã mang lại cơ hội đầu tư tuyệt vời và có giá trị cho các khách hàng cá nhân với thị trường TPDN rộng lớn, nhiều tiềm năng và lãi suất hấp dẫn. Tiếp theo là sự linh hoạt trong thời gian đầu tư, giá trị đầu tư và cả thanh khoản trái phiếu (với điều kiện nhà phân phối có hệ thống giao dịch tốt).

Điều này có nghĩa là nếu so với các khoản tiền gửi tiết kiệm vốn có kỳ hạn cụ thể thì TPDN là khoản đầu tư rất linh hoạt, có thể hưởng lãi (thực tế là lợi nhuận đầu tư) theo ngày và có thể rút hết hoặc một phần gốc bất kỳ thời điểm nào trong thời gian giao dịch mà không bị mất lãi như gửi ngân hàng. Chính cái lợi lãi suất và linh hoạt đầu tư là sức hút to lớn mà các khách hàng tiết kiệm truyền thống lũ lượt rời bỏ tiết kiệm ngân hàng để theo đuổi TPDN.

TPDN được phân phối lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể phá vỡ hệ thống tài chính Việt Nam nếu không được xây dựng và thực thi trên nền tảng minh bạch thông tin và quản trị rủi ro đúng mực

Lợi ích cho khách hàng cá nhân là vậy, lợi ích cho ngân hàng còn lớn hơn khi mà các NHTM sẽ có thể kinh doanh tiền tệ mà không bị giới hạn bởi hoạt động huy động, cho vay vốn bị ngăn chặn bởi chính sách trần lãi suất huy động và hạn mức cho vay. Ở khía cạnh khác, NHTM có thể tìm kiếm lợi nhuận mà không có rủi ro tín dụng nào (sẽ được trình bày bên dưới).

Nhưng rủi ro hệ thống tiềm ẩn

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kể trên, TPDN được phân phối lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể phá vỡ hệ thống tài chính Việt Nam nếu không được xây dựng và thực thi trên nền tảng minh bạch thông tin và quản trị rủi ro đúng mực. Những rủi ro này bao gồm:

Thứ nhất, sự khác biệt rất lớn giữa tiết kiệm ngân hàng và đầu tư TPDN lẻ của khách hàng cá nhân là vai trò trung gian tài chính của hệ thống NHTM. Trước hết, trong tiền gửi tiết kiệm, NHTM đóng vai trò là trung gian tài chính mà ở đó NHTM sẽ là người chịu trách nhiệm sàng lọc rủi ro để huy động vốn từ người gửi rồi cho vay và tự chịu rủi ro tín dụng với người vay vốn thay cho người gửi tiết kiệm.

Ngược lại, trong hệ thống phân phối lẻ TPDN thì NHTM chỉ đóng vai trò là người môi giới hoặc mua đứt bán đoạn TPDN cho khách hàng có nhu cầu, do vậy không chịu rủi ro nếu nhà phát hành TPDN mất khả năng trả nợ. Nói cách khác, sự khác biệt lớn nhất ở đây chính là chủ thể cho vay, trong TPDN người cho vay (đối với nhà phát hành) chính là các khách hàng cá nhân chứ không phải là các NHTM. Đây chính là lúc rủi ro phát sinh khi mà:

(1) Các khách hàng mua TPDN có thể không có kiến thức, thời gian, thông tin để thẩm định các doanh nghiệp và cũng là nhà phát hành trái phiếu như các NHTM, và do vậy không nhận thức được rủi ro của nhà phát hành. Nghĩa là, người nắm giữ trái phiếu không biết được mức độ rủi ro của công cụ đầu tư mà họ đang nắm giữ. Điều này thực tế có thể được hạn chế nếu các NHTM, với vai trò là người mua sơ cấp và vai trò nhà phân phối, có thể giúp các nhà đầu tư là khách hàng cá nhân của mình thẩm định và sàng lọc rủi ro trước khi đưa hàng hóa TPDN đến nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, thị trường tài chính luôn được dẫn dắt bởi lòng tham, NHTM với vai trò ban đầu là người mua đầu tiên của TPDN, sau đó bán lại cho chính khách hàng của mình và trở thành trung gian mua bán (có thể cả trung gian môi giới) có thể nhận thấy rằng, việc mua bán này sẽ mang lại lợi nhuận tốt nhờ chênh lệch lợi suất (do giá mua và giá bán chênh nhau) và gần như phi rủi ro khi mà các trái phiếu ban đầu được mua sẽ được bán hết cho nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, NHTM sẽ có thể mua bất kỳ loại trái phiếu nào để bán lại mà không chịu rủi ro nào cả. Đây chính là phương thức chứng khoán hóa các TPDN, tương tự như việc chứng khoán hóa các khoản nợ thế chấp đã đẩy Mỹ và thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Điều nguy hại hơn ở đây là các TPDN này thậm chí có thể còn không có tài sản bảo đảm và không có xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, việc phân phối trái phiếu qua hệ thống NHTM đang thực hiện như là việc chứng khoán hóa các khoản nợ có thể không có tài sản bảo đảm và không có xếp hạng tín dụng.

(2) Các khách hàng cá nhân trong trường hợp này cũng có thể không có khả năng kiểm soát mục đích sử dụng vốn trái phiếu phát hành (như xảy ra với Tân Hoàng Minh), không kiểm soát được tài sản bảo đảm, không theo sát tình hình tài chính doanh nghiệp,… dù về nguyên tắc khi phát hành trái phiếu, luôn có NHTM, các tổ chức tài chính khác chịu trách nhiệm thực hiện việc này, nhưng bài học Tân Hoàng Minh còn chưa ráo mực nên đây vẫn là rủi ro cần được quản lý.

(3) Nhân viên tư vấn của các NHTM trên thực tế chưa được đào tạo đầy đủ và hoàn toàn chưa có chứng chỉ môi giới để đứng ra môi giới TPDN cho khách hàng của mình. Đây là rủi ro về năng lực tư vấn.

Thứ hai, một rủi ro còn lớn hơn là TPDN được phân phối qua các công ty tài chính, các tập đoàn mà chủ yếu là tập đoàn bất động sản, vốn có kiến thức hạn chế về tài chính và ít có động cơ bảo vệ danh tiếng như các NHTM, thì hệ thống phân phối này còn nguy hại hơn nhiều so với phân phối TPDN qua kênh ngân hàng. Thực tế hệ thống này đang bắt đầu nở rộ và biến tướng sang phát hành và phân phối TPDN mà Tân Hoàng Minh là ví dụ điển hình.

Trong vụ việc Tân Hoàng Minh, hợp đồng mà các khách hàng ký kết với Tân Hoàng Minh thậm chí không phải là hợp đồng mua bán trái phiếu mà chỉ là hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu với bên thứ ba (không phải với doanh nghiệp phát hành). Điều này có nghĩa là khách hàng sẽ không phải là trái chủ, không được nhận trái tức định kỳ và việc rút vốn có thể không thể thực hiện được như các giao dịch mua bán trái phiếu thông thường. Rủi ro dành cho nhà đầu tư trường hợp này là vô cùng cao.

Qua những phân tích trên, có thể thấy dù thị trường TPDN là thị trường khá hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cần được sự quản lý của các cơ quan chức năng. Trong đó, việc cấp thiết nhất vào thời điểm này là xây dựng hệ thống quản lý, bao gồm:

- Quản lý việc công bố thông tin và hệ thống giám sát quá trình phát hành TPDN hiệu quả thông qua hệ thống giám sát tài chính.

- Xây dựng hệ thống giao dịch dễ dàng, thuận tiện và xây dựng đường cong lãi suất rõ ràng để nhà đầu tư dễ dàng nhận biết vào giao dịch.

- Các lô trái phiếu khi phát hành ra công chúng và giao dịch lẻ cần phải được xếp hạng tín dụng và niêm yết mới được phép giao dịch.

Thực tế, hệ thống quản lý như trên không có gì mới khi mà hiện nay hệ thống này đã được Techcombank và công ty con là Chứng khoán Kỹ Thương xây dựng và giao dịch khá thành công. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt và chỉ là một phần của thị trường TPDN khổng lồ và nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Do vậy, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần lập tức xây dựng hệ thống quản lý và giao dịch hiện đại, minh bạch, thuận tiện, tạo điều kiện cho thị trường này phát triển an toàn và là kênh dẫn vốn bổ sung cho hệ thống NHTM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới