Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phập phồng bảo hiểm du lịch mạo hiểm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phập phồng bảo hiểm du lịch mạo hiểm

Minh Duy

(SGTT) - Du lịch mạo hiểm ngày càng thu hút nhiều người tham gia nhưng dịch vụ bảo hiểm cho loại hình này hiện còn chưa hoàn thiện, chưa có quy định mức bảo hiểm cụ thể cho những người tham gia du lịch mạo hiểm.

Đi mạo hiểm, mua bảo hiểm loại thường

Hiện nay cơ quan chức năng chưa có quy định chi tiết về quản lý các loại hình du lịch mạo hiểm. Sau một số vụ tai nạn gây thương vong ở một số nơi như tỉnh Lâm Đồng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang soạn thảo thông tư quy định về loại hình này.

Trong khi chờ thông tư được thông qua, du lịch mạo hiểm đang được quản lý theo nội dung của chương III, Nghị định 168 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017. Cùng với việc xác định những loại hình du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, văn bản này cũng quy định những biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Tuy nhiên, quy định về bảo hiểm, một nội dung rất quan trọng với dịch vụ này lại không được nhắc đến một cách chi tiết.

Lâm Đồng cũng có quy định khá chặt chẽ về tổ chức du lịch mạo hiểm. Trong đó, yêu cầu đơn vị tổ chức phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn như trang thiết bị tổ chức, thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, có những hướng dẫn viên được đào tạo và cấp giấy chứng nhận để hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động thể thao du lịch mạo hiểm… nhưng cũng không quy định chi tiết về bảo hiểm.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp thị, một số cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp lữ hành, bảo hiểm cho biết, do không có quy định riêng nên trừ những khách hàng có yêu cầu đặc biệt, doanh nghiệp thường không mua bảo hiểm riêng cho du lịch mạo hiểm mà mua theo dạng bảo hiểm du lịch thông thường. Mức bồi thường như thế nào tùy vào mỗi công ty vì Luật Du lịch không giới hạn mức đền bù tối thiểu cho bảo hiểm du lịch. “Chúng tôi chỉ được quyền yêu cầu doanh nghiệp lữ hành mua bảo hiểm cho khách hàng chứ không được quyền yêu cầu mức thấp nhất là bao nhiêu vì luật không quy định điều này”, bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành nói.

Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm cho biết, với tour nước ngoài, ở những chặng ngắn, doanh nghiệp lữ hành thường mua bảo hiểm có mức chi trả cho tử vong và thương tật của du khách từ 10.000-20.000 đô la Mỹ, chặng dài khoảng 30.000 đô la Mỹ và các tuyến ở châu Âu cỡ 50.000 đô la Mỹ. Với tour trong nước, nhiều công ty chỉ mua bảo hiểm có mức chi trả từ 10-20 triệu đồng cho trường hợp tử vong. Bảo hiểm du lịch thường chỉ đền bù cho những trường hợp đi du lịch bị tai nạn, bệnh tật, thiên tai…, loại trừ những trò thể thao mạo hiểm. Doanh nghiệp lữ hành không mua thêm loại bảo hiểm này vì cho rằng đây là trách nhiệm của nơi tổ chức các môn thể thao đó.

Thực tế trên thị trường chỉ có vài đơn vị như Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist công bố mức bảo hiểm tối đa cho tour đi nước ngoài từ 1-2,4 tỉ đồng/người/vụ và bảo hiểm nội địa tối đa 150 triệu đồng/người/vụ. Tuy nhiên, gần như các công ty đều loại trừ những loại hình du lịch mạo hiểm.

Nên hỏi về bảo hiểm trước khi tham gia trò chơi

Theo các doanh nghiệp, do quy định về bảo hiểm cho du lịch mạo hiểm chưa chặt chẽ nên du khách cần có thói quen kiểm tra bảo hiểm trước khi tham gia các trò chơi có thể gây ảnh hưởng đến an toàn cho bản thân.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Vietnam, chuyên về các tour đội nhóm, cho biết không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước, có đơn vị tổ chức các môn thể thao mạo hiểm yêu cầu người chơi phải ký xác nhận miễn trừ trách nhiệm cho nhà điều hành và tự chịu trách nhiệm với những rủi ro có thể xảy ra. Vì thế, khách du lịch nên tìm hiểu, đọc kỹ tất cả các quy định để trách rắc rối sau này. Thêm vào đó, khi tham gia những môn này, người chơi phải tuân thủ tất cả những quy định, hướng dẫn của nhà điều hành dịch vụ, nếu không thì dù có bảo hiểm cũng chưa chắc được đền bù.

Vị doanh nhân kinh doanh bảo hiểm vừa kể trên cũng có nhận định tương tự. Theo ông, do bảo hiểm du lịch thường chỉ bao gồm bảo hiểm y tế, tai nạn, thiên tai, dịch bệnh và một vài sự cố khác nên du khách cần cân nhắc trước khi chơi các trò này. “Nếu môn đó không nằm trong chương trình tour hay không được bảo hiểm du lịch chịu trách nhiệm thì người chơi nên hỏi nhà cung cấp dịch vụ tại chỗ về điều khoản bảo hiểm trước khi tham gia vì lỡ có sự cố thì tổn thất sẽ rất lớn”, ông nói.

Cũng theo ông, hiện nay trên thị trường Việt Nam cũng có ít công ty bán bảo hiểm cho những trò chơi thể thao - du lịch loại này. “Dịch vụ bảo hiểm dành cho các môn thể thao mạo hiểm thường bán riêng lẻ và nhiều công ty bảo hiểm, trong đó có chúng tôi ít tham gia vì thị trường nhỏ, mức rủi ro lại cao”, ông nói.

Nghị định 168 năm 2017 của Chính phủ quy định những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch là bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát, đi trên dây, leo núi, vách đá, đu dây vượt thác; lặn dưới nước, chèo thuyền vượt ghềnh thác, đi mô tô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới