Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam sẽ ‘phủ sóng’ OCOP đến cuối năm nay

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đến cuối năm 2022, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam đều sẽ có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP. Trong đó, ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, sẽ kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh.

Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ hỗ trợ phát triển/nâng cấp 268 sản phẩm đã được công nhận tham gia chương trình OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm). Và đến cuối năm 2022 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2022 đạt hạng 3 sao trở lên.

Không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp và đặc sản địa phương tại Nhà hàng Coco Casa An Bàng, thành phố Hội An. Ảnh: Đình Quân

Các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.

Những thông tin này được đề cập trong kế hoạch triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm vừa được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành.

Bên cạnh những hoạt động kể trên, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã) tham gia OCOP. Toàn bộ chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sẽ có ít nhất hai hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP được tổ chức bên cạnh hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Thời gian gửi hồ sơ về cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 sẽ được tiến hành trước ngày 15-7-2022 (tối thiểu 50% sản phẩm đã đăng ký) và đợt 2 là trước ngày 15-9-2022 (đối với số sản phẩm còn lại).

Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh…

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc phát triển các sản phẩm OCOP và biến thành các sản phẩm quà tặng của tỉnh sẽ kích thích khởi nghiệp sáng tạo của địa phương. Hơn nữa, việc này sẽ đưa sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam có sự gắn kết chặt chẽ và trở thành sản phẩm du lịch nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới