Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phạt vi phạm hợp đồng thương mại – thực tiễn giải quyết tranh chấp

Võ Quốc An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phạt vi phạm là một biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thường được các bên thỏa thuận áp dụng, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Bài viết này xin làm rõ vài khía cạnh pháp lý quan trọng của thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại thông qua thực tiễn giải quyết tranh chấp tại tòa án và trọng tài.

Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và các luật chuyên ngành đều có quy định về biện pháp phạt vi phạm hợp đồng, tuy nhiên, một số khía cạnh pháp lý của thỏa thuận phạt vi phạm chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau khi xảy ra tranh chấp.

Tiền phạt vi phạm xác định theo lãi suất

  • Nhận diện thỏa thuận

Trong nhiều hợp đồng, các bên thỏa thuận tiền phạt vi phạm được xác định theo một mức lãi suất nhất định, tính trên giá trị phần hợp đồng bị vi phạm và tương ứng với thời gian vi phạm. Cụ thể: [Tiền phạt vi phạm] = [giá trị phần hợp đồng bị vi phạm] * [lãi suất] * [thời gian vi phạm]. Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận: “Trường hợp bên A chậm thanh toán tiền mua hàng cho bên B thì bên A phải chịu phạt vi phạm theo mức lãi suất 10%/năm đối với khoản tiền thanh toán chậm, tương ứng với thời gian chậm thanh toán”.

Trong thực tiễn, các bên thường xuyên tranh chấp về việc: đây là thỏa thuận phạt vi phạm hay thỏa thuận tiền lãi do chậm thanh toán? Bởi vì nếu thỏa thuận là phạt vi phạm thì bên B có quyền yêu cầu bên A chịu cả tiền phạt vi phạm và tiền lãi; còn nếu thỏa thuận là tiền lãi do chậm thanh toán thì bên B chỉ có quyền yêu cầu bên A chịu tiền lãi mà không được yêu cầu tiền phạt, vì không có thỏa thuận phạt vi phạm.

Thực tiễn áp dụng

Theo Luật Thương mại, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm “trả một khoản tiền phạt” (điều 300) và mức phạt vi phạm “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” (điều 301). Cách quy định này dẫn tới có quan điểm cho rằng tiền phạt vi phạm có thể được tính bằng một khoản tiền cụ thể hoặc theo tỷ lệ tương ứng với giá trị của hợp đồng(1). Như vậy, tiền phạt vi phạm không được xác định theo lãi suất, và do đó, thỏa thuận minh họa nêu trên được xác định là thỏa thuận tiền lãi do chậm thanh toán.

Trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp, cả tòa án và trọng tài đều có xu hướng xác định thỏa thuận về tiền phạt vi phạm tính theo lãi suất là thỏa thuận phạt vi phạm chứ không phải là thỏa thuận tiền lãi do chậm thanh toán.

Cụ thể, trong một vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng, tòa án cho rằng điều khoản hợp đồng có nội dung: “Trường hợp công ty A chậm nghiệm thu quyết toán hoặc chậm thanh toán, giá trị phạt hợp đồng là 0,5% trên tổng giá trị chưa thanh toán cho mỗi ngày chậm” là thỏa thuận phạt vi phạm. Bởi lẽ, việc áp dụng lãi suất để tính tiền phạt vi phạm phù hợp với nguyên tắc “tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác” (khoản 8, điều 146 Luật Xây dựng 2014)(2).

Trong một vụ tranh chấp khác, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có quy định: “Khoản thanh toán quá hạn của bên B sẽ bị phạt với lãi suất cho số tiền quá hạn thanh toán theo bảng kê bên dưới: quá hạn từ 61 ngày trở đi, tỷ lệ lãi phạt 1,5%/tháng”. Hội đồng trọng tài đã xác định: “Đây thực chất là một thoả thuận về phạt vi phạm hợp đồng”(3).

Tòa án cũng như trọng tài nhận định các thỏa thuận nêu trên là phạt vi phạm hoàn toàn thuyết phục. Vì các khái niệm được sử dụng trong hợp đồng như “phạt hợp đồng”, “bị phạt”… cho thấy ý chí đích thực của các bên về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm, chứ không phải là tiền lãi do chậm thanh toán. Còn lãi suất mà các bên thỏa thuận là phương thức để tính tiền phạt vi phạm. Không nên ngộ nhận cứ có thỏa thuận về mức lãi suất thì đấy là thỏa thuận tiền lãi do chậm thanh toán.

Dù vậy, tiền phạt vi phạm hợp đồng không được vượt quá mức tối đa mà luật cho phép, ví dụ là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (đối với hợp đồng thương mại, tại điều 301 Luật Thương mại) hoặc 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đối với hợp đồng xây dựng, tại điều 146 Luật Xây dựng). Do đó, cho dù thời gian vi phạm kéo dài và tiền phạt tính theo lãi suất vượt quá mức mà luật cho phép, thì tòa án và trọng tài cũng chỉ chấp nhận cho bên bị vi phạm yêu cầu mức tiền phạt tối đa theo luật quy định.

Xác định phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm

Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại tối đa là “không quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm”, nhưng Luật Thương mại và các luật chuyên ngành không giải thích hay hướng dẫn phương thức xác định giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Trong thực tiễn, “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” được tòa án xác định bằng hiệu số của giá trị mà bên vi phạm lẽ ra phải thực hiện và giá trị phần đã thực hiện trên thực tế. Ví dụ công ty K và công ty U giao kết với nhau hợp đồng mua bán hàng hóa với giá trị là 1.890.000.000 đồng. Thực hiện hợp đồng, K đã giao hàng hóa đầy đủ cho U nhưng U chỉ mới thanh toán cho K số tiền 623.700.000 đồng. Khi tranh chấp phát sinh, tòa án đã xác định “giá trị hợp đồng bị vi phạm là [1.890.000.000 – 623.700.000 = 1.266.300.000 đồng]”(4).

Trong một vụ án khác về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng, tổng giá trị hợp đồng mà các bên đã giao kết là 171.025.017.406 đồng, nhưng bị đơn chỉ mới thi công được một số hạng mục với giá trị là 36.036.561.604 đồng. Vì vậy, tòa án xác định giá trị còn lại mà bị đơn chưa thực hiện là [171.025.017.406 - 36.036.561.604 = 134.988.455.802 đồng là “giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”(5).

Tuy nhiên, đối với hợp đồng thi công xây dựng, cũng có trường hợp trọng tài xác định giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đúng bằng giá trị toàn bộ hợp đồng, do bên nhận thầu chưa hoàn thành một số hạng mục công trình và bên giao thầu không thể đưa toàn bộ công trình vào sử dụng. “Do đó, không thể tách ra thành từng phần riêng biệt để xem xét về phần nghĩa vụ bị vi phạm… Bị đơn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ công trình chưa hoàn thành đối với nguyên đơn. Nên yêu cầu của nguyên đơn phạt vi phạm trên tổng giá trị công trình là có căn cứ chấp nhận”(6).

Giảm mức phạt vi phạm đã thỏa thuận

Trong thực tế, không hiếm khi xảy ra trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do một phần lỗi của bên kia. Trường hợp này, Bộ luật Dân sự quy định bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình (điều 363). Tuy nhiên, cả Bộ luật Dân sự lẫn Luật Thương mại đều không quy định về vấn đề giảm mức phạt vi phạm và các trường hợp mà bên vi phạm được giảm mức phạt vi phạm.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy tòa án chấp nhận giảm mức phạt vi phạm, và mức giảm tiền phạt được quyết định trên cơ sở mức độ lỗi của các bên. Chẳng hạn trong một vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, nguyên đơn đã giao hàng hóa cho bị đơn chậm nhiều tháng, nhưng bị đơn cũng có một phần lỗi dẫn đến việc nguyên đơn giao chậm, như đã không thanh toán đầy đủ, không cử nhân sự nghiệm thu và chạy thử máy. Trên cơ sở nhận định “nguyên đơn có lỗi 70% và bị đơn 30%”, tòa án buộc bị đơn và nguyên đơn phải chịu phạt tương ứng với mức độ lỗi của mình(7).

Trong một vụ án khác về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng, các bên thỏa thuận trong trường hợp bên nhận thầu chậm tiến độ thì phải chịu phạt 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Trên thực tế, bên nhận thầu bị chậm tiến độ, nhưng bên giao thầu cũng có một phần lỗi gây ra sạt lún và bên nhận thầu phải san lấp bù đắp lại khối lượng bị sạt lún dẫn đến chậm tiến độ. Tòa án đã giảm mức phạt vi phạm cho bên nhận thầu từ 12% xuống mức 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm(8).

Việc các tòa án giảm một phần mức tiền phạt trong trường hợp này là khá thuyết phục, dù cách giải quyết này chưa được ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Bởi lẽ, mỗi bên trong quan hệ thương mại phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách thiện chí (khoản 3 điều 3 Bộ luật Dân sự) nhằm tạo điều kiện cho bên còn lại hoàn thành các nghĩa vụ của họ theo hợp đồng. Theo lẽ công bằng, bên vi phạm không phải chịu phạt đối với những vi phạm mà nguyên nhân xuất phát từ lỗi của bên bị vi phạm.

(1) Viện Khoa học Pháp lý (2009), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005 (tập 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, trang 265

(2) Bản án số 18/2018/KDTM-PT của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng

(3) Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) (2019), Giải quyết tranh chấp hợp đồng: những điều doanh nhân cần biết, Nxb. Thanh Niên, trang 167

(4) Bản án số 08/2021/KDTM-PT của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng

(5) Bản án số 296/2020/KDTM-PT của Tòa án nhân dân TPHCM

(6) Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 67/18 HCM của VIAC

(7) Bản án số 80/2017/KDTM-PT của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

(8) Bản án số 10/2018/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới