Thứ tư, 20/11/2024
25.6 C
Ho Chi Minh City

Phú Quốc có thể sẽ bị kẹt xe, ngập nước như Hà Nội, TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phú Quốc có thể sẽ bị kẹt xe, ngập nước như Hà Nội, TPHCM

Trần Văn Trãi

(TBKTSG Online) - Rao bán đất nền và san lấp mặt bằng tràn lan, ruộng lúa hoa màu đang dần trở thành nơi xây cất công trình, nhiều khu vực đất trống bị bê tông hóa. Thật không ngoa khi một vị kiến trúc sư nhận xét rằng, nếu không có kiểm soát, sự phát triển bất chấp thiếu tính bền vững hiện nay có thể khiến Phú Quốc trong tương lai sẽ bị ngập, bị kẹt xe hệt như Hà Nội hay TPHCM.

Chỉ sau gần bốn tháng từ khi gỡ bỏ lệnh cấm hồi tháng 3 năm nay, Phú Quốc lại tiếp tục bị cho tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện. Chủ trương này không chỉ giúp rà soát để phát hiện ra những điểm bất cập còn tồn đọng trong thời gian qua đồng thời giúp địa phương tìm ra cách giải quyết vấn đề và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. 

Đảo Phú Quốc đón khách trở lại sau thời gian tránh dịch

Du lịch Phú Quốc tăng nhiệt sau đám cưới tỉ phú Ấn Độ

Với Phú Quốc, chính quyền địa phương đừng vì mục tiêu kinh doanh bất động sản, bằng mọi cách đạt lợi nhuận từ khai thác quỹ đất. Ảnh minh họa: TTXVN

Nếu nhìn vào tổng thể thị trường bất động sản tại Phú Quốc có thể nhận thấy bên cạnh những dự án có quy mô lớn được đầu tư bài bản còn có rất nhiều dự án bất động sản nhỏ, lẻ tẻ và manh mún. Có thể dễ dàng nhận ra rằng Phú Quốc hiện có kết cấu hạ tầng không đồng bộ, quy hoạch thiếu kết nối, nhiều dự án bất động sản được duyệt riêng lẻ nằm trên cùng một địa bàn, dẫn đến sự chia cắt cục bộ, không thể liên hoàn về hệ thống thoát nước và giao thông.

Vừa qua, tôi với vài người bạn du lịch đến Phú Quốc, tranh thủ khảo sát thực tế để đầu tư bất động sản. Tham quan nhiều nơi, người bạn kiến trúc sư đi cùng cho rằng, đảo này tương lai sẽ xảy ra ngập nước, kẹt xe tương tự Hà Nội và TPHCM.

Tôi thắc mắc, người bạn giải thích, mấy ngày qua đi đến đâu cũng thấy rao bán đất nền, san lấp mặt bằng, ruộng lúa hoa màu đang dần trở thành nơi xây cất công trình, nhiều khu vực đất trống bị bê tông hóa.

Điển hình khu vực thị trấn Dương Đông được tận dụng từng mét vuông đất phân lô bán nền, kể cả lấn chiếm kênh suối để xây dựng. Như đoạn đường Trần Hưng Đạo ra đến bãi biển dày đặc resot, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng…

Một người bạn địa phương dẫn chúng tôi đi quãng đường dài hơn 200m mới có lối xuống bãi biển. Khu vực này là cung đường ven biển, đáng lẽ ra nên hạ thấp cao độ xây dựng thành một công viên sẽ thích hợp hơn, nhưng ngược lại nó được nâng lên thành con đê ngăn nước thoát ra biển. Các con đường Trần Phú, Cách Mạng Tháng Tám tại thị trấn này cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Qua chuyến đi Phú Quốc, điều đọng lại trong tôi về nơi đây là quy hoạch đang có nguy cơ bị phá vỡ bởi nhiều dự án bất động sản nhỏ lẻ phân lô bán nền.

Các dự án được thực hiện bởi nhiều chủ đầu tư khác nhau sẽ dẫn đến quyết định phê duyệt cũng mang tính riêng lẻ trong cùng khu vực, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ, thiếu kết nối về hệ thống cao độ, thoát nước, giao thông…

Những dự án như thế được hình thành sẽ khó đảm bảo phát triển lâu dài, không đủ điều kiện sinh hoạt theo quy định, xuống cấp nhanh, tuổi thọ công trình cũng thấp.

Có thể thấy Phú Quốc đang thiếu một hệ thống chính sách phù hợp, trong đó quản lý nhà nước cần hiệu quả hơn, phát triển về thị trường bất động sản cũng cần bài bản hơn. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, tương lai nơi đây có thể ngập nặng hơn thời gian qua.

Cụ thể là mới năm ngoái thôi, những điều lo ngại trên đã xảy ra. Phú Quốc như một đô thị giữa khơi, xung quanh đều là các hướng thoát nước nhưng lại bị ngập nặng sau những trận mưa. Ngớt mưa, nước thoát vẫn chậm, nhiều nơi ngập sâu gần 2m.

Nguyên nhân được chỉ ra nào là mưa lớn liên tục trong nhiều ngày khiến hệ thống cống quá tải, nghẽn dòng chảy, nước thoát không kịp… Hậu quả đến từ thiên tai và cả nhân tai.

Điều căn bản và quan trọng nhưng ít ai để ý trong phát triển đô thị, đó là khi làm đường phải tính toán một cách tổng thể về giao thông, sinh hoạt cho người dân địa phương. Hệ thống thoát nước phải phù hợp với quy hoạch trong khu vực và toàn bộ mạng lưới thoát nước phải đồng bộ, không cản trở hướng thoát nước, không làm phát sinh điểm ngập, đảm bảo thoát nước cho các vị trí giao cắt với tuyến đường.

Phát triển đừng chỉ nhìn vào những tòa nhà cao tầng hay trung tâm thương mại sầm uất mà còn bao gồm các vùng vệ tinh như đất trống, mảng xanh nhằm tạo không gian hài hòa và cân đối với các mối quan hệ về kinh tế xã hội từ chỗ ở, học hành, việc làm, môi trường, sinh hoạt cộng đồng cho đến nhu cầu đi lại.

Càng mở rộng đô thị thì hệ số dòng chảy càng cao, lượng nước mưa lớn đòi hỏi kích thước cống, kênh, mương, rạch để vận chuyển lưu lượng nước mưa cũng phải tăng theo, nếu hạ tầng không đáp ứng cho thoát nước tất sẽ gây ngập. Phú Quốc có hệ thống cống thoát nước từ 2003, đến nay có lẽ khó đáp ứng yêu cầu theo mật độ dân số.

Với Phú Quốc, chính quyền địa phương đừng vì mục tiêu kinh doanh bất động sản, bằng mọi cách đạt lợi nhuận từ khai thác quỹ đất. Hãy dành phần lớn diện tích đất cho công trình công cộng, mảng xanh dọc sông và biển, các dịch vụ còn thiếu như quảng trường, cung thiếu nhi, trung tâm hội nghị và tài chính.

Nơi đây đang cần những dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng gắn với lợi ích cộng đồng, kêu gọi đầu tư đúng luật để có thể thúc đẩy phát triển bền vững cho địa phương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới