Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phân, thuốc bảo vệ thực vật từ tăng năng suất tới “đe dọa” ngành nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phân, thuốc bảo vệ thực vật từ tăng năng suất tới “đe dọa” ngành nông nghiệp

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Việc gia tăng nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng đã và đang "đe dọa" nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng, theo ông Nguyễn Hồng Tín, Trưởng bộ môn hệ thống nông nghiệp thuộc Viên Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ).

Phân, thuốc bảo vệ thực vật từ tăng năng suất tới “đe dọa” ngành nông nghiệp
Thuốc bảo vệ thực vật "đe dọa" đến ngành nông nghiệp. Trong ảnh là nhân công đang đóng gói thuốc bảo vệ thực vật tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Tại hội thảo “Môi trường nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện trạng và thách thức” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 28-9, ông Tín cho biết, từ thập niên 80 đến nay, giá trị nhập khẩu, số lượng và chủng loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu liên tục tăng.

“Số lượng thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng cũng tăng khoảng 10 lần trong hơn 10 năm qua”, ông cho biết.

Trong khi đó, theo ông, việc nhập khẩu phân bón cũng gia tăng không ngừng và trong năm 2017, tổng lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam đạt 4,6 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,2 tỉ đô la. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân kali đạt gần 1,2 triệu tấn; SA trên 1 triệu tấn; DAP trên 880.000 tấn, NPK trên 503.000 tấn và urê gần 500.000 tấn...

Qua điều tra, ông Tín cho biết, số lượng thuốc bảo thực vật sử dụng ngày càng tăng trên cùng 1 đơn vị diện tích và hiện đạt mức 2,5 kg/héc ta/vụ.

“Một vụ chúng ta sử dụng 2,5 kg hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, tương đương 7,5 kg/héc ta/năm (3 vụ), như vậy, với diện tích sản xuất hàng triệu héc ta, có thể thấy lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rất lớn”, ông cho biết.

Theo ông Tín, qua nghiên cứu cho thấy, có khoảng 40-70% nông dân sử dụng hơn lượng khuyến cáo của nhà sản xuất với mức 10-30% và có khoảng 30% nông dân phối trộn nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau khi sử dụng.

“Việc nông dân thiếu kiến thức trong sử dụng thuốc và sử dụng không quan tâm đến thời gian cách ly, không bảo hộ lao động trong quá trình sử dụng cũng là vấn đề báo động”, ông cho biết.

Ông Tín cho biết, tại ĐBSCL ước tính việc hoang phí, sử dụng hơn mức khuyến cáo đã làm tiêu tốn hàng năm khoảng 100 triệu đô la tiền thuốc bảo vệ thực vật.

Một thực trạng đáng báo động được ông Tín nêu ra, đó là ô nhiễm rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. “Hiện nay, có xu hướng giảm do một số biện pháp được đưa ra, nhưng đây vẫn là vấn đề gây đau đầu”, ông cho biết.

Với hiện trạng sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như rác thải phát sinh.., nó đã gây ra những tác động tiêu cực đến nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nguồn nước ngầm.

“Quan trọng hơn, nó làm suy giảm độ phì nhiêu đất, ảnh hưởng đến phát triển hệ vi sinh vật trong đất và cả đa dạng sinh học”, ông cho biết.

Theo ông Tín, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân; tuổi thọ người dân sụt giảm. "Tuy chưa có minh chứng cụ thể về bệnh ưng thư liên quan đến việc nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng, sự gia tăng số ca mắc bệnh ung thư tỷ lệ thuận với sự gia tăng nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian gần đây", ông cho biết.

Còn về kinh tế, sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của nông sản. “Có rất nhiều câu chuyển về sản phẩm chúng ta xuất khẩu, nhưng bị khách hàng trả về do dư hàm lượng thuốc bảo vệ thục vật”, ông dẫn chứng.

Nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được xác định do đẩy mạnh thâm canh, định hướng tăng sản lượng. “Có lẽ trên thế giới này, không quốc gia nào dễ tìm mua thuốc bảo vệ thực vật như Việt Nam; không có nơi nào mà xem ti vi thấy quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật nhiều như Việt Nam”, ông nêu thực trạng.

Mặt  khác, dù có rất nhiều văn bản liên quan đến quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng việc giám sát, quản lý trên thực tế còn rất hạn chế, theo ông Tín.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới