Thứ ba, 8/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển ngành lúa gạo: ôm trọn gói hay nên phân vai?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thực tế cho thấy khi doanh nghiệp ngành lúa gạo tham gia từ A đến Z từ xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu đều không thành công. Vậy, doanh nghiệp ngành hàng này nên làm trọn gói hay phân vai theo chuyên môn sâu?

Mô hình cánh đồng lớn/cánh đồng mẫu lớn là bài học thất bại của chuỗi liên kết. Ảnh: Trung Chánh

Bộ Công Thương có văn bản 1673/BCT- XNK về triển khai công điện số 21/CĐ-TTg nhằm sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2025/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, nội dung được gợi ý bổ sung là tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu gạo theo hướng “ưu tiên, ưu đãi với đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, có hệ thống kho chứa, logistics đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng thương lái ép giá nông dân”.

Nội dung nêu trên có thể hiểu hướng gợi mở (tiêu chí, điều kiện) cơ chế, chính sách sẽ tập trung ưu tiên đối với những đơn vị/doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết của ngành hàng lúa gạo.

Câu hỏi được đặt ra, đó là cơ chế, chính sách ưu đãi nào để mục tiêu doanh nghiệp xuất khẩu gạo “ôm trọn" các khâu, tức từ tổ chức liên kết sản xuất, thu mua, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu thành công?

Cánh đồng mẫu lớn là một bài học!

Dĩ nhiên, cơ chế chính sách nào (nếu có) sẽ được ban hành để áp dụng trên thực tế, thì cần thời gian để biết chính xác. Thế nhưng, khi nhìn lại lịch sử của ngành hàng lúa gạo, các mô hình liên kết, trong đó, điển hình là “cánh đồng mẫu lớn” được khởi động cách đây 14-15 năm đều rơi vào cảnh thất bại hoặc chỉ trụ được ở quy mô nhỏ do số ít doanh nghiệp khai thác thị trường ngách thực hiện.

Sau phát động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vào năm 2011 ở thành phố Cần Thơ, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã từng rầm rộ được triển khai. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị dẫn đầu của mô hình ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúc bấy giờ.

Thậm chí, mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa ở ĐBSCL từng được ngành nông nghiệp chủ trương thí điểm mở rộng trên cả nước và không chỉ dừng lại ở cây lúa, tức mở rộng trên nhiều loại cây trồng khác, từ năm 2012.

Riêng với cây lúa, mô hình có thời điểm phát triển đến con số khoảng 200.000 héc ta vào năm 2015. Tuy nhiên, sau một vài năm triển khai, đã xảy ra rất nhiều vấn đề, bao gồm xung đột lợi ích giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết trong định giá mua bán lúa, thời điểm thu hoạch; doanh nghiệp mở rộng đầu tư nhà máy xay xát, kho chứa cũng như bộ máy nhân lực phình to, dẫn đến xảy ra những bất ổn tài chính.

Hệ quả là cánh đồng mẫu lớn ngày càng teo tóp khi giảm xuống còn 170.000, rồi 160.000 héc ta ở những năm sau đó. Hiện tại, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã không còn được nhắc đến nhiều hoặc chỉ tồn ở quy mô nhỏ.

Năm 2020, sau khi KTSG Online đăng tải bài viết “Mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL ngày một… lụi tàn”, Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát thực trạng được phản ánh và tìm cách thúc đẩy sản xuất lúa gạo sao cho bền vững, hiệu quả.

Việc định hình hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo đến thời điểm hiện tại vẫn tiếp tục tìm giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Thế nhưng, những đại gia dẫn đầu tham gia chuỗi liên kết một thời đều bị trục trặc về vấn đề tài chính, trong đó, điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời dính ồn ào nợ hàng trăm tỉ đồng tiền mua lúa của nông dân tham gia liên kết với công ty trong vụ đông xuân 2023-2024, tức cách đây khoảng một năm.

Trong khi doanh nghiệp liên kết chuỗi sản xuất gặp rủi ro về tài chính, thì nhóm doanh nghiệp tốp đầu về xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 80-90% khối lượng bán ra hàng năm, lại đứng ngoài cuộc chơi liên kết.

Theo đó, những cái tên xuất hiện trong tốp dẫn đầu bảng thống kê xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam năm 2024, bao gồm Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín với 963.500 tấn gạo được bán ra; Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) hơn 904.700 tấn; Công ty cổ phần lương thực Mekong hơn 854.600 tấn; Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) 403.200 tấn; Công ty cổ phần Quốc Tế Gia gần 392.500 tấn; Công ty TNHH Lương thực Phương Đông 323.400 tấn…

Doanh nghiệp liên kết thì gặp rủi ro, doanh nghiệp xuất khẩu tốp đầu thì đứng ngoài cuộc chơi. Vậy, ngành hàng lúa gạo tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tham gia liên kết hay tập trung vào chuyên môn sở trường, tức cần phân chia từng công đoạn theo hướng chuyên môn hoá thay vì một đơn vị “ôm” từ A đến Z?

Nên phân chia từng khâu theo hướng chuyên môn hoá để tận dụng nguồn lực xã hội. Trong ảnh là lúa từ đồng đưa xuống ghe vận chuyển đến nơi sấy. Ảnh: Trung Chánh

Chuyên môn hoá từng khâu để tận dụng nguồn lực xã hội

Áp lực tài chính lớn, trong khi mức độ chuyên môn hoá ở khâu tổ chức liên kết sản xuất, vận chuyển, chế biến đối với doanh nghiệp chuyên xuất khẩu không cao hoặc đòi hỏi phải bỏ ra nguồn lực lớn để tổ chức, hoàn thiện là một trong những lý do khiến doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chọn đứng ngoài cuộc chơi, tức chỉ tập trung vào lĩnh vực am hiểu và có chuyên môn cao để tránh rủi ro.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV, thừa nhận bản thân doanh nghiệp cũng “bị gãy” khi triển khai tổ chức liên kết sản xuất, bởi áp lực tài chính để thực hiện rất lớn.

Qua hơn 30 năm tham gia ngành lương thực, bài học được doanh nhân này rút ra, đó là thay vì làm từ A đến Z, chỉ nên tập trung vào khâu có chuyên môn cao, tức doanh nghiệp sản xuất chỉ nên tập trung sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu lo chuyện xuất khẩu, trong khi công đoạn vận chuyển, phơi sấy…, có lực lượng riêng đảm nhận mới giúp ngành lúa gạo phát triển tốt hơn.

Gom tất cả về một đơn vị rất dễ đổ vỡ. Bởi lẽ, thứ nhất, chất lượng có thể không đảm bảo vì doanh nghiệp xuất khẩu không có kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất; thứ hai, tham gia vào khâu không phải là thế mạnh, có thể gặp khó vấn đề kỹ thuật; thứ ba, nếu đáp ứng đủ các khâu đồng nghĩa phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, tức chịu gánh nặng tài chính rất lớn.

Có một điều phải thừa nhận, đó là đội ngũ của doanh nghiệp chưa chắc mạnh bằng thương lái, bởi thương lái “lấy công làm lời” nên phải tiết giảm tối đa chi phí, trong khi cán bộ đồng ruộng của doanh nghiệp làm công ăn lương nên có thể không hiệu quả bằng.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, cho rằng liên kết và chuỗi giá trị không giải quyết được về mặt thị trường và điểm nghẽn logistics do quy mô quá lớn của cả vùng ĐBSCL đến 1,5 triệu héc ta/vụ.

Rõ ràng, cả xã hội hiện đã huy động tất cả hệ thống ghe/sà lan, lò sấy, nhân lực để len lỏi vào các cánh đồng, thậm chí công ty cũng vào cuộc nhưng vẫn không giải quyết được áp lực nguồn cung trong thời gian ngắn của 1,5 triệu héc ta. Điều này, là lý do dẫn đến chuyện “rộ đồng- rớt giá”, nhất là khi nhu cầu thị trường xuất khẩu sụt giảm như thực tế đang diễn ra.

Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Việt Anh thừa nhận chỉ giỏi kinh doanh xuất khẩu, chứ không thể am hiểu sâu sắc các khâu trước đó, tức rất dễ bị loại khỏi thị trường nếu "ôm" thêm.

Để tối ưu hoá sự phát triển của ngành gạo, thay vì doanh nghiệp xuất khẩu phải "ôm trọn" từ tổ chức sản xuất, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu, thì nên chuyên biệt từng khâu. Điều này có nghĩa, người giỏi sản xuất tập trung sản xuất, người có thế mạnh vận chuyển thì lo vận chuyển, trong khi người giỏi sấy, xay xát và mua bán, thì tập trung vào phần chuyên môn riêng.

Rõ ràng, được tập trung vào thế mạnh luôn mang lại hiệu quả cao hơn. Khi đó, từng khâu nếu được hỗ trợ thêm từ cơ chế, chính sách để nâng cấp lên, thì vừa tận dụng được nguồn lực hiện có của xã hội, vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, giúp thúc đẩy ngành gạo phát triển tốt hơn thời gian tới.

Dĩ nhiên, đối với những đơn vị có khả năng phát triển chuỗi liên kết sản xuất ở quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, thì cũng nên có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển, góp phần thúc đẩy vào kết quả chung của ngành lúa gạo Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới