Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội bàn về việc tăng tiền lương từ ngày 1-7-2024

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng nay (23-10), Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, Chính phủ đã tiết kiệm chi và trích lập quỹ tiền lương được khoảng 560.000 tỉ đồng, đảm bảo cho việc cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Ngoài ra, từ năm 2025 trở đi, tiền lương sẽ tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Thông tin tại kỳ họp thứ 6, từ năm 2025 trở đi, tiền lương sẽ tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 của khu vực doanh nghiệp. Ảnh: TL

Sáng nay (23-10), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì kỳ họp, baochinhphu.vn đưa tin.

Theo báo cáo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch cho năm tiếp theo, đến nay, Chính phủ đã tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương được khoảng 560.000 tỉ đồng. Qũy này đảm bảo cho việc cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 và thực hiện trong 3 năm 2024-2026.

Trong đó, năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương; tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Cũng từ năm 2025 trở đi, tiền lương sẽ tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và người tham gia; khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Liên quan đến vấn đề y tế, ngành chức năng cũng sẽ có các giải pháp để kịp thời khắc phục vướng mắc trong quản lý giá, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết vướng mắc của các dự án bệnh viện kéo dài nhiều năm; xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng; đảm bảo cung ứng kịp thời vaccine và duy trì tỷ lệ tiêm các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên 90%.

Trước đó, theo baochinhphu.vn, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026.

Các đại biểu còn xem xét thông qua 9 dự án luật. Đó là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Viễn thông (sửa đổi). Mọt số dự án luật khác cũng được bàn đến như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23-10 đến ngày 28-11-2023, được chia thành 2 đợt gồm đợt 1 kéo dài 15 ngày từ ngày 23-10 đến ngày 10-11-2023 và đợt 2 kéo dài 7 ngày từ ngày 20-11 đến ngày 28-11-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới