Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Pháp trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ 8 của Việt Nam

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày 7-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hai lãnh đạo thông qua tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Trước đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Úc. Với quyết định này, Pháp là nước thứ 8 trên thế giới và là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập mức quan hệ này với Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, theo tuyên bố, hai bên đề cập đến việc làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế, tăng khả năng hợp tác quốc phòng và an ninh, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo, hợp tác vì phát triển bền vững, tự cường và tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Trong đó, bàn về hợp tác thương mại và đầu tư, hai lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, bao gồm tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Về đầu tư, Việt Nam - Pháp cùng thúc đẩy các dự án của hai bên tại mỗi nước, nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán được. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Việt Nam mong muốn Pháp sớm thông qua EVIPA.

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Pháp và các công ty của nước này trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị và đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics và cáp ngầm dưới biển. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân dân dụng. Hai lãnh đạo cam kết thúc đẩy và mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh, đồng thời, mong muốn mở rộng hợp tác sang lĩnh vực khoáng sản thiết yếu.

Trước các thách thức do biến đổi khí hậu, hai bên tái khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra trong thỏa thuận Paris 2015, cam kết hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời xây dựng được một mô hình kinh tế phát thải thấp, đặc biệt là thông qua khuôn khổ quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Bên cạnh đó, hai nước cùng thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên. Việt Nam - Pháp mong muốn tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác, tham vấn cũng như các hoạt động đào tạo, theo các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới