(KTSG Online) - Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 27 dự án nhà ở xã hội. Dự kiến tổng vốn đầu tư để thực hiện mục tiêu này hơn 3.400 tỉ đồng.
- Hướng đi bền vững cho phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam
- Bổ sung hơn 800 căn nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Mê Linh
TTXVN dẫn thông tin từ Sở Xây dựng Phú Thọ cho biết, dự kiến đến năm 2025, sẽ hoàn thành 9.788 căn nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, diện tích tăng thêm khoảng 517.000m2 sàn, trong đó, diện tích sàn nhà ở xã hội để cho thuê khoảng 103.400m2 sàn.
Theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, sau thời gian triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ tại Phú Thọ, về cơ bản đã và đang dần đáp ứng nhu cầu, đang trong lộ trình thực hiện và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh.
Vì thế, UBND tỉnh Phú Thọ đã bổ sung, lập mới các đồ án quy hoạch khu nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, làm cơ sở để mời gọi các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, việc triển khai dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn dẫn vào thị trường bất động sản; quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó phải kể đến các chính sách nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu do nguồn lực của tỉnh khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa quan tâm nhà ở xã hội do công tác xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách ưu đãi chưa hiệu quả dẫn đến rất khó khăn trong việc thu hút, lựa chọn chủ đầu tư; cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn có sự mất cân đối, tỷ lệ nhà chung cư cho thuê trên tổng quỹ nhà còn thấp.
Bên cạnh đó, chính sách cho vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rất khó tiếp cận mà phải vay thương mại... Cơ chế ưu đãi phát triển nhà ở xã hội còn bất hợp lý, chưa hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đáng chú ý, quy định bắt buộc các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% diện tích quỹ nhà để cho thuê nhưng thực tế không có khách hàng đăng ký thuê, gây lãng phí và thiệt hại cho chủ đầu tư….