(KTSG Online) - Số vốn huy động từ các vụ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á chỉ đạt 1,6 tỉ đô la trong nửa cuối năm 2023, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Có 71 vụ IPO, giảm 21% - theo phân tích của Nikkei và hãng dữ liệu Dealogic của Mỹ.
- Thị trường IPO Đông Nam Á vẫn tăng trưởng bất chấp sự suy giảm toàn cầu
- Mumbai trở thành ngôi sao sáng trên thị trường IPO toàn cầu
- Bế tắc kế hoạch IPO khiến nhiều doanh nghiệp Hồng Kông cạn tiền
Trước đó, theo dữ liệu của Dealogic, số vụ IPO và số tiền huy động được gia tăng trên các sàn giao dịch chứng khoán ở ASEAN, với Indonesia là ngôi sao sáng trong nửa đầu năm 2023. Số thương vụ IPO ở ASEAN đạt 79, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và số vốn huy động đạt 4,1 tỉ đô la, tăng 43%.
Hai nguyên nhân chính
Phân tích của Nikkei và Dealogic nói rằng các công ty ASEAN ngại niêm yết do các cuộc bầu cử trong nước và tình hình kinh tế trì trệ ở Trung Quốc.
Thái Lan ghi nhận mức giảm huy động vốn lớn nhất trong khu vực, giảm mạnh 75% xuống còn 773 triệu USD. “Không có công ty lớn nào tham gia thị trường, đặc biệt là trong nửa cuối năm. Đó là kết quả của việc trì hoãn thành lập chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2023. Bối cảnh chính trị khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Số lượng IPO sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế. Nếu nền kinh tế tốt, sẽ có nhiều đợt IPO hơn vào năm 2024”, Natthapol Khamthakrue thuộc hãng chứng khoán Yuanta Securities có trụ sở tại Bangkok trả lời Nikkei Asia.
Nhưng Thái Lan là nước gây quỹ lớn nhất tính theo quốc gia, với 6 công ty nằm trong danh sách top 10.
SCG Decor, hãng con chuyên sản xuất gạch và phụ kiện phòng tắm của tập đoàn SCG, đã huy động được 145 triệu đô la thông qua đợt IPO. Đây là thương vụ IPO lớn nhất ở Thái Lan. Do dân số Thái Lan đang già đi và dự kiến sẽ không tăng mạnh, SCG Decor có kế hoạch sử dụng nguồn vốn để mở rộng sang các nước lân cận như Indonesia và Việt Nam.
Các công ty Thái khác liên quan đến hàng không đã đẩy mạnh IPO. Chẳng hạn, Asia Network International, một đại lý bán hàng tổng hợp cho các hãng hàng không. Hoặc như hãng công nghệ thông tin và truyền thông Samart Corp. đã đưa lên sàn ông ty con Samart Aviation Solutions, chuyên cung cấp công nghệ hàng không tại Campuchia.
Thái Lan không phải là nước duy nhất ở ASEAN mà tình hình chính trị ảnh hưởng đến kế hoạch IPO. Tại Indonesia, hầu hết các doanh nghiệp có tâm trạng “chờ xem” kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2 tới. Doanh nghiệp “neo” lại các kế hoạch IPO, bởi họ tin rằng nhà đầu tư sẽ đứng ngoài cuộc, cho đến khi họ hiểu hơn về chính sách kinh tế của chính phủ mới.
Hệ quả là số thương vụ IPO trong nửa cuối năm rồi giảm từ 42 xuống còn 31. Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) dự kiến chỉ hơn 60 công ty sẽ IPO vào năm 2024, giảm so với 79 công ty trong cả năm 2023.
Malaysia đứng thứ ba về cả giá trị và số vụ IPO, 15 công ty lên sàn và sự chú ý dành cho hãng sản xuất thiết bị chính xác CPE Technology. Wong Kar Choon, đối tác kiểm toán tại Deloitte Malaysia, cho biết: “Tình hình IPO sẽ sôi động hơn trong năm 2024, do nhu cầu bán lẻ và tái ổ chức lành mạnh, đặc biệt là đối với các ngành tiêu dùng và công nghệ hoặc liên quan đến công nghệ”.
Nền kinh tế trì trệ ở Trung Quốc cũng phủ bóng mờ lên tất cả. Bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có ảnh hưởng lớn đến Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế hướng về xuất khẩu.
Tập đoàn vật liệu xây dựng hàng đầu Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đang trì hoãn IPO của hãng con hóa chất. Ban đầu, thương vụ dự kiến sẽ thực hiện năm 2022, huy động được 38,5 tỉ baht (1,08 tỉ đô la) và trở thành vụ IPO lớn nhất baht (1,08 tỷ USD) từ trước đến nay. CEO Thammasak Sethaudom nói rằng cần thêm thời gian chuẩn bị, bởi vụ niêm yết sẽ không mang lại lợi nhuận nào cả trong môi trường hiện tại.
Xuất hiện những những ngôi sao mới
Các công ty liên quan đến năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục tiến hành IPO vào nửa cuối năm 2023. Bởi nhóm này tin vào triển vọng của tiến trình giảm phát thải ở ASEAN.
Barito Renewables của Indonesia đã đạt được đợt IPO lớn nhất trong giai đoạn này. Dưới sự bảo trợ của tập đoàn Barito Pacific đứng đầu ở Indonesia, hãng con đã huy động được khoảng 200 triệu đô la bằng cách bán 3% số cổ phiếu đang lưu hành của mình. Barito Renewables vận hành ba nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất 890 MW trên đảo Java. Công ty cũng đã quyết định mua một trang trại gió trên đảo Sulawesi. Với công suất 75 MW, đây là một trong những nhà máy điện gió lớn nhất ở Indonesia.
Nhà đầu tư đặt nhiều hy vọng vào sự tăng trưởng của Barito Renewables, vì thế giá cổ phiếu tăng mạnh Vốn hóa thị trường của hãng con 130.000 tỉ rupiah (8,23 tỉ đô la) ngày niêm yết, nhưng tăng vọt năm lần lên 672.000 tỉ rupiah, lớn thứ ba trên sàn IDX tính đến hôm 29-1.
Các doanh nghiệp mảng tiêu dùng, giải trí cũng sẵn sàng huy động vốn trong bối cảnh chi tiêu tư nhân tăng sau dịch Covid.
Nusantara Sejahtera Raya, nhà điều hành rạp chiếu phim hàng đầu ở Indonesia, đã huy động được số vốn lớn thứ hai. Hiện đang điều hành hơn 200 rạp chiếu phim trên toàn quốc, Nusantara dự định dùng vốn huy động để tăng số lượng rạp chiếu lên 2.000 trong vòng vài năm.
Một số nhà phân tích dự báo rằng môi trường IPO ở ASEAN sẽ cải thiện vào năm 2024 sau khi các đợt tăng lãi suất trên toàn cầu hạ nhiệt, bởi lãi suất cao làm giảm giá cổ phiếu. PwC cho biết trong một báo cáo đầu năm nay rằng thị trường IPO ở Đông Nam Á sẽ “tăng trưởng và phục hồi” vào năm 2024, nếu “kinh tế vĩ mô tổng thể ổn định, đặc biệt là môi trường lãi suất”.