(KTSG Online) - Hôm nay (4-10), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thông báo chính phủ của ông bỏ chính sách giá trần đối với gạo xay xát thường lẫn xay xát kỹ sau gần một tháng triển khai. Động thái này được đưa ra giữa lúc giá gạo toàn cầu hạ nhiệt và nguồn cung gạo trong nước tăng lên khi Philippines bước vào vụ thu hoạch.
- Giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm
- Doanh nghiệp Philippines đồng loạt xin hủy hợp đồng, thị trường lúa gạo Việt sẽ ra sao?
“Kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ dỡ bỏ trần giá gạo, cả đối với gạo xay thường và gạo xay kỹ”, Tổng thống Ferdinand Marcos nói trong một cuộc phỏng vấn khi đang giám sát hoạt động phân phát gạo nhập lậu bị tịch thu cho những người đủ điều kiện hưởng trợ cấp của chính phủ ở thành phố Taguig vào hôm 4-10. Ông Marcos nhấn mạnh rằng, nguồn cung gạo trong nước đầy đủ và sẽ tiếp tục tăng trong mùa thu hoạch hiện tại. Ông cam kết tiếp tục hỗ trợ cho nông dân và các gia đình nghèo.
Quyết định trên được đưa ra chỉ sau một ngày ông Marcos họp với các quan chức Bộ Nông nghiệp (DA) và Bộ Công thương (DTI) để nghe họ báo cáo về những yếu tố thuận tới để dỡ bỏ sắc lệnh hành pháp số 39.
Sắc lệnh này được ông ban bố và có hiệu lực vào ngày 5-9 nhằm áp giá trần đối với gạo xay thường ở mức 41 peso (17.640 đồng VN)/kg và gạo xay kỹ ở mức 45 peso (19.360 đồng VN)/kg ở thị trường bán lẻ trong nước. Manilla giải thích chính sách giá trần nhằm ngăn chặn những kẻ đầu tư trích trữ và buôn lậu gạo thao túng thị trường và đẩy giá lên mức cao đến 60 peso (gần 29.700 đồng VN)/kg
Fhillip Sawali, Cục trưởng Cục Thực thi thương mại công bằng thuộc DTI, cho biết Bộ trưởng DTI Alfredo Pascual và Thứ trưởng DA Domingo Panganiban đã ký một một văn bản kiến nghị dỡ bỏ giá trần.
“Giá bán lẻ trung bình hiện nay gần bằng với mức trần giá bắt buộc và tỷ lệ tuân thủ ngày càng tăng, trong khi giá lúa trung bình được duy trì ở mức 14 -23 peso/kg”, Sawali nói khi đề cập đến các số liệu thuận lợi để dỡ bỏ giá trần.
Vị quan chức này cho biết thêm, Philippines có nguồn cung dự trữ ổn định do lượng người bán gạo xay thường và xay kỹ tăng lên, trong khi khối lượng nhập khẩu vẫn đầy đủ. Dữ liệu cho thấy tính đến cuối tháng 9, nguồn dự trữ gạo trong nước đủ cung cấp cho 52 ngày. Và tính đến cuối tháng 10, khi hoạt động thu hoạch lúa lên cao điểm, nguồn cung gạo sẽ đủ đáp ứng nhu cầu tương đương 74 ngày.
Theo Sawali, các quan chức DTI và DA cũng xem xét các yếu tố thuận lợi bên ngoài, chẳng hạn giá gạo thế giới đang giảm, khi khuyến nghị dỡ bỏ giá trần.
Tuân thủ giá trần là một thách thức đối với các nhà bán lẻ gạo, những người đang kinh doanh khó khăn vì chi phí hậu cần vốn đã rất tốn kém. Điều này buộc chính phủ Philppines phải trợ cấp 15.000 peso cho các nhà bán lẻ gạo nhỏ đủ tiêu chuẩn.
Hơn nữa, chính sách giá trần cũng có thể được các thương nhân sử dụng như một lý do biện minh để hạ giá mua lúa gạo từ nông dân trong nước.
Nhóm trợ lý kinh tế của Tổng thống Ferdinand Marcos ủng hộ chính sách giá trần, dù Bộ trưởng Tài chính Benjamin Diokno thừa nhận ban đầu, ông bất ngờ trước sắc lệnh hành pháp số 39.
Chính sách giá trần đối với gạo cũng khiến Thứ trưởng Bộ Tài chính Cielo Magno mất việc. Bà bị yêu cầu từ chức sau khi đưa ra quan điểm phản đối chính sách giá trần thông qua một bức ảnh thể hiện biểu đồ quy luật cung cầu đăng trên mạng xã hội Facebook.
Về lý thuyết kinh tế, việc áp đặt giá trần đối với mặt hàng sẽ làm tăng cầu và giảm cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.
Theo Cục Cây trồng của Bộ Nông nghiệp Phippines của DA, 80-90% nhà bán lẻ gạo tuân thủ chính sách giá trần trong thời gian thực hiện.
Tổng thống Marcos dỡ bỏ trần giá gạo giữa lúc người tiêu dùng Philippines tiếp tục chịu áp lực do giá hàng hóa cơ bản tăng cao. Một cuộc khảo sát mới đây của Pulse Asia cho thấy phần lớn người dân Philippines không hài lòng với nỗ lực kiểm soát lạm phát của chính quyền ông Marcos. Tỷ lệ cử tri tán thành công việc của ông Marcos giảm 15 điểm phần trăm xuống còn 65%. Cuộc khảo sát được thực hiện một tuần sau khi chính phủ Philippines áp đặt trần giá gạo và dữ liệu cho thấy lạm phát chung tăng lên 5,3% trong tháng 8.
Theo Rappler, GMA