Phóng xạ nguy hiểm nhưng quản lý lỏng lẻo
Thái Ngọc
![]() |
PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: baolamdong.vn |
(TBKTSG Online) - Đến chiều nay 8-4, việc tìm kiếm nguồn phóng xạ Co-60 của công ty thép Pomina 3 ở Bà Rịa Vũng Tàu vẫn chưa có kết quả, cho dù các đơn vị - từ cơ quan cảnh sát điều tra cho đến Sở Khoa học và Công nghệ và Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân - đã mở rộng địa bàn tìm kiếm tới các địa phương như Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương.
Các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu đang được lực lượng tìm kiếm rà soát kỹ. Một nguồn tin từ người dân cho biết đã từng phát hiện một thiết bị giống nguồn phóng xạ Co-60 ở bãi rác Tóc Tiên, huyện Tân Thành đang được cơ quan điều tra xác minh chắc chắn trước khi tiến hành đào bới để kiểm tra.
Có thể gây ung thư, chết người
PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, lưu ý rằng dù được chứa trong hộp an toàn, nhưng nguồn phóng xạ Co-60 với tia gamma vẫn có khả năng xuyên thấu ra ngoài.
Do đó khi đứng gần nguồn phóng xạ này dưới 2m sẽ gây nguy hiểm. Nếu đứng cách nguồn phóng xạ Co-60 ở khoảng cách 10 cm trong vòng một giờ một người bình thường có thể bị nhiễm xạ với liều gấp 2,6 lần giới hạn cho phép trong một năm (1mSv/năm).
Vật liệu chứa phóng xạ Co-60 chỉ là cục thép nhỏ, ngay cả người làm trong ngành hạt nhân không có thiết bị dò phóng xạ cũng khó nhận biết. Nếu hộp chứa nguồn phóng xạ bị mở, phá hủy sẽ cực kỳ nguy hiểm do phóng xạ sẽ phát tán tự do nên cường độ phóng xạ sẽ rất mạnh.
Khi bị nhiễm phóng xạ Co-60 tùy theo khoảng cách và hoạt độ phóng xạ mạnh hay yếu có thể gây ra loét da thịt, ung thư hay biến đổi gen, biến đổi máu... nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.
Vào năm 2000 tại Thái Lan đã từng có vụ một người thu gom phế liệu đã mua nhầm nguồn phóng xạ Co-60 bị mất trước đó. Do không biết, cơ sở thu gom phế liệu đã phá hủy hộp bảo vệ khiến nhiều người làm việc tại đây bị phơi nhiễm và đã có người tử vong vì nhiễm phóng xạ nặng.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, phóng xạ Co-60 có thể gây ung thư. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe tùy thuộc thời gian phơi nhiễm, khoảng cách tiếp xúc, hoạt độ của nguồn phóng xạ, điều kiện tiếp xúc... Hầu hết Co-60 đều được thải qua phân, tuy nhiên một lượng nhỏ vẫn được gan, thận và xương hấp thụ và có thể gây ung thư.
Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), phóng xạ Co-60 còn có thể được sử dụng để chế tạo bom bẩn. Tất cả những điều đó cho thấy mối nguy hiểm tiềm tàng rất lớn khi nguồn phóng xạ này lọt ra bên ngoài.
Thay đổi luật để gắn thiết bị định vị trên nguồn phóng xạ
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết đối với các nguồn bức xạ có hoạt độ cao thì Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân là cơ quan cấp giấy phép để đơn vị sử dụng có thể nhập về, sử dụng, lưu giữ. Việc sửa chữa, bảo dưỡng cũng phải có ý kiến của cục.
Việc kiểm tra tình trạng của thiết bị được phân cấp cho Sở KH-CN các địa phương và Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân sẽ phối hợp để có kế hoạch thanh tra. Ông Tấn thừa nhận là lẽ ra các cơ quan chức năng phải kiểm tra hằng năm, tuy nhiên do thiếu người nên việc thanh kiểm tra chỉ được thực hiện khoảng ba năm một lần.
Do đó, trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, bảo vệ, đảm bảo an toàn của thiết bị phóng xạ phụ thuộc vào đơn vị sử dụng. Hằng năm Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có tập huấn cho các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ về cách bảo quản, đảm bảo an toàn cho thiết bị.
Trước việc thất lạc nguồn phóng xạ như thời gian qua, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang đề nghị sửa đổi Thông tư 23/2010/TT-BKHCN để tăng cường việc quản lý nguồn phóng xạ có hoạt độ cao.
Khi việc kiến nghị sửa đổi được thông qua, trong vòng sáu tháng các nguồn phóng xạ di động sẽ phải lắp định vị GPS. Riêng những nguồn mới nhập về sẽ phải được lắp đặt thiết bị định vị trước khi được đưa vào sử dụng.
Ông Tấn cho biết chỉ lắp đặt thiết bị định vị trên nguồn phóng xạ di động vì đây là nguồn khó quản lý hơn, di chuyển nhiều và phù hợp với cách quản lý như ở các nước. Nguồn phóng xạ cố định sẽ không lắp định vị vì loại nguồn này có nhiều giải pháp khác để quản lý, còn việc mất cắp là do không tuân thủ quy định.
Ông Tấn cũng cho biết việc TPHCM có ý định lắp đặt thiết bị định vị trên tất cả các nguồn phóng xạ (cố định và di động) là cách để quản lý tốt hơn các nguồn phóng xạ tại địa phương này.
Hôm qua, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch (ICDREC) tiến hành lắp đặt thiết bị định vị GPS trên các nguồn phóng xạ bắt đầu từ hôm nay (8-4). Tuy nhiên việc lắp đặt thiết bị vẫn chưa thể tiến hành theo yêu cầu của ông Hà, mà phải dời đến thứ Hai tuần sau.
Liên quan đến việc quản lý gần 2.000 nguồn phóng xạ không còn hoạt động, theo ông Tấn, đơn vị sử dụng trước đó sẽ phải tiếp tục lưu giữ cho đến khi chúng được đưa về lưu giữ chung tại Viện Năng lượng nguyên tử hoặc viện xạ hiếm để lưu trữ tập trung. Tuy nhiên về lâu dài cần có kho lưu trữ quốc gia để chứa những nguồn phóng xạ này.
Mời xem thêm