(KTSG Online) - Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, lĩnh vực bán dẫn cần nguồn đầu tư rất lớn, sản xuất thử chip bán dẫn phải đầu tư đến 7 tỉ đô la Mỹ, nên cần có sự tham gia của nhà nước và doanh nghiệp.
- Bán dẫn là điểm nhấn trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc
- Đào tạo nhân lực bán dẫn và cuộc ‘chạy đua’ với thời gian
TTXVN đưa tin, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà diễn ra ngày 6-6, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi về lĩnh vực bán dẫn.
Đề cập cụ thể về việc tận dụng nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách để thu hút các nhà đầu tư, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đầu tư vào một số trung tâm khoa học công nghệ (để các trường nghiên cứu và dùng chung); một số trung tâm đổi mới sáng tạo (để có thể phát triển khâu nghiên cứu cơ bản ban đầu và làm chủ các bước về sau). Những đầu tư này rất lớn, nhất là sản xuất thử chip bán dẫn phải cần đầu tư tới 7 tỉ đô la Mỹ. Theo ông Trần Hồng Hà, công việc này cần phải có sự tham gia của nhà nước và khối doanh nghiệp.
Xoay quanh câu hỏi của đại biểu về cơ hội để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Phó thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có những lợi thế như kinh tế số phát triển nhanh; công tác giảng dạy liên quan đến công nghiệp bán dẫn trong trường đại học được quan tâm toàn diện. Lực lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài rất đông, đặc biệt là đã tham gia vào lĩnh vực này. Phó thủ tướng cho biết, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới.
Về lâu dài, các đơn vị liên quan cần quan tâm đào tạo những kỹ sư đã có kiến thức nền tảng. Việc này giúp cung ứng nguồn lực tiếp cận, tham gia ngay vào thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó là huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc trong ngành bán dẫn bằng cơ chế chính sách phù hợp.
Phó thủ tướng lưu ý, các thiết bị chế tạo, thiết kế chip bán dẫn đều do một số nước giữ độc quyền nên chúng ta không chỉ cần nghiên cứu khoa học cơ bản, mà còn nghiên cứu sâu để có thể làm chủ trong dài hạn. Trong đó có việc thu hút các doanh nghiệp điện tử sản xuất mặt hàng sử dụng chip bán dẫn, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện tử ứng dụng công nghệ cao.
Chính phủ cũng có chủ trương để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là lựa chọn trường đại học để xây dựng trung tâm công nghệ chip bán dẫn, thông qua đầu tư những phòng thí nghiệm lớn, hiện đại từ thiết kế, sản xuất, kiểm chuẩn…