(KTSG Online) - Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã... phát động các chương trình quảng bá hàng Việt và sản phẩm đặc trưng vùng miền trên nền tảng số, qua đó giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
- Hộ kinh doanh lo ‘đứng ngoài’ nền kinh tế số vì hoá đơn đầu vào
- Đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030

Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1970 về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 18-6-2025 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025, Baochinhphu.vn đưa tin.
Theo kế hoạch, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp cùng sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế triển khai chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa qua môi trường trực tuyến. Nhóm được ưu tiên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề và cơ sở sản xuất địa phương.
Bộ cũng khuyến khích việc phát động các chương trình quảng bá hàng Việt và sản phẩm đặc trưng vùng miền trên nền tảng số, qua đó giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Một trong những trọng tâm là đào tạo chuyên sâu và hướng dẫn ứng dụng công nghệ số cho doanh nghiệp, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài... sẽ thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số mà còn phổ cập kỹ năng thương mại điện tử đến từng địa phương, từng doanh nghiệp, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa. Qua đó, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế.
Trong thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức nhiều chương trình thúc đẩy thương mại điện tử gắn với phát triển vùng. Chẳng hạn như tổ chức hội nghị liên kết vùng như tại miền Trung và Lai Châu nhằm kết nối địa phương với hệ thống phân phối hiện đại và khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh.
Một dẫn chứng nữa là thông qua Trung tâm phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (eComDX), cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn tại tỉnh Thái Nguyên, Trà Vinh, Hưng Yên, Gia Lai, Quảng Trị... giúp doanh nghiệp và hợp tác xã nắm bắt kiến thức pháp luật, kỹ năng kinh doanh số, chiến lược livestream, xây dựng thương hiệu cá nhân, ứng dụng AI và các công cụ số khác.