Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

PMI tháng 8 tiếp tục trượt dốc do Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

PMI tháng 8 tiếp tục trượt dốc do Covid-19

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) - Chỉ số đo sức khỏe sản xuất PMI của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục trượt dưới ngưỡng 50 điểm. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận sự thu hẹp của lĩnh vực sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp diễn.

Theo công ty phân tích và cung cấp dữ liệu IHS Markit, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tiếp tục làm suy giảm các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ  hai liên tiếp với mức độ lớn hơn so với tháng 7. Số lượng việc làm cũng giảm đáng kể.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI cho thấy ngành sản xuất Việt Nam đã giảm mạnh từ 47,6 điểm của tháng 7 về 45,7 điểm trong tháng 8. Điều này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã giảm lần thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trở lại trong tháng 6. Kết quả này tuy nhiên vẫn ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tháng tồi tệ nhất do ảnh hưởng của Covid-19 là tháng 4.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tiếp tục làm suy giảm các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8. Đồ hoạ: IHS Markit

Bình luận về kết quả khảo sát này, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, cho biết dữ liệu PMI mới nhất của Việt Nam cho thấy những ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 với lĩnh vực sản xuất và những thách thức gặp phải trong việc cố gắng vượt qua dịch.

Nhu cầu khách hàng vẫn yếu nên các công ty đã giảm sản lượng tương ứng. Bức tranh về việc làm là đặc biệt đáng lo ngại khi tỷ lệ mất việc là cao thứ nhì trong thời gian chín năm rưỡi thu thập dữ liệu của công ty này.

Dữ liệu cũng cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh, và đây là mức giảm nhanh hơn so với tổng số đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm khiến cả lượng công việc tồn đọng và việc làm đều giảm trong bối cảnh năng lực sản xuất không phải chịu áp lực. Các công ty theo đó giảm số lượng việc làm với mức độ chỉ kém tháng giảm nhiều nhất là tháng 4.

Trong khi đó, hoạt động mua hàng giảm nhanh hơn cũng được ghi nhận khi số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản lượng giảm. Tuy nhiên, mức giảm hoạt động mua hàng hóa đầu vào vẫn yếu hơn nhiều so với mức giảm kỷ lục trong tháng 4. Tình trạng giảm hàng tồn kho cũng tiếp tục diễn ra, với lượng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng 8. Một số người trả lời khảo sát cho biết hàng thành phẩm đã được chuyển cho khách hàng ngay khi sẵn sàng để tránh tăng hàng tồn kho.

Theo IHS Markit, những lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19 lên nhu cầu đã làm giảm niềm tin của các nhà sản xuất về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới. Trong khi đó, các công ty vẫn dự báo sản lượng sẽ tăng trong năm tới với hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên, mức độ lạc quan đã ở một trong những mữc thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4-2012 đến nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới