Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quá tam ba bận, tại ai?

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Liên tiếp gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã rút lại một số đề xuất do chính bộ này đưa ra trước đó. Chẳng hạn, Bộ GD&ĐT dự kiến quy định thi ba môn vào lớp 10, trong đó có toán, ngữ văn và một môn thi do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục THCS. Trước phản ứng của dư luận, Bộ GD&ĐT rút lại đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3.

Dự thảo Luật Nhà giáo (do cơ quan soạn thảo thuộc Bộ GD&ĐT), theo đó, mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề. “Đột phá” này gây hoang mang trong đội ngũ nhà giáo, nhìn chung không nhận được sự đồng tình của mọi người. Bộ chủ quản muốn bảo lưu, song đến Dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được rút lại!

Theo chương trình từ kỳ họp thứ 8, dự kiến ngày 9-11 Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo. Và lần này, trước nhiều ý kiến băn khoăn, kể cả giáo viên - Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.

Rút đề xuất trong dự thảo Luật, Thông tư, thể hiện cầu thị, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân, cơ quan công luận. Nhưng “lặp đi, lặp lại”, thiết nghĩ, quản lý giáo dục tầm “tư lệnh” cần thay đổi, để mỗi lần “trình làng” một vấn đề thuộc thẩm quyền (triển khai hay soạn thảo), sẽ nhận phản hồi tích cực, đông đảo người trong và ngoài ngành giáo dục “tâm phục, khẩu phục”.

Muốn vậy, căn cứ đề xuất dựa trên nền tảng - nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, dệt nên từ người thầy giỏi giang, đức độ, bao dung và họ được quản lý bằng trân trọng, thấu hiểu cả về đời sống vật chất, tinh thần... Dạy học là dạy người, góp phần quan trọng đào tạo con người khỏe khoắn, trung thực, ham học hỏi, học tập suốt đời, sẵn sàng cho công dân toàn cầu. Huy động nguồn lực xã hội, sự phối hợp của phụ huynh theo phương châm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, “Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”.

Sâu sắc giá trị trên thì cần gì phải bốc thăm môn thi thứ 3, không lo học sinh học lệch, không vụng về tìm “biệt lệ” cho nhà giáo!

Người chấp bút dự thảo phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực được giao soạn thảo, trui rèn qua thực tiễn, nhạy bén cái mới, trách nhiệm cao với mỗi nội dung soạn thảo để hệ thống vận hành suôn sẻ, mang lại lợi ích chính đáng (cho đối tượng chịu tác động), không chủ quan, không “vội cho là chín”, càng không thiên kiến... Khi công bố dự thảo, qua ý kiến đóng góp, tập hợp tuyệt đại “phiếu thuận”. Kết quả quá trình làm việc với phương châm chia sẻ và hợp tác, công tâm và minh bạch, đồng lòng và đồng thuận, linh hoạt và sáng tạo. Kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tường khoa học giáo dục, chắc và ngay ngắn, sát và hiểu thực tiễn, giàu khát vọng và ước mơ cao đẹp (giáo dục nước nhà); đồng thời có quy trình soạn thảo, phản biện biện chứng thì không phải... “đẽo cây giữa đường”.

Từ dự thảo đến chính thức là một thể bổ sung, hoàn thiện trong trạng thái tích cực, mâu thuẫn nếu có, mâu thuẫn tích cực! Mỗi đề xuất khi nhận “siêu bão” phản đối, niềm tin vào người chấp bút, cơ quan soạn thảo bị rung lắc, có thể hơn thế. Biết bao “giấy mực” để lên tiếng, lợi ích tuy có, nhưng tiêu tốn thời gian, tiền bạc, gây ra bức bối, phập phồng đợi chờ - lãng phí lớn lắm!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới