Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển sản phẩm OCOP: Tiềm năng thôi là chưa đủ!

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ở Đà Nẵng và miền Trung, chương trình OCOP (One Commune One Product – Mỗi địa phương một sản phẩm) giúp phát triển, bảo tồn các sản phẩm đặc trưng và mang lại giá trị kinh tế, văn hóa cho khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, để chương trình OCOP trở thành hạt nhân trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, sản lượng lớn và có giá trị gia tăng cao, cần có sự chuyển biến và đổi mới trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo thông tin của Sở Công Thương Đà Nẵng, chương trình OCOP tại Đà Nẵng và miền Trung đã được triển khai từ năm 2019 với hơn 49 sản phẩm địa phương được lựa chọn. Tại đây, chương trình chủ yếu phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền như bánh ít lá gai, mứt bưởi, nấm rơm, mắm tép, nấm rơm,… Trong 4 năm qua, chương trình cho thấy tiềm năng trong quảng bá đặc sản tại khu vực Đà Nẵng, miền Trung và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Quảng bá sản phẩm OCOP của Quảng Nam tại Đà Nẵng. Ảnh: Tấn Châu

Tiềm năng sản phẩm OCOP

Nếu như đi đúng định hướng, sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng và miền Trung hoàn toàn có tiềm năng phát triển lớn. Hơn thế nữa, các đặc sản này có thể trở thành sản phẩm địa phương nổi tiếng trên toàn quốc và thế giới.

Đầu tiên là lợi thế về địa lý và nền văn hóa vùng miền đặc trưng. Đây là khu vực có nhiều sản phẩm địa phương độc đáo, được sản xuất từ thiên nhiên như tỏi, hành, sả, ớt, nếp, lúa, tép,… Những sản phẩm này không chỉ có giá trị kinh tế mà còn gắn liền với văn hóa, phong tục của người dân nơi đây. Sự bổ dưỡng của sản phẩm thiên nhiên và mỗi câu chuyện được truyền tải phía sau luôn tạo nên sức hút đặc biệt với khách du lịch.

Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung luôn đem lại trải nghiệm du lịch mới lạ với khách phương xa nhờ khung cảnh mộc mạc hữu tình và gần gũi thiên nhiên. Việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng và trải nghiệm cho du khách. Các sản phẩm địa phương độc đáo sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách và đem lại doanh thu cho các doanh nghiệp và người dân địa phương.

Gần đây nhất là sự kiện “Quảng bá sản phẩm OCOP Đà Nẵng 2023” tại Công viên APEC cuối tháng 4 vừa qua tại Đà Nẵng. Chương trình do Sở Công thương Đà Nẵng tổ chức với quy mô hơn 40 gian hàng của 45 cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, lưu niệm,…

Ông Trần Văn Ẩn, chủ cơ sở bún khô Phước Hòa, chia sẻ: “Mỗi ngày gia đình tôi làm ra được 150kg mỳ khô. Nhờ các chương trình quảng bá OCOP của Nhà nước mà khách du lịch được trải nghiệm ẩm thực vùng miền và vẫn đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.”

Tham gia một gian hàng trong hội chợ OCOP tổ chức tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Thùy thuộc cơ sở Kyodo Foods, đơn vị kinh doanh gà ủ muối, cho hay hội chợ vừa qua là cơ hội giúp doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm, người tiêu dùng cũng có cơ hội được tiếp cận và tin dùng sản phẩm Việt Nam chất lượng.

Chị Thùy hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều chương trình cũng như sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để hàng OCOP Việt được phát triển và vươn xa hơn ra thị trường thế giới.

Theo ghi nhận, nhiều người dân khi tham gia hội chợ có thể mua được rất nhiều đặc sản có chất lượng tốt và giá cả hợp lý về làm quà như các loại hạt ngũ cốc, chả mực và mắm cá cơm,…

Những khó khăn đi kèm

Tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP là có thật. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng. Để đưa những sản phẩm đặc trưng địa phương đến với thị trường trong nước và quốc tế bền vững, cần thực hiện nhiều giải pháp. Ảnh: Webiste Sở Công thương Đà Nẵng

Nhiều doanh nghiệp địa phương chưa có kinh nghiệm quản lý và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, thiếu kinh nghiệm trong marketing và tiếp cận thị trường. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quảng bá và phát triển sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng và miền Trung còn phải cạnh tranh với các sản phẩm địa phương khác và sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế mở rộng và thị trường cạnh tranh khắc nghiệt.

Ngoài ra, sự tiến bộ của khoa học công nghệ và thói quen tiêu dùng người dân đang dần thay đổi. Điều này buộc các doanh nghiệp địa phương phải liên tục cập nhật và thích nghi. Điển hình như kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đang trở thành kênh bán hàng mới, hiệu quả và đang là xu hướng bán hàng chủ đạo. Các doanh nghiệp cần có các phương án quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử để sản phẩm được nhiều người biết tới và sử dụng.

Bên cạnh các yếu tố chủ quan thì yếu tố khách quan cũng là vấn đề cần được quan tâm và chú trọng. Miền Trung thường xuyên chịu các ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt và các yếu tố thiên nhiên. Điều này tác động nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và doanh thu của các doanh nghiệp.

Giải pháp cho những mục tiêu dài hạn

Để hỗ trợ các cơ sở OCOP tháo gỡ những khó khăn, chính quyền Đà Nẵng đã có những phương án đồng hành và hỗ trợ sát sao về nhiều mặt. Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Sở Khoa học và Công Nghệ hỗ trợ các cơ sở OCOP về phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng, đăng ký mã vạch, tem nhãn và các nội dung liên quan đến chương trình OCOP thuộc quản lý của ngành khoa học công nghệ.

Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp OCOP để triển khai các khu du lịch sinh thái và điểm du lịch để quảng bá giá trị văn hóa và các sản phẩm đặc thù gắn với sản phẩm OCOP. Ngoài ra còn có sự phối hợp của Sở Y Tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông,… Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm OCOP, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương và góp phần phát triển kinh tế trong khu vực.

Các doanh nghiệp làm sản phẩm OCOP kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động thông tin thương mại và quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác. Ảnh: Tấn Châu

Trả lời báo chí, ông Hường Văn Minh, Phó Giám Đốc Sở Công thương Quảng N,m cho biết sắp tới tỉnh sẽ có thêm nhiều hoạt động thông tin thương mại và quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác cho các sản phẩm làng nghề,… Mục đích là để mở rộng mạng lưới phân phối và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Chương trình gần nhất là ngày Hội sản phẩm Quảng Nam do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đã chính thức khai mạc vào ngày 11-5 vừa qua tại Khuôn viên Bờ Đông Cầu Rồng thành phố Đà Nẵng.

Theo những người trong cuộc, cùng với sự hỗ trợ toàn diện từ phía Chính Phủ, các tổ chức liên quan và sự nổ lực không ngừng của doanh nghiệp, những khó khăn này hoàn toàn có thể khắc phục để phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng và Miền Trung một cách bền vững và hiệu quả. Tin rằng việc phát triển sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng và Miền Trung trong tương lai sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho các địa phương và người dân địa phương, góp phần vào sự lớn mạnh của nền kinh tế nước nhà.

Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có 40 sản phẩm OCOP được công nhận và đạt chuẩn 4 sao như bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, tré ông Chánh, chả cá thu chiên của Công ty TNHH Bắc Đẩu,... Tại Quảng Nam, sản phẩm hạt điều rang muối được cấp giấy chứng nhận OCOP và xuất khẩu sang các nước Tây Âu. Sản phẩm OCOP tại Quảng Ngãi là bánh ít lá gai cũng được đánh giá chất lượng cao và rất được yêu thích trên thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới