Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phiên chất vấn ‘nóng’ theo gói vay nhà ở xã hội, hạn mức tăng trưởng tín dụng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chậm giải ngân gói cho vay nhà ở xã hội quy mô 120.000 tỉ đồng, câu chuyện hạn mức phân bổ tăng trưởng tín dụng, nợ xấu tiềm tàng từ dự án hạ tầng,…là các nội dung chủ yếu được đại biểu quốc hội chất vấn Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.

Ngày 6-11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quốc hội tiến hành phiên chất vấn dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội 

Nhu cầu ở cao nhưng nhu cầu vay thực tế thấp

Ngày 6-11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có 113 đại biểu đăng ký chất vấn người đứng đầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Ngân hàng Nhà nước.

Vấn đề đặt ra đầu tiên dành cho người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước là về gói tín dụng quy mô 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân. Theo đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn đại biểu tỉnh An Giang đặt câu hỏi về vướng mắc và giải pháp khi chỉ mới giải ngân rất ít trong khi nhu cầu là rất lớn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến cuối tháng 10, con số giải ngân khoảng 105 tỉ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương.

Lý giải việc chậm giải ngân, theo bà Hồng, lý do đầu tiên là nguồn cung về nhà ở hạn chế. Theo đó, khi chính sách thông qua, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn cho tổ chức tín dụng thực hiện, gửi UBND tỉnh thành quan tâm và công bố các dự án thuộc diện vay theo chương trình này, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ xây dựng. Tuy nhiên, đến nay chỉ khoảng 18/63 tỉnh thành công bố, với 53 dự án và nhu cầu vay 27.000 tỉ đồng.

Lý do thứ hai là dù nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân là rất lớn, nhưng trong bối cảnh hiện thì nhu cầu vay chưa hẳn là cao. “Nhu cầu nhà ở còn lớn, nhưng nhu cầu đi vay thì người dân còn đang cân nhắc kỹ lưỡng”, Thống đốc nói. Ngoài ra, chính sách còn vướng mắc về các điều kiện đối tượng được xét duyệt, các tiêu chí về thu nhập, hay chưa có nhà ở,...

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết gói tín dụng này có nguồn tiền từ cam kết của các ngân hàng, tức là nguồn huy động vốn trong dân, với lãi suất ưu đãi từ phía các nhà băng. Cập nhật mới nhất thì vừa có thêm một ngân hàng thương mại cổ phần khác đăng ký tham gia 5.000 tỉ đồng, nâng tổng giá trị gói này lên 125.000 tỉ đồng. Trong thời gian thực hiện chương trình, quy mô gói vay cũng sẽ tăng lên nếu có thêm ngân hàng tham gia.

Vì gói này giải ngân trong vòng 10 năm với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội nên lượng giải ngân còn thấp. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Thống đốc cho rằng gói cho vay ưu đãi này “cần sự vào cuộc của toàn hệ thống, các địa phương, bộ ngành” để đạt mục tiêu của chương trình.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí, bổ sung thêm là chính sách cho vay nhà ở xã hội không chỉ cần ngân hàng mà cần cả hệ thống vào cuộc, từ Bộ xây dựng, các địa phương, đến các cơ quan, đơn vị người lao động,…

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời đại biểu quốc hội vào đầu giờ chiều ngày 6-11. Ảnh: Cổng thông tin điện tử quốc hội.

Chưa thể bỏ ngay phân bổ hạn mức tín dụng

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm nhiều là câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh, đặt câu hỏi về tăng trưởng tín dụng thấp, nguyên nhân và giải pháp để đạt tốc độ 14% như mục tiêu đề ra.

Thống đốc trả lời rằng đã từng giải trình trước Chính phủ khi thảo luận về tình hình kinh tế xẫ hội gần đây. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là vì đơn hàng giảm sút, nhu cầu tín dụng thấp, cầu nội địa cũng khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh này, NHNN điều hành tín dụng theo hướng o điều kiện thuận lợi nhất, thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo TCTD rà soát thủ tục cho vay, giảm thiểu thủ tục để hỗ trợ, đồng thời có kiến nghị với bộ ngành liên quan, có giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương, đặt vấn đề lại về “lời hứa” bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ (room tín dụng). Tương tự, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị, đặt vấn đề về cơ chế xin – cho và lo ngại nảy sinh tiêu cực và hỏi khi nào mới bỏ được.

Phản hồi về câu chuyện này, Thống đốc cho biết NHNN ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng, vì nền kinh tế phụ thuộc vào vốn ngân hàng còn rất lớn.

Thống đốc cho rằng nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, có thể rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, vì đặc thù kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng khi tỷ lệ nợ trên GDP đạt trên mức 120% và ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Trong các buổi tọa đàm, hội nghị với các chuyên gia và đại biểu quốc hội quan tâm, thống nhất ở thời điểm này chưa thể bỏ.

Việc phân bổ chỉ tiêu cũng không tùy ý, mà có quy định dựa trên nguyên tắc chung là xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng, có cả định lượng và định tính nhằm phân loại các tổ chức tín dụng lành mạnh có khả năng mở rộng tín dụng.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một giải pháp điều hành kết hợp với các công cụ khác, bám sát theo chỉ đạo của quốc hội và chính phủ. "Đến thời điểm thuận lợi, đặc biệt là các phân khúc khác như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn, thì việc bỏ phân bổ tín dụng sẽ khả thi hơn", Thống đốc nói.

Lo ngại rủi ro từ dự án hạ tầng

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên đặt vấn đề về tín dụng các dự án BOT. Theo đó, Thống đốc cho biết nhu cầu vốn cho những các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng đặc thù là ngắn hạn, do đó việc cho vay các dự án hạ tầng sẽ bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu an toàn vốn. Do đó, việc cấp vốn cho các dự án thuộc nhóm này đòi hỏi phải huy động thêm nguồn lực khác, kể cả trong và ngoài nước.

Thống đốc cũng thông tin rằng tính đến ngày 30-9, có 22 tổ chức tín dụng cho vay với dư nợ 92.319 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nợ xấu chiếm 3,83%, nhưng đáng chú ý hơn nữa là nợ nhóm 2 chiếm hơn 26%, nhóm này sát với nợ nhóm 3, tức là nợ xấu.

“Nguyên nhân chủ yếu là vì các phương án tài chính của dự án khi triển khai không giống như phương án xây dựng ban đầu”, Thống đốc nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới