Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển bất động sản công nghiệp có nguy cơ dư nguồn cung

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tính đến hết năm 2022 cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Từ đầu năm đến giờ liên tục có các khu công nghiệp mới được phép đầu tư. Các chuyên gia nhận định trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh hiện tượng dư cung ở một số thị trường, nơi mà điều kiện chưa đủ lý tưởng để thu hút các doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất.

Một khu công nghiệp tại phía Bắc. Ảnh minh họa: DeepC

Ngày càng nhiều khu công nghiệp ra đời

Giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án khu công nghiệp Hữu Lũng này, có quy mô khoảng 600 héc ta với tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng.

Còn đầu tháng 4, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bình Xuyên II, tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Fuchuan. Dự án này có quy mô sử dụng đất hơn 63 héc ta với tổng vốn đầu tư hơn 810 tỉ đồng.

Cũng đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh Long An đã được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 30 héc ta đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú.

Trong tháng 3, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 2, tỉnh Hà Nam, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến. Quy mô sử dụng đất của dự án là 100 héc ta, tổng vốn đầu tư gần 977 tỉ đồng.

Còn trong tháng 2, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1), tỉnh Nghệ An với quy mô sử dụng đất là 500 héc ta.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết năm 2022 cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Trong đó có 397 khu công nghiệp đã được thành lập và 292 khu đã đi vào hoạt động, còn lại đang trong quá trình xây dựng. Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An và Bắc Ninh là 5 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam khoảng 85%. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn.

Trong đó, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Bình Dương cũng là tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước với tổng diện tích 12.721 héc ta từ 31 khu công nghiệp, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam; 13% diện tích khu công nghiệp Việt Nam.

Đồng Nai là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước, với 31 khu, tỷ lệ lấp đầy khoảng 84%. Bắc Ninh là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất miền Bắc với 15 khu. Hải Phòng là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp lớn nhất khu vực phía Bắc với 14 khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã được xây dựng và hình thành. Hưng Yên là tỉnh có quỹ đất dự kiến cho phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước.

Có nguy cơ dư nguồn cung

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-4-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỉ đô la Mỹ, bằng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu vốn, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% về số dự án nhưng giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định về con số trên khi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Công ty bất động sản Savills tại Hà Nội, cho rằng sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại hậu Covid-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh tác động kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều biến động.

Góp ý để Việt Nam có thể tiếp tục thu hút và nâng cao nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp, ông Thomas Rooney nhận định, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng làm tăng giá trị khi xem xét sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Trong tương quan với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã chi khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng (5,8% tổng GDP), tuy nhiên các dự án về đường cao tốc, cảng nước sâu và cảng dịch vụ cần được cải thiện thêm.

Theo ông Thomas Rooney, các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm gần đây đã đi vào hoạt động đã cải thiện khả năng kết nối liên tỉnh. Một số dự án hạ tầng đáng chú ý tại phía Bắc bao gồm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và dự án vành đai 4, cao tốc Bắc – Nam. Nhưng về cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam, mạng lưới giao thông đang rất cần ưu tiên cải thiện, đặc biệt là đường bộ.

Vào đầu tháng 1 vừa qua, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đã được khởi công đồng loạt với tổng chiều dài 729 km, đi qua 15 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 147 ngàn tỉ đồng. Ông Thomas Rooney kỳ vọng dự án sẽ tạo động lực phát triển quan trọng, kết nối các tỉnh và mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty bất động sản Savills Việt Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng trưởng và phát triển. Nhưng nếu các địa phương không có sự cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới các dự án, khủng hoảng thừa có thể xảy ra.

Còn trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở, công ty Frasers Property Việt Nam, cho biết trong 5 năm trở lại đây, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam trung bình tăng 20-30%/năm. Dự báo 5 năm tới, nguồn cung sẽ tăng nhiều ở thị trường miền Bắc. Do đó, ông Dương nhận định trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh hiện tượng dư cung ở một số thị trường, nơi mà điều kiện chưa đủ lý tưởng để thu hút các nhà sản xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới