(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam định hướng phát triển một trung tâm tài chính quốc tế hoạt động tại hai thành phố là Đà Nẵng và TPHCM.
- Phần cứng – phần mềm của trung tâm tài chính quốc tế
- TS. Lê Đạt Chí: Thời cơ hiếm có của Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM

Sáng nay (20-5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để tham vấn hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, baochinhphu.vn đưa tin.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là một chủ trương chiến lược được Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu.
Trên cơ sở chỉ đạo này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 259/NQ-CP về kế hoạch hành động, và giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội làm khung pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế.
Điểm nổi bật tại hội nghị là định hướng phát triển một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại hai địa điểm, TPHCM và Đà Nẵng. Theo các chuyên gia, đây là mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trong đó, TPHCM đóng vai trò trung tâm tài chính truyền thống với hệ thống ngân hàng, chứng khoán, đầu tư phát triển mạnh mẽ còn Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng hiện đại, nhân lực chất lượng cao và khả năng kết nối vùng tốt.
Ông Richard McClellan, Đại sứ toàn cầu của Terne Holding, người có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn cho Việt Nam, cho rằng nên nhìn nhận trung tâm tài chính không phải như một khu vực địa lý riêng lẻ mà là một hệ thống thống nhất vận hành đa điểm.
Trong mô hình đó, TPHCM và Đà Nẵng không cạnh tranh mà bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một trung tâm có khả năng kết nối quốc tế mạnh mẽ và thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai mô hình một trung tâm, hai địa điểm, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác tối đa tiềm năng riêng biệt của từng địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết thành phố đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái tài chính cũng như nguồn nhân lực để sẵn sàng cho vận hành trung tâm tài chính quốc tế.
Theo ông, dù đây là lĩnh vực mới, đầy thách thức, song thành phố cam kết đồng hành cùng Chính phủ thực hiện chủ trương này với quyết tâm cao nhất.
Tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết địa phương đang tập trung hoàn thiện hạ tầng cứng – mềm, rà soát chính sách ưu đãi và xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực chuyên sâu phục vụ trung tâm tài chính trong tương lai.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, mô hình “một trung tâm - hai địa điểm” sẽ giúp tối ưu hóa lợi thế vùng, tạo cơ sở để Việt Nam vươn lên thành mắt xích quan trọng trong chuỗi tài chính toàn cầu.
Chính phủ cam kết sẽ xây dựng hành lang pháp lý đột phá, minh bạch và cởi mở với các chính sách đặc thù, vượt trội để thu hút nhà đầu tư.
Các ưu đãi sẽ tập trung vào lĩnh vực thuế, xuất nhập cảnh, hạ tầng và lao động… Đồng thời, quá trình xây dựng cơ chế, chính sách sẽ tiếp thu linh hoạt luật pháp quốc tế nhưng có chọn lọc, phù hợp với điều kiện và năng lực quản trị của Việt Nam.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được góp ý từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước để hoàn thiện văn bản quan trọng này.
Theo Phó Thủ tướng, nếu tận dụng được thời điểm vàng, trung tâm tài chính quốc tế sẽ là "cú hích lớn" cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng hình ảnh một Việt Nam hội nhập, hiện đại, hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.