Chủ Nhật, 27/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quảng cáo lố và bán hàng giả – Đâu là ranh giới?

LS. Nguyễn Thị Thanh Ngân (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vụ việc kẹo rau củ Kera chỉ là một lát cắt nhỏ trong thực trạng quảng cáo sai sự thật và kinh doanh hàng giả đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội - nơi người nổi tiếng, KOL và Influencer ngày càng trở thành công cụ truyền thông chính cho các chiến dịch tiếp thị.

Trước những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và niềm tin xã hội, đã đến lúc pháp luật Việt Nam cần có bước tiến quyết liệt hơn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý.

Trong kỷ nguyên số, quảng cáo đã vượt khỏi ranh giới truyền thống, len lỏi vào mạng xã hội, video ngắn, livestream… Nhiều sản phẩm được bán qua các kênh này đã bị phanh phui là quảng cáo sai sự thật, thậm chí có dấu hiệu là hàng giả.

Ranh giới mong manh

Theo quy định pháp luật, quảng cáo sai sự thật là hành vi cung cấp thông tin không đúng, gây nhầm lẫn hoặc không có thật về số lượng, chất lượng, công dụng, thời hạn bảo hành… nhắm vào tâm lý người tiêu dùng. Thổi phồng công dụng, đưa lời chứng thực “ảo”, gán mác chưa được kiểm chứng - tất cả đều là vi phạm(1). Trong khi đó, hàng giả là bước đi xa hơn: Làm giả bản chất, thành phần, chất lượng (chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn), chứa thành phần khác với thông tin công bố hoặc giả mạo nhãn mác, bao bì, mã số, nguồn gốc(2). Đó không chỉ là hành vi gian dối trong quảng bá, mà còn là sự gian lận có tổ chức trong sản xuất và lưu thông.

Trường hợp sản phẩm kẹo rau củ Kera chứa tới 33,4g/100g Sorbitol nhưng không công bố trên nhãn đã vượt xa lỗi ghi nhãn thông thường. Trong thông tin ban đầu về kết quả kiểm nghiệm được báo Chinhphu.vn đăng tải hôm 19-3, vụ kẹo Kera bị xử lý trước hết là vì “quảng cáo quá đà” và vẫn “đang chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra”. Nhưng rõ ràng, vụ việc này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết: cần siết chặt trách nhiệm pháp lý không chỉ với nhà sản xuất, nhà phân phối, mà cả những người quảng cáo - những người có thể vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho hàng giả len lỏi vào đời sống tiêu dùng.

Trách nhiệm pháp lý của các chủ thể liên quan

Doanh nghiệp là chủ thể chịu trách nhiệm chính về nội dung quảng cáo và chất lượng sản phẩm. Hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch, gây hiểu lầm về công dụng có thể bị xử phạt hành chính theo Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành, với mức phạt từ 120-160 triệu đồng(3). Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5-7 tháng hoặc giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22-24 tháng nếu tái phạm từ hai lần trở lên trong vòng sáu tháng đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo khoản 8 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP), các tổ chức vi phạm còn bị buộc tháo gỡ quảng cáo, thu hồi ấn phẩm vi phạm và cải chính thông tin. Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối, theo điều 197 Bộ luật Hình sự.

Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tùy thuộc vào giá trị hàng hóa, mức độ và hậu quả gây ra, hành vi này có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP), với mức phạt lên tới 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, nộp lại khoản lợi nhuận bất hợp pháp hoặc buộc tái xuất hàng giả ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù(4).

Người nổi tiếng, KOL và Influencer dù có tầm ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng, hiện vẫn chưa bị ràng buộc đầy đủ trách nhiệm pháp lý khi tham gia quảng cáo sai sự thật. Nghị định 38/2021/NĐ-CP chỉ điều chỉnh các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất và phát hành quảng cáo, còn việc xử phạt người nổi tiếng vẫn dựa chủ yếu vào hành vi “không thông báo tài trợ” theo điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 55/2024/NĐ-CP, chứ chưa xử lý được tận gốc hành vi tiếp tay cho quảng cáo gian dối(5).

Đáng chú ý, nhiều người nổi tiếng ngày nay không chỉ quảng bá sản phẩm, mà còn trực tiếp bán hàng thông qua các phiên livestream thương mại - từ giới thiệu, tư vấn, đến chốt đơn và nhận hoa hồng theo doanh số. Vai trò này đã vượt xa chức năng quảng cáo thuần túy, có dấu hiệu tiệm cận hoạt động kinh doanh. Nếu sản phẩm được rao bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành hoặc kém chất lượng, thì hành vi của họ cần được xem xét dưới góc độ “kinh doanh hàng giả” chứ không chỉ là quảng cáo sai lệch.

Việc doanh nghiệp cố tình chọn người có sức ảnh hưởng thay vì người quảng cáo thông thường là chiến lược tiếp thị tinh vi - nhằm tận dụng lòng tin, sự ngưỡng mộ và tâm lý tiêu dùng cảm tính để thúc đẩy mua hàng. Khi người nổi tiếng trực tiếp bán sản phẩm, họ không còn là “gương mặt đại diện thương hiệu”, mà là một mắt xích trong chuỗi cung ứng thương mại. Do đó, họ cần được đặt trong khuôn khổ pháp lý của hoạt động kinh doanh với đầy đủ nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa và trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm. Hiện pháp luật vẫn thiếu quy định cụ thể để điều chỉnh vai trò “bán hàng kiêm quảng bá” của nhóm đối tượng này. Đây là lỗ hổng lớn trong cơ chế bảo vệ người tiêu dùng mà cơ quan nhà nước cần bổ sung ngay, bởi chính những cá nhân có sức ảnh hưởng lại đứng ngoài vùng trách nhiệm.

Kiến nghị

Trước tiên, cần bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý (cả hành chính và hình sự, như tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…) đối với các cá nhân có sức ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo. Họ phải có nghĩa vụ xác minh nguồn gốc, thành phần và công dụng sản phẩm, chịu trách nhiệm nếu nội dung quảng bá sai sự thật. Việt Nam cũng nên cân nhắc áp dụng chế tài bổ sung như cấm quảng cáo, cấm xuất hiện trên truyền thông trong thời hạn nhất định nhằm tăng tính răn đe. Đồng thời, với các doanh nghiệp đứng sau chiến dịch quảng cáo sai lệch hoặc kinh doanh hàng giả, cần nâng mức xử phạt hành chính đủ mạnh, tránh tình trạng chấp nhận nộp phạt như một “chi phí hợp lý” trong kinh doanh.

Đặc biệt, với hành vi kinh doanh hàng giả - vốn không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng - cần tăng cường thanh tra định kỳ và sửa đổi các quy định xử phạt để phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh truyền thông pháp lý, giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận diện quảng cáo sai sự thật và phân biệt hàng thật - hàng giả, qua đó tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

(*) Công ty Luật TNHH Phuoc&Partners

(1) Khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo

(2) Khoản 7 điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

(3) Điều 5, điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP

(4) Điều 4.4, điều 9 đến điều 14 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; Điều 192 đến điều 195 Bộ luật Hình sự

(5) https://tuoitre.vn/thuy-tien-bi-phat-25-trieu-dong-lien-quan-quang-cao-sai-su-that-keo-rau-cu-kera-20250404142542066.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới