Thứ Bảy, 7/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phố Wall lao dốc khi thị trường lao động Mỹ yếu hơn dự báo

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chứng khoán Mỹ trải qua tuần giảm giá tồi tệ nhất kể từ tháng 3-2023. Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi thấy dữ liệu việc làm của Mỹ trong tháng Tám yếu hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Các ứng viên tham dự một hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida, Mỹ hôm 29-8. Ảnh: AP

Chốt phiên giao dịch hôm 6-9, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 1,8%, kéo dài đà giảm sang ngày thứ tư liên tiếp và đánh dấu tuần giảm giá mạnh kể từ tháng 3-2023. Trong khi đó, hai chỉ số Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt giảm 2,55% và 1,01%.

Nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy, trong tháng Tám, nền kinh tế tạo ra thêm 142.000 việc làm phi nông nghiệp, thấp hơn mức dự báo 160.000 của các nhà kinh tế.

Số việc làm tạo ra trong tháng Sáu và tháng Bảy cũng được điều chỉnh xuống mức thấp hơn so với con số báo cáo ban đầu khoảng 86.000 việc làm. Trong ba tháng qua, số lượng tuyển dụng trung bình chỉ đạt 116.000 mỗi tháng, giảm mạnh so với mức trung bình 211.000 vào cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng trước giảm nhẹ xuống 4,2% so với 4,3% trong tháng Bảy, cho thấy hoạt động sa thải đã chậm lại.

Bình luận về dữ liệu việc làm, Chris Waller, thành viên thống đốc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu khả năng Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, lớn hơn mức thông thường, trong cuộc họp chính sách sắp tới.

“Dữ liệu hiện tại không đòi hỏi Fed phải kiên nhẫn nữa mà đòi hỏi phải hành động”, ông nói và cho biết sẽ ủng hộ giảm lãi suất ở mức lớn hơn thông thường nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục xấu.

Với triển vọng kinh tế không chắc chắn, nhà đầu tư bắt đầu thận trọng. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong nửa đầu năm, mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 lập đỉnh vào tháng Bảy, với mức tăng 18% kể từ đầu năm. Dù suy giảm trong những tuần gần đây nhưng chỉ số này vẫn đang tăng khoảng 13% trong năm nay.

Nhà đầu tư không muốn để mất mát lợi nhuận bằng cách đặt cược chứng khoán sẽ tiếp tục tăng khi dư địa tăng không còn nhiều. Cuộc khảo sát các nhà quản lý tài sản do ngân hàng Bank of America thực hiện trong tháng Tám, cho thấy hầu hết vẫn kỳ vọng kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng khi Fed chuẩn bị hạ lãi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngày càng lo ngại rủi ro Fed hành động chậm trễ.

Nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại đáng kể so với dự báo, Fed có thể phải đẩy nhanh tốc độ nới lỏng tiền tệ. Lãi suất thấp hơn thường là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán nhưng với điều kiền kinh tế không suy yếu nhanh chóng. Ngược lại, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự báo, Fed có thể duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Điều này làm tăng rủi ro Fed kìm hãm nền kinh tế quá lâu, và cuối cùng có thể dẫn đến suy thoái.

Theo John Luke Tyner, nhà phân tích của Aptus Capital Advisors, chưa có tiền lệ Fed giảm lãi suất lớn hơn mức thông thường nếu kinh tế không suy yếu rõ ràng hoặc thị trường xảy ra sự hoảng loạn. Tháng Chín thường là tháng yếu kém đối với thị trường chứng khoán. Lần gần đây nhất, chỉ số S&P 500 tăng trong tháng Chín là vào năm 2019.

Lauren Goodwin, nhà kinh tế tại New York Life Investments kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng này. Theo bà, Fed có thể lo ngại rằng, mức giảm lãi suất lớn hơn thông thường nếu không đi kèm với dữ liệu kinh tế suy yếu rõ ràng có thể khiến nhà đầu tư hoảng sợ và bán tháo cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán bị bán tháo, tâm lý bi quan sẽ xuất hiện. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp giảm đầu tư và người tiêu dùng giảm chi tiêu, có thể khiến kinh tế suy thoái.

“Tại thời điểm này, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ chính là biến động của thị trường”, bà nói.

Eugenio Alemán, nhà kinh tế của tại Raymond James cho biết, dữ liệu việc làm mới nhất xác nhận thị trường lao động đang suy yếu nhưng chưa đến mức sụp đổ. Vì vậy, Fed không cần phải vội vàng giảm lãi suất 50 cơ bản.

Đối với Nathan Thooft, nhà quản lý danh mục đầu tư của Manulife Asset Management, nơi đang giám sát tài sản trị giá 160 tỉ đô la, nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại nhưng có thể tránh được suy thoái. Tuy nhiên, công ty vẫn bán mạnh cổ phiếu những tuần gần đây.

“Điều này không phải do lo ngại về rủi ro suy thoái lớn của nền kinh tế Mỹ mà chủ yếu là do thị trường suy yếu về mặt kỹ thuật và tâm lý, mức định giá cổ phiếu quá cao, tình trạng không chắc chắn liên quan đế cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và tính thời vụ”, ông nói.

 

Theo NY Times, Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới