Thứ Ba, 15/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phân vân trước ngã ba ‘xanh trở lại’ và ‘xanh ngay từ đầu’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường đầy thách thức, với các áp lực của thị trường. Một là con đường phải xanh hóa dần hoặc tăng tốc độ xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Hai là phải tăng chi phí đầu tư ban đầu, định vị mình là KCN sinh thái (EIP) ngay từ đầu.

Thực hiện khu công nghiệp sinh thái càng sớm thì lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp càng cao.
Ảnh: H.P

Khách hàng xa gần đều khó tính

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị phần trong những năm qua ổn định theo tỷ lệ sau: Mỹ đứng đầu với khoảng 30%, EU 12-15% và Trung Quốc 10-15%. Hiện nay, bản đồ ESG của thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam “đang bị phân mảnh” và các thị trường xa hay đều bắt đầu khó tính như nhau - bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban IV - PSD Committee), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Khi nhiệm kỳ Trump 2.0 bắt đầu, Chính quyền liên bang đã hủy bỏ các chính sách ESG. Tuy nhiên, Giám đốc Ban IV nói tại hội thảo, một số bang của Mỹ vẫn tiếp tục lối đi riêng, nối bước xu hướng toàn cầu.

Tiểu bang Colorado ra luật buộc các tập đoàn có doanh thu từ 1 tỉ đô la mỗi năm phải công bố phát thải Phạm vi 1 và 2 từ năm 2028, và Phạm vi 3 từ năm 2029 - nghĩa là quy định này của Colorado sẽ gây “ảnh hưởng lên toàn bộ chuỗi cung ứng”. Riêng bang New York áp dụng các chính sách khí hậu và quy định về khí nhà kính tương tự như California, bao gồm tuân thủ nghiêm thời hạn báo cáo và phạt nặng nếu vi phạm.

Trong khi đó, EU vẫn kiên định với con đường phát triển bền vững đã vạch ra trước đây, song tinh gọn hơn và lùi thời hạn đến năm 2028-2029. Các quyết định quan trọng gồm điều chỉnh quy mô doanh nghiệp phải báo cáo, bỏ một số chuẩn ngành, giảm yêu cầu kiểm toán, và giãn chu kỳ đánh giá rủi ro ESG từ hàng năm thành mỗi năm năm. Bà Thủy cho rằng đây chính là “thời gian vàng” để doanh nghiệp Việt củng cố hệ thống ESG nội bộ, thay vì chỉ tuân thủ nhằm đối phó.

Còn Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh về phát thải carbon trước và trong năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060, tức chậm 10 năm so với các nước đi tiên phong. Tuy vậy, thị trường xuất khẩu lớn và gần nhất về khoảng cách địa lý của Việt Nam cũng “nhanh chóng có nhiều chuyển biến”.

Trung Quốc đã chính thức triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon quốc gia (China ETS) tháng 7-2021. Đây là hệ thống ETS lớn nhất thế giới giảm phát thải thông qua cơ chế thị trường. Tháng 3-2025, theo dữ liệu của Ban IV, Bộ Sinh thái - Môi trường Trung Quốc mở rộng kế hoạch giao dịch phát thải carbon (ETS) từ 40% lên 60% tổng phát thải quốc gia (gần 80 tỉ tấn CO2e) và áp dụng với các doanh nghiệp có mức phát thải từ 26.000 tấn CO2e mỗi năm.

Theo trang Compliance & Risks và Ethics & Compliance Switzerland, Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ bắt buộc doanh nghiệp công bố cơ bản thông tin bền vững từ năm 2027, công bố toàn bộ vào năm 2030. Ba sàn chứng khoán chính là Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh quy định các doanh nghiệp niêm yết thuộc diện bắt buộc phải nộp báo cáo bền vững đầu tiên cho năm tài chính 2025 trước ngày 30-4-2026.

Như vậy, thị trường mà hầu hết doanh nghiệp Việt thường xem là dễ tính từ trước đến nay đã bắt đầu “khó tính” tương đương Mỹ và EU.

Lợi ích đường dài

Vị giám đốc Ban IV nói hiện khoảng 40-50% các địa phương tại Việt Nam đang muốn chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành các KCN sinh thái, 8-10% địa phương muốn xây dựng các KCN sinh thái ngay từ đầu.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Vilandco, Ủy viên Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), cho rằng hiệu quả sử dụng tài nguyên và hạ tầng chung của KCN tại Việt Nam còn thấp bởi “thiếu nhiều thứ”. Có thể kể như thiếu chính sách hỗ trợ và khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp, sự liền mạch trong quản lý năng lượng và chất thải, kết nối giữa các KCN với đô thị và cộng đồng dân cư, cơ chế tài chính xanh.

Thành lập vào năm 1996, KCN Hiệp Phước đang chuyển mình thành KCN sinh thái. Ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, nói Hiệp Phước có hơn 31% diện tích dành cho hạ tầng, cao hơn nhiều so với các KCN khác. Các hạ tầng này bao gồm trạm xử lý nước thải, hệ thống giao thông, cấp thoát nước, trung tâm văn hóa và thể thao, nhà trẻ, trường nghề…

Theo trang hiepphuoc.com, Hiệp Phước đã được chọn để thực hiện thí điểm giai đoạn 1 (2020-2024) của dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu”. Các chương trình ở đây gồm tiết kiệm nước, điện và nhiên liệu hóa thạch… Báo cáo sơ kết cho thấy mức độ đáp ứng khung quốc tế về KCN sinh thái của Hiệp Phước tăng từ 44% trong năm 2020 lên 76% vào cuối năm 2023. Tỷ lệ này có tiềm năng đạt 88% trong những năm sau đó.

Nếu áp dụng các quy chuẩn xanh trong xây dựng, chi phí các dự án KCN xanh sẽ tăng ít nhất 10% so với thông thường. Tuy vậy, theo ông Trần Tấn Sỹ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KN Holdings, các KCN sinh thái sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành và kinh doanh khoảng 2-3% mỗi năm, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận trong lâu dài. Ông tin rằng đây là chiến lược dài hạn cho nhà đầu tư xây dựng KCN và các doanh nghiệp hoạt động ở đây.

Xét hiệu quả lâu dài, các diễn giả và đại diện các KCN tham dự hội thảo có cùng chung nhận định với ông Sỹ rằng “thực hiện KCN sinh thái càng sớm thì lợi thế cạnh tranh càng cao”.

Ông Nguyễn Công Minh Bảo từ hãng tư vấn Green Transition nói rằng động lực cho KCN sinh thái đang lớn dần với xu thế chuyển đổi xanh, các tỉnh thành sáp nhập đang cải thiện hiệu quả quản lý.

Nhưng đại diện Ban IV nói rào cản lớn là có đến 64% số doanh nghiệp Việt Nam nói “chưa chuẩn bị gì” cho quá trình chuyển đổi xanh. Hiện chỉ 3,7% số doanh nghiệp đã kiểm kê khí nhà kính và 6,9% đã xác định và công bố mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Không chỉ khoanh vùng trong khu công nghiệp

Việt Nam hiện có hơn 77 triệu xe máy và khoảng 7 triệu xe hơi, xe tải các loại. Chỉ riêng TPHCM hiện tại, số xe máy của thành phố có khoảng 7,4 triệu chiếc, chiếm khoảng 60-70% lượng phát thải. Lượng xe điện tại thành phố hiện dưới 10%.

TPHCM sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là siêu đô thị với diện tích tăng hơn 3 lần, đạt trên 6.700 ki lô mét vuông và trên 14 triệu dân. Sau sáp nhập, luồng giao thông sẽ tăng gấp bội.

“Chuyển dịch sang xe điện là giải pháp giao thông bền vững rõ rệt nhất của siêu đô thị này. Giảm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn sẽ cải thiện chất lượng sống của cư dân. Tuy vậy, mọi việc không dễ dàng”, theo Stefan Kaufmann, nhà sáng lập kiêm CEO của EBOOST. Đây là startup có trụ sở tại TPHCM, chuyên cung cấp giải pháp và mạng lưới trạm sạc thông minh cho xe điện tại Việt Nam.

Ông Kaufmann nói rằng KCN sinh thái sẽ là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông, bởi KCN sẽ kết nối với các khu dân cư thông qua các tuyến đường bộ. Và các trạm sạc sẽ xuất hiện ở các khu công cộng, bãi đậu xe của KCN hay nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xe máy, xe hơi, xe tải hay các phương tiện vận chuyển chạy bằng năng lượng tái tạo.

Ông Trần Việt Huy, CEO của Công ty TRASAS và là Trưởng ban Hải quan và tạo thuận lợi thương mại của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), tin rằng KCN sinh thái là chất xúc tác cho ngành logistics xanh của Việt Nam. Thị trường logistics Việt Nam hiện đạt giá trị 73 tỉ đô la trong năm 2022, chiếm 20% GDP.

Còn ông Lê Hoàng Anh, nhà sáng lập và CEO của Eco-Truck, tin rằng KCN xanh cung cấp hệ sinh thái lý tưởng cho các startup công nghệ như Eco-Truck. Startup này chuyên về dịch vụ vận tải cho doanh nghiệp (B2B). Đây cũng là nền tảng cung cấp các dịch vụ xăng dầu nhớt, lốp xe, bảo hiểm, thanh toán…

Năm 2021, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về diện tích cây xanh và công trình tại các KCN. Bộ quy định dành 10% tổng diện tích toàn khu cho cây xanh, không bao gồm diện tích cây trong các nhà máy. Đối với các lô đất xây dựng nhà máy, tỷ lệ tối thiểu trồng cây xanh là 20% diện tích. KCN sinh thái hay nhà máy hướng đến chứng chỉ xanh cần đạt tối thiểu 25% diện tích cho cây xanh. Ngoài ra, KCN cần có dải cây xanh bao quanh KCN với chiều rộng tối thiểu là 10 mét.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 1-2025, Việt Nam có khoảng 433 KCN với tổng diện tích hơn 132.000 héc ta. Dự kiến đến năm 2030, sẽ có thêm 221 KCN mới, bên cạnh đó là 76 KCN mở rộng và 22 KCN điều chỉnh quy hoạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới