Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phim ngoại tại phòng vé Việt Nam: ‘đọc vị’ khán giả không dễ!

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường phòng vé Việt Nam bắt đầu “ấm dần” lên sau thời gian hồi phục hoạt động giải trí. Phim ngoại ở rạp cũng cạnh tranh thị phần rất lớn với phim nội địa. Nhiều bên cho rằng khán giả ngày càng nâng cao gu thẩm mỹ và luôn thích những “gia vị” mới mẻ, không phải cứ dự án từ Hollywood thì sẽ thắng như nhiều năm trước.

Cuộc chơi “khốc liệt” phim nội – phim ngoại

Sau dịch Covid-19, lượng khán giả ra rạp chưa mạnh như thời điểm trước dịch. Số lượng phim ra rạp đang từ từ trở lại con số trước năm 2019, trên dưới 50 phim mỗi năm. Nhà sản xuất phim trong và ngoài nước đón xu hướng cho ra mắt loạt bom tấn, phim chất lượng có đầu tư cao để phục vụ người xem mọi thời điểm trong năm.

Tuy vậy, việc đo lường được thị hiếu cũng như gu phim của khán giả ra rạp hiện nay ngày càng khó khăn hơn bởi sự đa dạng nhiều nền tảng giải trí. Người xem có thêm lựa chọn xem phim tại nhà, truyền hình trả phí… từ khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì đến rạp chiếu phim.

Bà Hằng Trịnh, đại diện từ Skyline Media, đơn vị phân phối bản quyền phim hoạt động ở Việt Nam, đã đưa trên dưới 1.000 phim ngoại đủ thể loại, đủ quốc gia khác nhau công chiếu trên các nền tảng tại Việt Nam nhiều năm qua, trong tháng 4 này tiếp tục ra mắt trong nước hai phim từ hãng phim A24 ở Mỹ phát hành có tên Ngày tàn của đế quốc (Civil War)Yêu cuồng loạn (Love Lies Bleeding).

Bà nhìn nhận ở thị trường Việt Nam có ba phân tầng phim chính, đầu tiên là những phim Hollywood của các hãng phim, studio lớn của Mỹ, tiếp theo là dòng phim nội địa (phim Việt Nam) và cuối cùng là phim do các hãng phim độc lập sản xuất từ các quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản…

Phim Ngày tàn của đế quốc đang chiếu tại rạp. Ảnh: DNCC

Ba nhóm phim này đều có phân khúc khán giả riêng và có sự thay đổi chuyển dịch qua từng thời điểm. Hiện tại, phim Việt đang ở vị trí cao, nhiều phim Việt doanh thu cao hơn phim Hollywood diễn ra khá thường xuyên dù số lượng phim nội ra rạp còn ít, trung bình mỗi tuần phòng vé có khoảng 6-11 phim mới ra mắt.

Chia sẻ với KTSG Online, đại diện nhà phát hành phim cho biết trong năm qua đơn vị đã bán vé hơn 40 phim ngoại (trong tổng số hơn 50 phim phát hành). Số phim nội địa ra rạp năm 2023 là hơn 30 phim, trong khi phim ngoại hơn 200 phim.

Theo vị này, nếu đánh giá thì trước đại dịch Covid-19 phim siêu anh hùng Hollywood chiếm áp đảo doanh thu. Khi dịch bệnh xuất hiện, việc đóng mở cửa rạp không nhất quán do quy định phòng dịch, tình trạng thiếu phim Hollywood do biên kịch đình công, nên phim Việt lại lên ngôi, có thể điểm qua như Bố Già, Nhà Bà Nữ, Mai, Lật Mặt, Tiệc Trăng Máu… đây là các phim thuộc thể loại drama, hài, kịch tính. Ngoài ra, các phim từ các hãng phim độc lập (indie) với thể loại kinh dị, hài hước từ Thái Lan, Hàn Quốc…, phim hoạt hình Nhật Bản (anime) như Conan, Doraemon có xu hướng tăng trưởng tốt, với doanh thu cao hơn nhiều so với trước khi dịch xảy ra.

Nhìn chung khán giả vẫn chọn các phim có thương hiệu, có đạo diễn, diễn viên yêu thích, phim được làm truyền thông tốt. Hiện tại, top 3 phim có doanh thu cao kỷ lục ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đều thuộc về phim Việt (bộ 3 phim của Trấn Thành), vượt xa doanh thu phim ngoại.

“Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì khán giả vẫn có xu hướng chọn phim ngoại, vì chất lượng đồng đều và đáp ứng được các kỳ vọng giải trí đã được chứng minh”, vị này nhấn mạnh.

Tiềm năng cho phim ngoài "bom tấn" Hollywood

Theo bà Hằng Trịnh, rất khó trả lời rằng phát hành phim Việt hay phim ngoại thì phim nào có “lời” hơn, phải làm rồi mới thấy kết quả. Song, những đơn vị đưa phim ngoại về đều phải phân tích thị trường, lắng nghe khán giả nội địa thích thể loại gì, cân nhắc phù hợp tài chính của mình… để có lựa chọn cuối cùng.

Bà cho hay quá trình đưa phim ngoại về thị trường trong nước phải tốn những chi phí khác nhau, như tiền mua phim, tiền thuế, kiểm duyệt phim, phần trăm doanh thu tại rạp, dịch vụ quảng bá, phát hành, truyền thông… nên phim dự tính phải thu về ít nhất gấp 5 lần so với tiền mua phim thì mới mong dự án đó hoàn vốn.

Từ đầu năm đến nay, phim Hàn Exhuma (Quật mộ trùng ma) đã trở thành hiện tượng là phim Hàn có doanh thu cao nhất ở Việt Nam (2 năm trước một phim Hàn khác đã làm được là Bỗng dưng trúng số), bên cạnh sự hút khách của một số phim ngoại khác như Kung Fu Panda 4, Godzilla x Kong: Đế Chế Mới…

Giới làm phim đánh giá khán giả hiện khắt khe hơn khi chọn phim qua việc xem, đọc bình luận từ các kênh truyền thông xã hội có tính truyền miệng tích cực hay tiêu cực. Do đó, phim nếu thành công sẽ rất thành công và ngược lại.

Khán giả trẻ có thói quen ra rạp. Ảnh: DNCC

“Việc đọc vị thị hiếu khán giả không dễ. Do đó, phía phát hành sẽ tập trung phát hành đa thể dạng, tích cực tìm kiếm các phim độc lập có chất lượng thương mại, giải trí tốt, bên cạnh các phim Hollywood để đáp ứng thị hiếu của khán giả Việt, kèm với việc có chiến lược phát hành, thời điểm phù hợp, marketing bài bản”, đại diện một hệ thống phát hành phim nói thêm.

Doanh thu phòng vé chiếm giữ vị trí cao từ phim Việt và phim từ các hãng phim độc lập sản xuất trên thế giới chưa thể khẳng định dòng phim nào sẽ thu hút. Tuy nhiên có thể thấy xu hướng phim Việt và phim độc lập đang lên trong 3 năm trở lại đây trong khi phim Hollywood có dấu hiệu chững lại.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng việc “downtrend” (xu hướng đi xuống) của phim Hollywood vì các lý do như tỷ lệ sản xuất phim thấp, số lượng nhân công giảm, khán giả đã chứng kiến thế giới siêu anh hùng suốt thời gian qua và nhu cầu về những nội dung mới mẻ, đa dạng, là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất, đạo diễn phim Việt. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của thị trường bởi lẽ nếu phim tốt vẫn có khán giả trung thành với dòng phim Hollywood.

Giờ đây, nếu phim không phải thuộc hàng bom tấn nhưng nội dung đặc sắc, khán giả tự chia sẻ, truyền miệng qua các kênh giới thiệu thì độ lan tỏa của phim cũng rất cao. “Thiên thời địa lợi nhân hòa lúc này khiến cho cuộc chiến phim nội – ngoại phát triển sôi động hơn tại phòng vé, kích cầu hoạt động sản xuất trong toàn khu vực. Tín hiệu tốt khi Việt Nam là nước phục hồi thị trường phòng vé mạnh mẽ đến 70-80% so với các quốc gia lân cận, chính vì thế đừng cố đi tìm gu, nắm bắt tâm lý khán giả mà hãy đầu tư vào sản phẩm của mình”, anh nói thêm.

Phim Hollywood với trường hợp thành công gần đây của Oppenheimer cũng mở ra hướng đi mới cho giới làm phim, người xem kỳ vọng nội dung lạ, thể loại phong phú.

Trung bình cứ 10 phim ra rạp thì có 1 phim Việt ra mắt cùng thời điểm. Các hệ thống rạp phân bổ suất chiếu cho mỗi phim dựa trên đánh giá thương mại như mức độ ăn khách, khả năng hấp thụ, tốc độ bán vé… không phân biệt phim nội hay ngoại. Nếu phim Việt làm tốt, như các trường hợp thành công đã đề cập ở trên, thì phim sẽ được phân chia suất chiếu như 15-20-25 suất chiếu/ngày/rạp là bình thường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới