(KTSG Online) - Câu chuyện chào bán, chia cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng năng lực tài chính, qua đó có thêm nguồn lực cho cuộc cạnh tranh thị phần, sẽ là chủ đề nóng tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của các doanh nghiệp chứng khoán, dự kiến diễn ra trong những tuần tới. Đằng sau câu chuyện tăng vốn thì hiêu quả sử dụng vốn cũng là vấn đề của doanh nghiệp khi cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày một gay gắt.
Áp lực tăng vốn và nỗi lòng người trong cuộc
Thị trường chứng khoán hồi phục cũng là lúc “cuộc đua” tăng vốn của các doanh nghiệp trong ngành chứng khoán sôi động trở lại. Hàng loạt công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch tăng vốn, thậm chí có công ty tăng bằng lần và Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức cuối tháng 3, cổ đông của MBS đã thông qua kế hoạch nâng vốn từ 4.376,69 tỉ đồng lên 5.758,2 tỉ đồng, qua việc chào bán hơn 109 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ gần 29 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nói về mục tiêu này, ông Phan Anh, Tổng giám đốc MBS, cho biết vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 5.038 tỉ đồng, còn vốn điều lệ hơn 4.300 tỉ đồng tính tới thời điểm cuối năm 2023 - đứng thứ 13 trên thị trường chứng khoán.
“Quy mô vốn nhỏ là một trong những khó khăn của công ty trong triển khai hoạt động kinh doanh cũng như phục vụ khách hàng”, ông Phan Anh đánh giá.
Cũng theo vị này, áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đang cực kỳ gay gắt, nhất là trong bối cảnh phần lớn các công ty chứng khoán đều ồ ạt tăng vốn. Thậm thí, các công ty trong nước còn chịu sức ép cạnh tranh với các công ty nước ngoài về lãi suất cho vay, phí giao dịch.
“Điều này có lợi cho nhà đầu tư, nhưng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty khi NIM cho vay có xu hướng thu hẹp," ông Phan Anh nói và cho biết công ty đang làm việc với ba đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng để hỗ trợ về vốn, công nghệ.
Còn ông Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch MBS, không ngần ngại tiết lộ mục tiêu gia tăng thị phần môi giới của công ty, từ mức 5,2% trong năm 2023 lên mức 7,5% trong năm 2024. Theo đó, tăng vốn là một trong các giải pháp để công ty tăng dịch vụ, quy mô cung cấp đến nhà đầu tư.
Mới đây, HĐQT Công ty chứng khoán Vietcap (VCI) cũng trình các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 xem xét, thông qua ba phương án tăng vốn từ 4.375 tỉ đồng lên gần 7.200 tỉ đồng.
Cụ thể, công ty có kế hoạch phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương 1% vốn điều lệ), với giá phát hành 12.000 đồng một cổ phiếu. Tổng tiền thu được sau khi phát hành ESOP dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn lưu động Công ty và giảm nợ vay.
Sau khi phát hành xong ESOP, vốn điều lệ dự kiến là 4.419 tỉ đồng, Công ty sẽ thực hiện phát hành thêm 132,57 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 30%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ dự kiến 5.744,7 tỉ đồng.
Công ty có kế hoạch chào bán 143,63 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp/chiến lược nguyên tắc xác định giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách của Công ty tại thời điểm 31-12-2023 là 16.849 đồng một cổ phiếu cổ phiếu, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Nếu thành công, tổng số cổ phần lưu hành của Vietcap là 718,1 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ là 7.181 tỉ đồng. Còn tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phần riêng lẻ tối thiểu là 2.420 tỉ đồng. Số tiền này dự kiến được giải ngân cho hai mục tiêu, gồm: 2.120 tỉ đồng cho hoạt động cho vay ký quỹ; 300 tỉ đồng cho hoạt động tự doanh. Thời gian thực hiện dự kiến năm 2024 và quí 1-2025.
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Vietcap cho rằng, ban lãnh đạo từng mắc sai lầm về chiến lược khi không nhận diện được sự thay đổi trước và sau giai đoạn diễn ra dịch Covid-19. Với giai đoạn trước Covid-19, nhiều nhà đầu tư cá nhân thua lỗ và chuyển sang đầu tư gián tiếp thông qua tổ chức. Với giai đoạn sau Covid-19, nhà đầu tư cá nhân đã chiếm tỷ trọng lớn hơn trên thị trường, tỷ trọng giao dịch của đối tượng này cũng tăng từ 10% lên 30%.
Theo ông Hải, xu hướng gia tăng về số lượng, tỷ trọng và khới lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp diễn nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống phân tích, góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống. Thị phần đã cải thiện và lọt top 5, hi vọng sẽ vững chắc trong top 5”, ông Hải nói.
Cũng theo vị này, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nằm ở việc gia tăng chất lượng dịch vụ. Ngược lại, việc tham gia cuộc đua miễn, giảm phí (zero fee) để đẩy mạnh cho vay ký quỹ (margin) không mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh vì công ty chứng khoán nước ngoài còn cho vay với lãi suất thấp hơn.
“Các công ty chứng khoán Hàn Quốc, nước ngoài vào Việt Nam - họ có lãi suất thấp, còn chúng ta không có lợi thế này, dù zero fee mà lãi suất chúng ta cao hơn thì lợi nhuận đâu ra”, ông Hải nói.
Bên cạnh hai doanh nghiệp trên, Công ty chứng khoán LPBank (LPBS) cũng muốn tăng vốn từ mức 250 tỉ đồng lên 3.888 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỉ đồng, lên 7.000 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) lên kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu, tăng vốn gấp đôi lên mức 2.400 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán SSI là doanh nghiệp quy mô lớn hiếm hoi trong ngành chức khoán tiếp tục tăng vốn trong năm 2024 với kế hoạch chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng một cổ phiếu. Ngoài ra, phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng.
Việc thiếu vắng các “ông lớn” trong “cuộc đua” tăng vốn năm 2024, theo các chuyên gia, là do các doanh nghiệp này đã tăng vốn quá nhanh trong giai đoạn 2020-2021, thậm chí một số đơn vị đã đạt quy mô vốn của một ngân hàng tầm trung. Nhưng diễn biến thị trường chứng khoán sau giai đoạn đó không thuận lợi, dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả.
Với bối cảnh trên, nhóm công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ sẽ có lợi thế hơn trong khi có thể tăng vốn với quy cô cao hơn 2-3 lần so với quy mô hiện tại.
Ông Hồ Sỹ Hoà, Giám đốc tư vấn và đầu tư thuộc Công ty chứng khoán DNSE - doanh nghiệp vừa huy động vốn thành công trong năm 2024 sau đợt IPO, cho rằng tăng vốn là một trong những điều kiện cần, giúp các công ty chứng khoán có thể phục vụ được số lượng lớn nhà đầu tư, cũng như đáp ứng quy mô giao dịch ngày càng gia tăng.
“Việc đáp ứng quy mô và nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường là điều hết sức cấp thiết với các công ty chứng khoán. Các công ty nếu đã sử dụng gần chạm ‘room’ cho vay ký quỹ thì bài toán tăng vốn là tất yếu”, ông Hoà cho biết.
Sức ép từ bối cảnh vĩ mô
Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn để mở rộng kinh doanh, các chuyên gia của VIS Rating cho rằng tỷ lệ đòn bẩy của các công ty chứng khoán có dấu hiệu tăng lên trong năm 2023 là một yếu tố buộc các đơn vị này phải tăng vốn.
Hiện nguồn vốn cho vay từ các công ty chứng khoán thường được huy động từ các ngân hàng thương mại. Khi các công ty chứng khoán mở rộng đầu tư và cho vay ký quỹ (margin), tỷ lệ đòn bẩy và sự phụ thuộc vào vay ngắn hạn từ ngân hàng sẽ tăng dần. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các công ty chứng khoán đã huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản với nội dung cấm các công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng. Do đó, một số công ty chứng khoán sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công ty không có mối liên kết chặt chẽ với ngân hàng.
Các công ty chứng khoán phân phối trái phiếu có nhiều cam kết mua lại trái phiếu sẽ dễ bị tổn thương hơn khi thanh khoản bị thắt chặt", các chuyên gia của VIS Rating nhận định.
Đồng quan điểm, nhóm chuyên gia của FiinGroup cho rằng cơ cấu nguồn vốn của các công ty chứng khoán đã có sự thay đổi trong năm 2023, với nguồn vốn vay ngân hàng có xu hướng gia tăng về mức của năm 2021 – giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục ghi nhận kỷ lục về thanh khoản và điểm số. Thời điểm này nhu cầu vốn của các công ty chứng khoán để tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin) ngày có sự gia tăng sau các đợt cắt giảm lãi suất.
Điều này đã góp phần nâng cao mức độ đòn bẩy tài chính của ngành chứng khoán, nhưng FiinRatings nhận định xu hướng này sẽ có những tác động tiêu cực nhất định đến chất lượng tín dụng của các công ty chứng khoán.
Bên cạnh yếu tố trên, nhóm chuyên gia của VIS Rating cho rằng tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán trong nước sẽ bị hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt về phí, đặc biệt đối từ nhóm các công ty chứng khoán nước ngoài do biên lợi nhuận thấp hơn. Vì vậy, việc huy động vốn để đẩy mạnh cho vay ký quỹ (margin) sẽ một kênh sinh lời hiệu quả của các công ty chứng khoán trong nước.
Thực tế, mức phí giao dịch đã hạ từ 0,35% về 0,15% tính trên giá trị mua hoặc bán khi các công ty chứng khoán Hàn Quốc, Đài Loan gia nhập thị trường. Con số này tiếp tục giảm xuống mức 0,11% và cuối cùng là miễn phí giao dịch tại nhiều công ty chứng khoán, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh đang khiến các đơn vị này lựa chọn phương án giảm biên lợi nhuận.
Ngoài ra, chi phí hoa hồng cho đội ngũ môi giới tại nhiều đơn vị cũng được điều chỉnh tăng để đối tượng lao động này không chuyển sang các đơn vị cùng ngành khác. Chẳng hạn, SSI đã chính sách hoa hồng mới, trong đó chi đến 96% hoa hồng cho cộng tác viên. Đây là đội ngũ cộng sự giới thiệu khách hàng, có thể hưởng hoa hồng cá nhân với mức 88% và 8% từ hoạt động phát triển đội nhóm.
Một số công ty chứng khoán khác đang áp dụng chính sách trả hoa hồng cao cho đội ngũ môi giới như VPBankS với mức 68%, VPS với mức 65%.
Như vậy, với mảng môi giới hiện nay, dù “miếng bánh” giao dịch có lớn hơn nhờ thanh khoản thị trường gia tăng, song các công ty chứng khoán cũng không thu được nhiều lợi ích như kỳ vọng.