Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phương Tây có thể chấm dứt phụ thuộc pin xe điện Trung Quốc vào năm 2030

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo Mỹ và châu Âu có thể cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với pin xe điện thông qua hơn 160 tỉ đô la Mỹ đầu tư mới đến năm 2030.

Các modul pin cho mẫu xe điện Twingo của hãng xe Renault (Pháp) tại một nhà máy lắp ráp ở Slovenia. Ảnh: Bloomberg

Pin xe điện là một trong những công nghệ cốt lõi khiến các nước phương Tây lo ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nước đang sản xuất 3/4 lượng pin của thế giới đồng thời cũng thống lĩnh sản xuất nguyên liệu và linh kiện của chúng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo gửi cho khách hàng mới đây, các nhà phân tích của Goldman Sachs tin rằng việc chuyển hướng mạnh mẽ sang chủ nghĩa bảo hộ ở Washington và Brussels, kết hợp với làn sóng đầu tư mạnh chưa từng thấy của các công ty bên ngoài Trung Quốc, phương Tây có khả năng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung pin xe điện của Trung Quốc trong 7 năm tới.

Theo tính toán của Goldman Sachs, để thiết lập thành công chuỗi cung ứng pin tự cung tự cấp, các nước cạnh tranh với Trung Quốc sẽ cần chi 78,2 tỉ đô la Mỹ cho các nhà máy sản xuất pin, 60,4 tỉ đô la Mỹ để sản xuất linh kiện pin và 13,5 tỉ đô la Mỹ để khai thác các nguyên liệu thiết yếu của pin gồm lithium, nickel và cobalt, cũng như 12,1 tỉ đô la Mỹ để tinh chế các nguyên liệu đó.

Các nhà phân tích của ngân hàng này tin rằng Mỹ và châu Âu có thể đủ sức đáp ứng nhu cầu pin thành phẩm cho các hãng xe điện của họ mà không cần Trung Quốc trong vòng 3 đến 5 năm tới. Điều này phần lớn nhờ vào các khoản đầu tư khổng lồ của LG và SK (Hàn Quốc), những tập đoàn đang thiết lập các dự án sản xuất pin tại Mỹ để tận dụng các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ Mỹ.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo thị phần của các nhà sản xuất pin Hàn Quốc tại Mỹ sẽ tăng lên khoảng 55% trong 3 năm tới, từ mức 11% vào năm 2021.

Việc đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được ban hành ở Mỹ hồi tháng 8 đã mang lại các ưu đãi lớn về thuế và các khoản trợ cấp khác cho chuỗi cung ứng pin đồng thời thúc đẩy việc sử dụng xe điện. Goldman Sachs ước tính trung bình mỗi xe điện đủ điều kiện ở Mỹ sẽ nhận được hơn 10.000 đô la Mỹ trợ cấp từ đạo luật IRA.

Ross Gregory, đối tác của Công ty tư vấn xe điện New Electric Partners, cho rằng mặc dù đạo luật IRA giúp tăng tốc đầu tư vào các nhà máy pin khổng lồ gần đây, ước tính chi phí đầu tư cho chuỗi cung ứng pin của Goldman Sachs để bảo đảm khả năng tự cung tự cấp có vẻ quá thấp. Ông cho rằng khung thời gian 7 năm để phương Tây cắt giảm sự phụ thuộc vào pin của Trung Quốc dường như hơi lạc quan.

Ông nói: “Có một số động lực đang hình thành, nhưng vẫn chưa có sự sẵn sàng mạnh mẽ nào của các công ty phương Tây để đầu tư vào thượng nguồn của chuỗi cung ứng pin (thăm dò và khai thác nguyên liệu pin) ngoại trừ các công ty Trung Quốc. Ví dụ, không có một dự án khai thác mỏ nguyên liệu pin mới đáng chú ý nào ở Úc được phát triển dựa vào các khoản đầu tư lớn của nước ngoài”.

Ông cho biết thêm tiềm năng tăng trưởng của cơ sở hạ tầng xe điện ở Trung Quốc trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ lớn đến mức nó vẫn sẽ vượt xa châu Âu và Mỹ.

Nỗ lực giảm sự thống trị của Trung Quốc đối với nguyên liệu và linh kiện pin cũng được coi là một thách thức lớn. Thị phần năng lực sản xuất cực dương và cực âm của pin xe điện trên toàn cầu của các công ty Trung Quốc lần lượt là 87% và 77%, tiền chất pin xe điện (các vật liệu chứa nickel, cobalt và manganese) là 85%.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng sự thống trị đó của Trung Quốc có thể bị phá vỡ bởi các chính sách bảo hộ ở châu Âu và Mỹ, cùng với các hóa chất thay thế cho pin đòi hỏi sử dụng ít khoáng chất quan trọng hơn từ Trung Quốc, cũng như sự gia tăng tái chế pin sẽ cắt giảm nhu cầu về lithium và nickel.

Goldman Sachs cho biết thêm nhiều công ty bên ngoài Trung Quốc đang phát triển pin sodium-ion, một giải pháp thay thế cho pin lithium-ion cũng như pin LFP (Lithium Ferrous Phosphate) sử dụng cực âm không có nickel và cobalt.

Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế cơ bản của việc sản xuất pin xe điện ở phương Tây là rào cản trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc.

“Chúng tôi lưu ý rằng chi tiêu vốn đầu tư trên mỗi đơn vị công suất pin dựa vào các thông báo gần đây của công ty ở Mỹ cao hơn 78% so với Trung Quốc . Tình trạng thiếu lao động và lạm phát tiền lương cũng sẽ khiến việc sản xuất pin ở Mỹ trở nên tốn kém hơn”, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho hay.

Rủi ro môi trường cũng là một thách thức chưa được giải quyết đối với chuỗi cung ứng xe điện bên ngoài Trung Quốc. Cho đến nay, thế giới chấp nhận dựa vào Trung Quốc không chỉ để khai thác các kim loại pin mà còn để chế biến các kim loại này, vốn đòi hỏi sử dụng các hóa chất độc hại cao và chất thải của chúng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới