(KTSG Online) - Các doanh nghiệp phản ánh đang có hiện tượng "vẽ rắn thành rồng" trong quy định quản lý nhà nước và hiện tượng “sợ trách nhiệm” khi công chức thực thi nhiệm vụ khiến họ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức.
- Thủ tục 'lòng vòng' doanh nghiệp bị tăng chi phí và suy giảm niềm tin
- TPHCM lo vì sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp
Đây là hai vấn đề quan ngại mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TPHCM phản ánh được Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) tổng hợp gửi Văn phòng Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Tại văn bản, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, cho biết tình hình đầu tư tại TPHCM có nhiều vấn đề cần kiên quyết cải thiện.
Qua thực trạng và phản ánh của doanh nhân cùng với doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Bé, cho thấy đang có hiện tượng “Vẽ rắn thành rồng” trong quản lý nhà nước. Quy định của Nhà nước được cơ quan quản lý thêm thắt cho chặt chẽ và chi tiết đến mức thành “nút thắt" làm khó doanh nghiệp và người dân.
Ông Bé dẫn đơn cử như cũng là nội dung “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000”, Khu chế xuất Linh Trung 3 tại Tây Ninh được giải quyết trong 2 tháng là có giấy phép. Nhưng cũng là “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ” tại Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 ở TPHCM thì hơn 2 năm vẫn chưa có giấy phép.
Đáng chú ý, theo phản ánh của các doanh nghiệp rằng đang có hiện tượng “sợ trách nhiệm” khi công chức thực thi nhiệm vụ, kể cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Đại diện HBA lấy đơn cử như Điều 39 Luật Đầu tư năm 2014 quy định “Tiến độ thực hiện dự án bao gồm: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động …”.
Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp Khu công nghệ cao thì Ban Quản lý và Phòng Xây dựng Khu công nghệ cao đã ban hành nhiều chi tiết ngặt nghèo trong triển khai cụ thể dự án của doanh nghiệp đến mức ảnh hưởng, xâm phạm đến chiến lược kinh doanh và bảo mật ngành nghề của doanh nghiệp.
Ngoài ra, HBA cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp mà nguyên do từ cơ chế Nhà nước.
Đơn cử như Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Phòng cháy chữa cháy. Trong đó có quy định sơn nhà xưởng, cột kèo bằng “sơn chống cháy” làm cho chi phí tăng 50%. Các doanh nghiệp đầu tư phàn nàn, kêu ca về quy định này và đặt vấn đề có nhất thiết phải ràng buộc như vậy không?
Chính sách Nhà nước Khoản 6 Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐCP quy định cơ chế uỷ quyền cấp giấy phép về Tác động Môi trường (ĐMT) của Bộ Tài nguyên Môi trường cho các tỉnh, thành và xuống tận Ban Quản lý khu công nghiệp, nhất là các Ban Quản lý có đầy đủ năng lực.
Quy định này nghe như chế độ “một cửa” tại Ban Quản lý KCN đã được thực hiện, nhưng thực chất theo phản ánh của HBA là 2 lớp giấy phép khi thực hiện. Đó là phải có “giấy phép con” của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường thì Ban Quản lý mới cấp được sau thẩm định.
Lấy ví dụ điển hình như công ty CPĐT TM Sunshine Tech - chi nhánh TPHCM đổi tên là Công ty Unicloud – Chi nhánh TPHCM, đã làm thủ tục 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép ĐTM.
"Nhiều doanh nghiệp khác với 2 lớp giấy phép kiểu như trên từ lúc nộp hồ sơ đến nay 2 năm chưa được cấp phép", theo nội dung phản ánh của HBA.
Ngoài những kiến nghị liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu trong việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chánh cho doanh nghiệp, HBA còn kiến nghị Chính phủ quan tâm quy hoạch tăng thêm quỹ đất nhằm đầu tư xây dựng thêm các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xin gia hạn thêm 20 năm cho Khu chế xuât Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Lê Minh Xuân, Tân Phú Trung...
Trước đó (ngày 31-8), hội nghị đối thoại giữa chính quyền TPHCM với doanh nghiệp do Hội đồng Nhân dân TPHCM tổ chức, các ý kiến của hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp cũng nêu tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Bên cạnh đó, hàng loạt vướng mắc khác về thẩm định môi trường, cấp giấy phép xây dựng phức tạp… đã được các doanh nghiệp phản ánh tại cuộc đối thoại.