Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển cụm công nghiệp gắn với yếu tố bảo vệ môi trường

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có 748 cụm công nghiệp. Theo đó, các cơ chế, chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp sẽ coi trọng yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.  

Các doanh nghiệp tận dụng ưu thế của từng địa phương để đầu tư, phát triển thành cụm công nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Ảnh: TL

Tại Hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp, Baochinhphu.vn dẫn lời ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương, cho biết đến nay có 42 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp tận dụng ưu thế của từng địa phương, ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất.

Trong đó, có 13 địa phương ban hành chương trình, nghị quyết hỗ trợ riêng đối với cụm công nghiệp giai đoạn đến năm 2025. Một số địa phương tiêu biểu là Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Tháp và Bến Tre.

Các cơ chế, chính sách quản lý phát triển cụm công nghiệp sẽ coi trọng yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp của các địa phương chủ yếu tập trung vào các nội dung, hạng mục hạ tầng thiết yếu. Điều này góp phần phát triển sản xuất công nghiệp như quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, giao thông, xử lý nước thải tập trung, cấp điện, cấp thoát nước, di dời vào cụm công nghiệp.

Hiện, có 3 mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trong đó, có 508 cụm công nghiệp thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, 481 cụm công nghiệp thành lập do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư và 30 cụm công nghiệp đã thành lập do UBND cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư.

Mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư là mô hình phát huy hiệu quả cao nhất, phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Ngoài ra, với mô hình này, chủ đầu tư chủ động triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng, hoàn thành, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, giá cho thuê mặt bằng các cụm công nghiệp này thường cao, chỉ thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp có vị trí quy hoạch thuận lợi về giao thông, kết nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài, gần nguồn lao động.

Đại diện Cục Công Thương cũng cho biết thêm, đối với các mô hình chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn lại (đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp huyện, cấp xã) có sự thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình này được đánh giá phù hợp để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp có tiềm lực tài chính hạn chế đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có 748 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 23.950 ha đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp trên cả nước đã thu hút được khoảng 13.000 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký 315.650 tỉ đồng.

Theo Báo Chính phủ, Bộ Công Thương

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới