Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam tìm cách vừa phát triển du lịch cộng đồng vừa bảo vệ vọoc

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam – đang là nơi lưu trú của hàng chục cá thể vọoc nằm trong sách đỏ thế giới – muốn phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với phát triển bền vững về đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế người dân.

Cụ thể, các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng địa phương trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý phát triển bền vững, du lịch cộng đồng hôm qua, 14-10, đã ngồi lại với nhau để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng, các mô hình thành công và định hướng hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Tam Mỹ Tây một cách bền vững.

Nhóm giáo viên và học sinh đến từ Anh Quốc trong một lần tham gia tour trải nghiệm tại Quảng Nam. Tour du lịch giáo dục gắn với cộng động có thể được xem là giải pháp để phát triển kinh tế tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - nơi đang có hàng chục cá thể vọoc quý hiếm trên thế thế giới. Ảnh: Nhân Tâm

Theo thông tin chính quyền địa phường và chuyên gia tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại xã Tam Mỹ Tây diễn ra chiều ngày 14-10 tại khách sạn Bàn Thạch, thành phố Tam Kỳ và đồng thời trực tuyến trên ứng dụng Zoom, vọoc Chà vá chân xám là loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Ở xã Tam Mỹ Tây hiện tại có 69 cá thể vọoc đang sinh sống trên diện tích 30 héc ta rừng tự nhiên tại 4 khu vực núi thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn.

Được biết, mới đây dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” do Mạng lưới các tổ chức Văn hóa châu Âu (EU National Institutes for Culture – EUNIC) và Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) vừa được khởi động.

Đại diện phân viện Goethe tại Việt Nam cho hay tour xem vọoc và động vật hoang dã tại Tâm Mỹ Tây kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng nếu được làm tốt và hiệu quả sẽ vừa hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế vừa có thể thực hiện du lịch cộng đồng bền vững.

Ở khía cạnh du lịch, đại diện các công ty du lịch cho rằng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giáo dục sẽ là bước đi phù hợp trước mắt.

“Chúng ta nên khuyến khích học sinh trong nước và quốc tế tham gia mô hình du lịch giáo dục tại đây”, ông Lê Quốc Việt từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói và chia sẻ thêm điều này sẽ bổ trợ tốt cho hệ sinh thái du lịch tại Quảng Nam. Ông Việt – cũng là thành viên sáng lập cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành tại thành phố Hội An – nói thêm nhu cầu du lịch giáo dục, trải nghiệm đang tăng cao tại Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Việt cũng băn khoăn vừa khai thác vừa bảo vệ du lịch vọoc không hề đơn giản.

Ông Lê Hoàng Hà, Giám đốc Emic Travel – đơn vị thường xuyên tổ chức các tour du lịch giáo dục trải nghiệm – cũng đồng tình và cho biết thêm điều quan trọng là thay đổi suy nghĩ của các bên liên quan về sản phẩm du lịch giáo dục. “Khách nào quan tâm đến giáo dục đều có thể tham gia vào mô hình du lịch này”, ông Hà cho hay.

Ở khía cạnh chuyên gia, ông Douglas Hainsworth, Trưởng nhóm tư vấn của Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ (SSTP), cho hay thành công của mô hình du lịch cộng đồng bền vững cần có hỗ trợ về chính sách, nguồn lao động, phát triển chuyên môn cũng như kế hoạch và quản lý cụ thể bên cạnh làm việc với cộng đồng một cách thường xuyên và bền vững.

“Chúng ta phải tính toán lượng người trong vòng một tuần có thể tham gia tour du lịch cộng đồng tại đây tránh làm phong trào không bền vững”, ông Hainsworth nói và cho biết điều quan trọng trong phát triển loại hình du lịch này là quảng bá những thông điệp bền vững đến với những công ty du lịch, đơn vị tổ chức tour”.

Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” do Mạng lưới các tổ chức Văn hóa Châu Âu (EU National Institutes for Culture EUNIC) và Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) được Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Quảng Nam phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 200/QĐ-SKHĐT, ngày 29-07-2022. Mục tiêu chính của dự án là góp phần bảo tồn quần thể Chà vá chân xám, phát triển sinh kế và sử dụng hợp lý tài nguyên thông qua mô hình du lịch cộng đồng ở xã Tam Mỹ Tây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới