Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phố Wall lao dốc vì Covid-19 và căng thẳng thương mại quốc tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phố Wall lao dốc vì Covid-19 và căng thẳng thương mại quốc tế

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Phố Wall giảm mạnh nhất trong vòng hai tuần qua do giới đầu tư lo ngại đà hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gập ghềnh khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 tăng mạnh cùng lúc với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu leo thang.

Kết thúc phiên giao dịch hôm 24-6, chỉ số Dow Jones giảm 710,16 điểm (2,72%), về mức 25.445,94 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt giảm 2,58% và 2,2%. Đây là ngày giảm điểm mạnh nhất của 3 chỉ số chứng khoán Mỹ kể từ hôm 11-6.
Phố Wall lao dốc khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới hàng ngày tại Mỹ tăng mạnh trở lại, lên hơn 35.000, cao thứ hai kể từ dịch Covid-19 bùng phát ở nước này, chỉ sau con số ca nhiễm kỷ lục 36.739 được ghi nhận vào ngày 24-4. Số ca nhiễm mới trung bình của bảy ngày gần nhất ở Mỹ đã tăng hơn 30% so với cách đây một tuần.

Phố Wall lao dốc vì Covid-19 và căng thẳng thương mại quốc tế
.Kết thúc phiên giao dịch hôm 24-6, chỉ số Dow Jones giảm 710,16 điểm (2,72%), về mức 25.445,94 điểm. Ảnh: CNBC

Nỗi lo Covid-19 kéo thị trường đi xuống

Hôm 24-6, hàng loạt bang ở Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục như Idaho, Oklahoma, Florida, California, Texas, Nam Carolina, Arizona. Số ca nhiễm mới vẫn đang tăng ở 20 bang, phần lớn ở các bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ.

Xu hướng ca nhiễm mới tăng giữa lúc các chính quyền bang và thành phố cho phép tái mở cửa các nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ hàng hóa không thiết yếu và các dịch vụ chăm sóc cá nhân. Dù chưa có bang nào rút lại các biện pháp nới lỏng phong tỏa nhưng giới đầu tư đang lo ngại họ sẽ ghìm tốc độ tái mở cửa, thậm chí đảo ngược tiến trình này.

Hôm qua, chính quyền bang New York, New Jersey và Connecticut thông báo yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người dân đến từ các bang có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao. Khuyến cáo cách ly này ảnh hưởng đến người dân ở chín bang, làm dấy lên các lo ngại về tốc độ tái mở cửa hoạt động kinh doanh ở Mỹ.

James Ragan, Giám đốc bộ phận nghiên cứu quản lý tài sàn ở Công ty D.A. Davidson, nhận định các lệnh cách ly có thể khiến người dân giảm đi lại, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm và đi lại bằng đường hàng không, kìm hãm đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ.

Trong phiên giao dịch hôm qua, nhóm cổ phiếu ngành hàng không nằm trong số nhóm giảm mạnh nhất.

Thống đốc bang Texas, Greg Abbott, khuyến cáo tất cả người dân nên ở nhà giữa lúc các bệnh viện ở bang này tiếp nhận số ca nhiễm nhập viện tăng hơn gấp đôi kể từ đầu tháng 6.

Căng thẳng thương mại Mỹ-EU leo thang

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chịu áp lực do các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác leo thang.

Cuối ngày 23-6, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo đang soạn thảo danh sách 30 chủng loại hàng hóa của châu Âu có thể bị tăng thuế nhập khẩu nhằm trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus. Số hàng hóa này có giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ 3,1 tỉ đô la mỗi năm như bánh quy của Anh, rượu vang, áo quần làm bằng len lông cừu của Pháp, ống kính máy ảnh của Đức, rượu whisky Scotland.

Cho đến nay, Washington chưa sử dụng hết quyền áp thuế trả đũa lên đến 100% vào 7,5 tỉ đô la hàng hóa châu Âu bán sang Mỹ mỗi năm mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép vào năm ngoái, sau khi kết luận EU không loại bỏ trợ cấp trái phép dành cho hãng may bay Airbus.

Kể từ sau đó, Mỹ gia tăng áp thuế trả đũa hàng hóa châu Âu theo từng giai đoạn mà đầu tiên là áp thêm 10% thuế đối với máy bay Airbus và áp thêm 25% thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và các hàng hóa công nghiệp khác từ châu Âu.

Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho hay Mỹ sẽ thông báo tái áp đặt thuế nhập khẩu 10% đối vối nhôm của Canada bắt đầu từ ngày 1-7 trừ phi chính phủ Canada đồng ý hạn chế xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ.

Mỹ đang có lợi thế hơn trong vụ kiện tụng trợ giá máy bay với EU vì cho đến nay, WTO chưa đưa ra phán quyết trong vụ kiện ngược của EU cho rằng Mỹ cũng trợ cấp cho hãng Boeing.

Brussels hy vọng WTO sẽ ra phán quyết vào tháng này về mức EU được phép trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.

Dù USTR chưa quyết định khi nào áp thuế trả đũa thêm vào hàng hóa châu Âu nhưng thông báo trên đốt nóng thêm môi trường căng thẳng thương mại hiện nay giữa EU và Washington. Tuần trước, Mỹ cho biết dừng đám phán với châu Âu về cách đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các ông lớn công nghệ toàn cầu bao gồm Apple, Amazon, Facebook, Google. Đồng thời, nước này đe dọa trả đũa nếu một số nước châu Âu đơn phương triển khai loại thuế mới này.

Trong một diễn biến khác, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho hay Mỹ sẽ thông báo tái áp đặt thuế nhập khẩu 10% đối vối nhôm của Canada bắt đầu từ ngày 1-7 trừ phi chính phủ Canada đồng ý hạn chế xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ.

Giới đầu tư lo ngại nếu xảy ra cuộc chiến thuế mới giữa Mỹ và Canada, mối quan hệ thương mại song phương quan trọng này sẽ bị đe dọa sau khi chứng kiến sự cải thiện kể từ năm ngoái với việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ mới giữa Mỹ, Canada và Mexico.

Theo Financial Times, Market Watch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới