Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phạt nặng cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phạt nặng cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Uyên Viễn

Phạt nặng cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
Trong thời gian tới các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị công khai danh tánh trên các phương tiện truyền thông để người dân biết không ủng hộ. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) - Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng nhận diện, không mua sản phẩm, thậm chí là bị đóng cửa vĩnh viễn.

Thông tin nêu trên là tinh thần chung của cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014, diễn ra ngày 2-1, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh thành trên cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong tháng cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra và kết thúc vào ngày 25-2 tới, các cơ quan liên ngành cần tập trung kiểm soát các cơ sở từng bị thanh tra, kiểm tra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, bị đánh giá xếp hạng C vi phạm nhiều lần xem họ có tuân thủ quy định hay không. Nếu thấy cần thiết thì kiểm tra chất lượng từng mẫu hàng hóa, trong trường hợp cơ sở nào tiếp tục bị vi phạm thì đóng cửa cấm hoạt động sản xuất.

Ông Phát đề nghị trong những ngày trước và sau Tết Giáp Ngọ đoàn thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm liên ngành nên có cuộc tổng rà soát các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc. Công việc kiểm tra cần xác định có trọng tâm, trọng điểm, không làm theo ngẫu hứng. Việc kiểm tra, xét nghiệm các mẫu động thực vật, gia súc, gia cầm nên tiến hành từ đồng ruộng cho đến bàn ăn, từ trang trại cho đến cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, quán ăn….

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 25-2-2014, các đoàn liên ngành trung ương và địa phương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm với mục tiêu là kiểm tra được ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tập trung vào ba nhóm: thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả…); nhóm rượu, nước giải khát, bánh kẹo; nhóm phụ gia thực phẩm.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:, năm 2013, công tác thanh tra, kiểm tra đã xử lý phạt tiền 8.010 cơ sở (tăng 2,6% so với năm 2012 là 7.805 cơ sở, đình chỉ hoạt động 14 cơ sở, đình chỉ quảng cáo hai cơ sở, với tổng số tiền đóng phạt trên 17,8 tỉ đồng (tăng 4,7 tỉ đồng so với năm 2012).

Ngoài ra, các cơ quan chức năng ở TPHCM đã tiêu hủy 270,5 tấn thực phẩm các loại, 347 hộp thực phẩm chức năng, 2.922 con gia cầm, 87.852 trứng gia cầm và 160 nhãn sản phẩm sai so với quy định.

Sở Công Thương TPHCM đã chủ trì và triển khai dự án "Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn.

Ý kiến của lãnh đạo một số địa phương phát biểu tại hội nghị trực tuyến như Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ v.v... đều cho rằng nhiều cơ sở chưa chấp hành triệt để các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cụ thể là việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Các địa phương cũng đưa ra kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo ba Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP.

Về phía Bộ Y tế, các địa phương cũng kiến nghị sớm ban hành thông tư hướng dẫn về việc cấp và thu hồi giấy đủ điều kiện an toàn thực  phẩm đối với dịch vụ ăn uống.

Từ những phản ánh của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc sử dụng chất phụ gia, hóa chất trong thực phẩm như giò chả, bánh kẹo, miến, tương ớt, rượu... vượt mức độ cho phép ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là khả năng vi phạm tăng cao trong dịp tết sắp đến.

Bộ trưởng Y tế cũng gợi ý rằng, ngoài mức xử phạt lâu nay, đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm an toàn, vệ sinh thực phẩm nên tăng số tiền đóng phạt gấp bảy lần so với mức đang áp dụng, đồng thời còn công khai danh tánh các đơn vị vi phạm  trên các phương tiện truyền thông để người dân nhận biết, không mua sản phẩm, tiến tới là đóng cửa hoạt động sản xuất vĩnh viễn.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề xuất toàn xã hội cần lên án các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm, nhiễm độc, phụ gia vượt mức cho phép trong các loại thực phẩm là tội ác chứ không chỉ là vi phạm hành chính.

"Loại tội ác trong vệ sinh thực phẩm dứt khoát phải bị xử lý nghiêm trong thời gian tới", ông Phát nói.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong cuối năm 2013 đã đình chỉ nhập khẩu tất các trang thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, hạt giống cây trồng, vật nuôi có khả năng gây hại cho toàn xã hội.

Kết luận tại hội nghị giao ban trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên tất cả các kênh truyền thông về việc giáo dục các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nếu vi phạm sẽ bị xử lý thật nghiêm.

"Các doanh nghiệp lớn vi phạm vệ sinh thực phẩm bị xử lý là điều tất nhiên. Còn bà con nông dân trong quá trình sản xuất có thể chưa ý thức hết hành vi đang lạm dụng quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật vào rau củ quả, chất phụ gia vào thực phẩm, thức uống thì cần được giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để thay đổi nhận thức một cách sâu sắc. Trong thời gian tới, bất cứ đơn vị nào vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được truyền thông danh tính ra toàn xã hội để người dân biết rõ và không ủng hộ. Một khi họ không bán được hàng hóa thì trước sau gì cũng phải đóng cửa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về việc triển khai tháng hàng động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc trước và sau tết Giáp Ngọ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết, trong năm 2013 cả nước xảy ra 163 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.348 người mắc và 28 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngộ độc do rượu làm 14 người tử vong.

Ước tính trung bình mức tiêu thụ bia rượu của người dân trong nước đáng báo động: 5 lít rượu và 20 lít bia/người/năm.

Tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm giảm từ 21,2% (năm 2012) xuống 20,1% (năm 2013). Số mẫu kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8% (năm 2013).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới